Quyền 'ngoài vùng phủ sóng' của lao động Pháp

(Baonghean) - Nếu những kỳ nghỉ hào phóng, chế độ chăm sóc sức khỏe toàn dân cùng những món ăn ngon, thức rượu hảo hạng chưa đủ khiến thế giới phải ngả mũ ghen tị với nước Pháp, thì những luật lệ mới có hiệu lực từ đầu năm nay rất có thể lại làm được điều đó.

Trong số này, chắc chắn phải kể đến quy định mới cho phép người lao động Pháp “được quyền ngoài vùng phủ sóng” sau giờ làm.

Cân bằng công việc - nghỉ ngơi

Ông chủ gửi thư điện tử lúc 10 giờ đêm - nhân viên được quyền phớt lờ? Ngày cuối tuần nghỉ ngơi bỗng nhận được tin nhắn “hỏi chút thôi” từ đồng nghiệp - chờ thứ Hai hẵng trả lời? Nghe có vẻ lạ, nhưng đây lại là điều hoàn toàn thực tế đối với những người lao động trên lãnh thổ Pháp theo Luật Lao động sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1/1 năm nay.

Dù đâu đó vẫn có ý kiến cho rằng việc luật hóa vấn đề “ngắt kết nối” với công việc sau giờ làm có chút nực cười, song xét cho cùng thì không hẳn vậy. Quy định như trên được nước Pháp ban hành từ góc độ quan điểm rằng không nên để xảy ra tình trạng người dân làm việc mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm, và người lao động cũng có quyền thi thoảng “nói không” khi ông chủ yêu cầu phải “bớt xén” những buổi tối nghỉ ngơi ở nhà, hay những kỳ nghỉ quý giá, những cuối tuần thảnh thơi cùng bạn bè và người thân để phục vụ công việc.

"Quyền ngắt kết nối" được đưa ra nhằm ứng phó với văn hóa làm việc 24/7 mà hệ quả là thường xuyên làm việc ngoài giờ không được trả lương. Ảnh: Getty.
"Quyền ngắt kết nối" được đưa ra nhằm ứng phó với văn hóa làm việc 24/7 mà hệ quả là thường xuyên làm việc ngoài giờ không được trả lương. Ảnh: Getty.

Suốt từ năm ngoái đến nay, khi dự thảo luật được đưa ra thảo luận, bàn bạc, đã có nhiều tiếng nói khẳng định cần thiết phải thông qua và ban hành luật với những quy định mang tính “cách mạng” đối với người lao động.

Đơn cử như bà Myriam El Khomri - Bộ trưởng Lao động Pháp từng nhấn mạnh tính cấp bách của luật, lập luận: “Ngày càng có nhiều người lao động bị ràng buộc ngoài giờ làm việc. Ranh giới giữa công việc với cuộc sống cá nhân đã trở nên hết sức mỏng manh. Không thiếu các trường hợp làm việc đến kiệt sức xuất hiện trong xã hội”.

Và như vậy, biện pháp trên - một trong số nhiều luật lệ mới có hiệu lực từ đầu năm 2017 tại Pháp, là minh họa sống động cho quá trình tìm kiếm sự thỏa hiệp giữa vấn đề gìn giữ các giá trị truyền thống của nước Pháp với nhượng bộ trước thực tế khách quan đang diễn ra từng ngày trong thế giới đương đại.

Thực chất, quy định mới trong luật lao động không cấm hoàn toàn các thư điện tử liên quan đến công việc, song đặt ra yêu cầu đối với các công ty tuyển dụng từ 50 nhân lực trở lên phải đàm phán một giao thức mới để bảo đảm rằng công việc không “dây dưa” trong cả những ngày nghỉ hay khoảng thời gian khi đã hết giờ làm.

Một số chuyên gia tư vấn đề xuất người lao động và quản lý nên tránh sử dụng chức năng “trả lời tất cả mọi người” đối với những email gửi đến các nhóm, như vậy chỉ có duy nhất người được hỏi nhận, đọc và phản hồi thư, thay vì làm phiền tới quá nửa văn phòng.

Một cách tiếp cận khác được đưa ra để xem xét là đề ra mốc thời gian mỗi tối mà nếu muộn hơn thời điểm đó, nhân viên sẽ không phải phản hồi email. Và thực tế, một số công ty đã quy định các khung thời gian như vậy, có thể là 10 giờ đồng hồ, từ 9h tối đến 7h sáng hôm sau, hoặc có thể là 12 giờ đồng hồ, từ 7h tối đến 7h sáng hôm sau.

