Quyết tâm cao trong thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo

(Baonghean.vn) - Một trong những mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm mỗi năm khoảng 1 - 1,5%, trong đó vùng miền núi 2 - 3%. Để thực hiện mục tiêu đó, đòi hỏi các cấp, ngành triển khai đồng bộ những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Nhiều kết quả tích cực

Trước đây, gia đình ông Mộng Văn Hoàn ở bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng (huyện Tương Dương) là một trong những hộ nghèo nhất bản. Sau khi nhường đất để thực hiện dự án thủy điện Nậm Nơn, gia đình ông Hoàn được hỗ trợ tái định cư đến nơi ở mới, được Nhà nước cấp bò sinh sản, phát triển chăn nuôi. Từ năm 2019, 2 người con của ông Hoàn đi làm công nhân nên có điều kiện hỗ trợ kinh tế cho bố mẹ.

“Bây giờ, cuộc sống của gia đình cũng đã tạm ổn nên tôi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường chính sách cho người khác. Mình cứ bám riết cái hộ nghèo thì biết khi nào cho khấm khá lên được...”, ông Hoàn bộc bạch.

Mô hình nuôi bò nhốt của gia đình ông Nguyễn Hữu Duệ tại bản Bãi Sở, xã Tam Quang (Tương Dương). Ảnh: Phạm Bằng
Mô hình nuôi bò nhốt của gia đình ông Nguyễn Hữu Duệ tại bản Bãi Sở, xã Tam Quang (Tương Dương). Ảnh: Phạm Bằng

Tương Dương là một trong những huyện nghèo nhất của cả nước. Thế nhưng, điều đáng mừng là phong trào sản xuất, kinh doanh những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Ngày càng có nhiều hộ viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Riêng năm 2019, toàn huyện Tương Dương có 1.263 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 24,28%, giảm 6,19%. Đáng ghi nhận là có tới 490 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện còn giảm xuống còn 19,78%. Ngoài ý thức chủ động thoát nghèo của người dân, trong 5 năm qua, huyện Tương Dương đã huy động nguồn vốn trên 300 tỷ đồng để đầu tư vào các chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững.

Năm 2020, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn Nghệ An tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Quá trình đó, có sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Nhờ đó, đầu năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh còn 4,11% (tương đương 41.041 hộ) thì đến đến cuối năm 2020, ước tính tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3%.

Ngoài ý thức tự vươn lên thoát nghèo của người dân, thì trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ giúp người dân thoát nghèo bền vững. Tính đến giữa tháng 11/2020, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn đạt gần 3.407 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương đầu tư theo mục tiêu Chương trình giảm nghèo là: 3.191,4 tỷ đồng; ngân sách địa phương bố trí 109,814 tỷ đồng. Cùng đó, với sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến đến cơ sở; sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp đã tạo được sức lan tỏa huy động xã hội hóa số tiền ủng hộ công tác giảm nghèo hơn 73 tỷ đồng.

Bà con bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông) phát triển nghề đan lát truyền thống, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Bà con bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông) phát triển nghề đan lát truyền thống, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Đánh giá về những kết quả tích cực của công tác giảm nghèo bền vững năm 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho rằng, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về công tác giảm nghèo bền vững đã được nâng lên và có chuyển biến rõ rệt; mục tiêu giảm nghèo trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng. Mức sống dân cư được cải thiện góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp

Mặc dù đã được những kết quả tích cực nhưng đánh giá khách quan, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh chưa thực sự bền vững, vẫn còn nhiều hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới. Hiện nay, toàn tỉnh vẫn đang còn 1.340 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đang cao hơn mức bình quân cả nước. Việc bình xét, phân loại hộ nghèo, nguyên nhân nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp ở một số địa phương chưa sát thực tế. Nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh, huyện còn ít; khả năng huy động nguồn vốn xã hội tuy đã đạt được kết quả nhất định nhưng vẫn còn thấp. Một bộ phận người nghèo còn có tư tưởng không muốn thoát nghèo.

Cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh giúp người dân xã Nậm Giải (Kỳ Sơn) phát triển kinh tế. Ảnh tư liệu: Trọng Kiên
Cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh giúp người dân xã Nậm Giải (Kỳ Sơn) phát triển kinh tế. Ảnh tư liệu: Trọng Kiên

Tại huyện Kỳ Sơn, đến năm 2020, khi các chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 30a kết thúc, huyện đặt nhiệm vụ giảm hộ nghèo xuống còn 36,22%. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện cũng thẳng thắn chia sẻ, Kỳ Sơn vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trên con đường giảm nghèo. Thách thức đó đến từ chính điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình thiếu bằng phẳng, thiếu đất canh tác. Cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư xây dựng song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Số hộ thoát nghèo hàng năm tuy có giảm nhưng thiếu bền vững, tỷ lệ tái nghèo vẫn còn cao. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm đã được quan tâm đầu tư, hướng xuất khẩu lao động nước ngoài được đẩy mạnh bằng nhiều chính sách hỗ trợ tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như mong muốn.

Nhận thức công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ thường xuyên, Nghệ An phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mỗi năm từ 1-1,5%, trong đó vùng miền núi 2 - 3%.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, bên cạnh việc đầu tư nguồn lực để thu hút đầu tư các dự án trọng điểm ở khu vực Đông Nam của tỉnh thì việc bố trí nguồn lực để nâng cao đời sống cho người dân các huyện miền Tây Nghệ An là rất quan trọng.

Đây không chỉ là chính sách giảm nghèo bền vững mà thông qua đó đảm bảo quốc phòng an ninh, đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Vì thế, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương quán triệt và nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh đầu tư cho công tác giảm nghèo trên địa bàn, nhất là các chương trình, dự án thuộc Chương trình 30a, Chương trình 135, hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi, vùng bãi ngang ven biển.

Mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện của HTX Đình Phong, xã Tam Đình. Ảnh: PV
Mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện của HTX Đình Phong, xã Tam Đình. Ảnh: PV

Cùng với đó, tỉnh thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn trọng điểm huyện nghèo, xã nghèo vùng khó khăn. UBND tỉnh đang xây dựng các giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh để sớm xóa nghèo đối với 1.340 hộ gia đình người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo. Tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với một số nhóm đối tượng trong hộ nghèo có thành viên là người có công, những người yếu thế, những người không có khả năng lao động...

Để giảm nghèo bền vững, vấn đề đặt ra là các cấp ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động nguồn lực hỗ trợ và quan trọng nhất là quyết tâm của chính các hộ thuộc diện nghèo trên địa bàn tỉnh.

Tin mới