Quyết liệt vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam

(Baonghean.vn) - Đó là yêu cầu, nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương về kiểm tra tiến độ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 20/10 tại Hà Nội.
Chủ trì từ điểm cầu Hà Nội có đồng chí Lê Văn Thành - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự có đại diện các bộ, ngành, các nhà thầu và điểm cầu 13 tỉnh có cao tốc đi qua.

Điểm cầu Nghệ An do đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì; cùng dự có đại diện các sở, ngành, huyện, thị liên quan.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc - Nam tháng 10 từ điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc - Nam tháng 10 từ điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam theo cam kết của các bộ, ngành và địa phương với Chính phủ. Thông qua việc chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cụ thể thời gian qua, Chính phủ đã quyết tâm, ưu tiên và dành nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ dự án; kịp thời báo cáo với Quốc hội tháo gỡ các khó khăn, thành công của dự án là cơ sở để Chính phủ trình Quốc hội các dự án thành phần trọng điểm tiếp theo trong năm 2022.

Tiếp đó, đại diện Bộ Giao thông Vận tải báo cáo tình hình triển khai dự án, theo đó, đã khởi công 10/11 dự án thành phần; kết quả triển khai trong 1 tháng qua và những điểm còn tồn tại, vướng mắc tại các địa phương.

Một đoạn mặt bằng cao tốc Bắc Nam đoạn qua Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An). Ảnh: Tư liệu
Mặt bằng hiện trạng một đoạn dự kiến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An). Ảnh: Tư liệu

Tại Nghệ An, trên cơ sở nguồn vốn được cấp lũy kế là 2.503,7 tỷ đồng, tỉnh đã lập kế hoạch giải ngân được 2.272,3 tỷ đồng, trong đó, đã giải ngân được 100% vốn năm 2019 và 2020, năm 2021 giải ngân được 323,85 tỷ đồng, đạt 58,33%.

Đến thời điểm hiện tại đã giải phóng được 83,79/87,84 km, đạt 95,39%, trong đó, đất nông nghiệp giải phóng được 78,15/79,31 km, đạt 98,54%; đất ở và đất vườn đã bàn giao 5,64/8,53 km, đạt 66,12%. Các vị trí trên cơ bản đã được địa phương phê duyệt phương án bồi thường GPMB nhưng các hộ dân chưa thống nhất và kiến nghị về giá đất nơi đi, nơi đến.

Trong số 30 vị trí/606 hộ tái định cư (gồm 27 vị trí phải xây dựng để tái định cư và 3 vị trí xen dắm), hiện tỉnh đã hoàn thành 23 khu và tổ chức bốc thăm phân lô và giao đất cho các hộ dân được 21 khu; 3 khu chưa hoàn thành, 1 khu tại xã Diễn Đoài thì người dân đã nhận tiền nhưng đang cản trở thi công vì chưa được hỗ trợ chi phí đào đắp.

Theo kết quả khảo sát, nhu cầu đất san lấp cao tốc qua địa bàn Nghệ An là 13,5 triệu m3; hiện tại, tỉnh Nghệ An đã cấp phép cho 40 mỏ khoáng sản, trong đó 14 mỏ đang khai thác có trữ lượng mỏ 21,515 triệu m3 và 26 mỏ đang cấp phép với trữ lượng khoảng 35 triệu m3. Hiện toàn tỉnh có 75 mỏ đá xây dựng được cấp phép, trữ lượng khoảng 93,313 triệu m3 đảm bảo nhu cầu vật liệu cho dự án là 2,68 triệu m3.           (Nguồn Ban quản lý dự án 6)

Cao tốc Bắc Nam đoạn qua Túy Loan. Ảnh: Tư liệu internet
Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Túy Loan. Ảnh: Tư liệu internet
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Vinh – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Từ giữa tháng 9 đến nửa đầu tháng 10, tỉnh giải phóng được thêm 1,3 km chiều dài, tăng 2% và hiện khối lượng còn lại chưa bàn giao xong là 3,56 km.
Tiến độ GPMB chậm là do đất ở thuộc diện tái định cư, người dân đã nhận đất, xây dựng nhà ở nhưng đất cũ chưa bàn giao, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn khá phức tạp đã ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, triển khai tái định cư.
Ngoài ra, do giá đất tăng lên nên người dân so sánh và chưa nhất trí nhận tiền đền bù; tiến độ xây dựng một số khu tái định cư còn chậm; tình trạng giao đất trái thẩm quyền tại một số địa phương khiến việc đền bù, giải tỏa khó khăn hơn.
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì từ điểm cầu Nghệ An phát biểu. Ảnh: Nguyễn Hải
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu từ điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Trên cơ lắng nghe các ý kiến phát biểu của các địa phương, bộ, ngành và Tập đoàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chia sẻ những khó khăn của các địa phương trong việc làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, cấp phép mỏ đất, đá nguyên liệu, sử dụng nguyên liệu san lấp thay thế, tình hình đền bù và di dời tái định cư các hộ dân trong điều kiện dịch bệnh...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là dự án trọng điểm quốc gia, Chính phủ vận dụng tối đa các chính sách ưu đãi được phép để tháo gỡ cho các địa phương. Vì vậy, đề nghị các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn, cùng các bộ, ngành và nhà thầu tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đưa dự án về đích trước kế hoạch. Kết quả này là cơ sở, tiền đề để Chính phủ có cơ sở trình Quốc hội các dự án hợp phần tiếp theo (giai đoạn 2) dự kiến sẽ triển khai ngay trong năm 2022./.

Tin mới