Xu thế mới?

Trong một bài viết đăng tải cuối tuần trước, tờ Libération của Pháp đã ca ngợi động thái ban hành luật sửa đổi, cho rằng đó là việc làm cần thiết, nhất là đặt trong thực tế rằng “người lao động thường được đánh giá dựa vào sự gắn bó với công ty cũng như thái độ sẵn sàng trước công việc của họ”.

Đây không phải là lần đầu dự luật có nội dung như vậy được đưa ra bàn thảo, trước đó các văn kiện tương tự từng xuất hiện tại Pháp, Đức hay một số nước khác, song chưa bao giờ được luật hóa. Cùng với nhịp phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sử dụng các thiết bị số “quá liều” đã trở thành hiện tượng phổ biến, là nguồn căn gây nên nhiều hệ lụy, từ kiệt sức tới mất ngủ, thậm chí phá hỏng các mối quan hệ xã hội của người dùng.

Người lao động Pháp giờ đây có thể tạm phớt lờ email công việc ngoài giờ làm.Ảnh: Getty
Người lao động Pháp giờ đây có thể tạm phớt lờ email công việc ngoài giờ làm. Ảnh: Getty.

Người lao động Pháp đa số đều phân vân không biết chắc đâu là thời điểm họ có thể tắt các thiết bị điện tử, thậm chí hơn 1/3 trong số họ sử dụng các thiết bị đó để làm việc ngoài giờ mỗi ngày, và khoảng 60% ủng hộ có luật quy định rõ quyền lợi của họ. Vì thế, với “phe ủng hộ”, luật mới ban hành đã đáp ứng được yêu cầu ứng phó với cái gọi là văn hóa làm việc “luôn luôn sẵn sàng” mà hệ quả là tăng làm việc ngoài giờ không được trả lương, đồng thời trao cho người lao động tính linh hoạt, cơ động hơn khi đã ra khỏi công ty.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phê phán, lo ngại rằng người lao động Pháp sẽ tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh tại các nước không áp dụng các biện pháp hạn chế nói trên, và phản đối sự can thiệp của chính phủ trong vấn đề này. Olivier Mathiot, Giám đốc Điều hành chợ trực tuyến PriceMinister có trụ sở tại Paris bày tỏ: “Tại Pháp, chúng ta là những nhà vô địch trong lĩnh vực thông qua luật lệ, song chúng không phải lúc nào cũng có ích, khi điều chúng ta cần là sự linh hoạt lớn hơn trong môi trường công việc”. 

Sở hữu quan điểm tương đồng, chuyên gia cân bằng giữa công việc - đời tư Anna Cox thuộc Đại học London (UCL) cho rằng các công ty cần cân nhắc nhu cầu của người lao động về cả sự bảo vệ lẫn tính linh hoạt. Bà nói: “Với một số người, họ muốn làm việc khoảng 2 giờ mỗi tối, nhưng lại muốn được nghỉ trong khoảng 3-5h chiều để đón con cái và nấu nướng bữa tối. Những người khác lại thấy vui vẻ khi tận dụng thời gian di chuyển bằng phương tiện công cộng mỗi sáng để giải quyết bớt công việc trước khi đặt chân tới công ty”.

Vị chuyên gia này cũng quan niệm thế giới của công việc cũng thay đổi nhanh như công nghệ, ngày càng có nhiều người muốn làm việc từ xa hoặc cộng tác với đồng nghiệp đang sống tại các múi giờ khác, bởi thế rõ ràng vẫn tồn tại những thách thức, mặt trái của sự linh hoạt như mục đích mà luật mới muốn hướng tới.

Từ khi phong thanh biết tin Pháp cho phép quyền “ngắt kết nối”, ở nhiều nước khác cũng dấy lên những cuộc thảo luận về việc có nên áp dụng điều tương tự hay không. Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi liệu động thái của Pháp có khơi dậy một xu thế mới trong xã hội toàn cầu, thì vẫn cần chờ thời gian kiểm chứng tính hiệu quả của luật và sự tự giác tuân thủ của các công ty lẫn người lao động.

Phú Bình

(Theo Guardian, NYT)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới