Quy định rõ để ngăn chặn tùy tiện khi đặc xá

(Baonghean.vn) - Ngày 29/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật an ninh mạng và thảo luận tại tổ về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, dự án Luật đặc xá.

Bổ sung quy định biện pháp tự vệ trong trường hợp đặc biệt

Đây là đề nghị của Phó trưởng Đoàn ĐBQH Nghệ An Trần Văn Mão khi phát biểu thảo luận tại hội trường về về dự án Luật An ninh mạng sáng 29/5. 

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Mão phát biểu tại hội trường. Ảnh: Huyền Thương
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Mão phát biểu tại hội trường. Ảnh: Huyền Thương
Theo đó, về bảo vệ an ninh mạng đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, cổng kết nối mạng quốc tế, đại biểu Trần Văn Mão đề nghị bổ sung thêm quy định về các biện pháp tự vệ sẵn sàng trong trường hợp đặc biệt, như nguy cơ bí mật Nhà nước, bí mật quốc phòng an ninh bị lộ, lọt trên không gian mạng nguy hại đến an ninh quốc gia thì có thể đóng hoàn toàn hoặc hạn chế các cổng kết nối quốc tế để ngăn chặn truy cập từ phía ngoài vào bên trong các hệ thống thuộc địa phận Việt Nam.
Đại biểu Trần Văn Mão cũng đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu các nội dung trong dự thảo để tránh chồng chéo với các luật khác như Luật An toàn thông tin mạng, Luật Cơ yếu...

Liên quan đến tội phạm mạng Phó trưởng Đoàn ĐBQH Nghệ An đề nghị sửa lại: “Tội phạm mạng là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, các phương tiện điện tử để phạm tội theo quy định của Bộ Luật hình sự 2015” để cụ thể và chính xác hơn.

Liên quan đến quy định tại Điều 15 của dự thảo Luật An ninh mạng về “Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”, có ý kiến đại biểu cho rằng cần quy định rõ chủ thể đánh giá nội dung thông tin đó là vi phạm hay không?.

Phản biện ý kiến này tại hội trường, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, tất cả các tài liệu trên mạng khi cơ quan điều tra thu thập được đều phải trưng cầu giám định, liên quan đến lĩnh vực của bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó giám định và đó là cơ sở để thực hiện.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại hội trường. Ảnh: Huyền Thương
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại hội trường. Ảnh: Huyền Thương

Về vấn đề đặt Văn phòng đại diện đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông internet tại Việt Nam, đại biểu cho rằng quy định như dự thảo Luật là phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam như: Luật Thương mại năm 2005, Luật Ngoại thương năm 2017, Nghị định 28/2018 của Chính phủ; đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phát biểu tại Hội trường, đa số ý kiến các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành luật nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của tình hình an ninh mạng trong nước, yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bí mật Nhà nước, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Hiến pháp.

Trước đó, sáng cùng ngày, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Quy định rõ vai trò của thi hành án khi đặc xá 
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, dự án Luật đặc xá.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Hội - Phó Tư lệnh Quân khu 4 nhất trí với dự thảo luật dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh. 

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Sỹ Hội cũng đề nghị dự thảo luật cần xác định vị trí, cơ cấu tổ chức của Cảnh sát biển trong lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam; làm rõ vai trò của Cảnh sát biển trong tham gia xây dựng thế trận Quốc phòng, an ninh trên biển.

Về dự án Luật đặc xá, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị giải thích các từ ngữ về “sự kiện trọng đại”, “trường hợp đặc biệt” để áp dụng đặc xá; giải thích thuật ngữ “lập công lớn” để ngăn chặn sự tùy tiện khi đưa các đối tượng vào đặc xá; bổ sung hồ sơ bản xác nhận về chấp hành tốt nội quy tạm giữ, tạm giam khi tiến hành đặc xá; quy định rõ vai trò, chức năng của cơ quan thi hành án trong thực hiện quá trình đặc xá.

Còn đại biểu Hoàng Thị Thu Trang - Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh đề nghị, dự thảo Luật cần có quy định rõ về thực hiện nghĩa vụ thi hành án và bồi thường dân sự đối với người nước ngoài để đảm bảo tính khả thi, trách nhiệm bồi thường đối với tội phạm tham nhũng...

Tin mới