Quyết tâm trở thành huyện khá của vùng Tây Bắc Nghệ An

Kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng bộ huyện Quỳ Châu (5/7/1947 - 5/7/ 2022)

Quyết tâm trở thành huyện khá của vùng Tây Bắc Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Ngày 5/7/1947, tại chòm Tân Lạc (nay là thị trấn Tân Lạc), Chi bộ Hoàng Văn Thụ được thành lập và đã tạo nên bước ngoặt lịch sử quan trọng cho phong trào cách mạng ở Quỳ Châu. Đến nay, trải qua 75 năm xây dựng, phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, các cấp, ngành và nhân dân đã đoàn kết, nỗ lực xây dựng Quỳ Châu phát triển, phấn đấu trở thành huyện khá của vùng Tây Bắc Nghệ An.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kiểm tra các dự án công trình trọng điểm tại huyện Quỳ Châu. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kiểm tra các dự án công trình trọng điểm tại huyện Quỳ Châu. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Rạng danh truyền thống cách mạng

Quỳ Châu là địa phương giàu truyền thống đoàn kết và yêu nước, trải qua các thời kỳ lịch sử, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo, mảnh đất với danh xưng 600 năm đã được các thế hệ cán bộ, nhân dân kế tiếp nhau chung sức, chung lòng, cần cù sáng tạo trong lao động, kiên cường, dũng cảm sát cánh cùng nhân dân cả nước đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập thống nhất Tổ quốc và xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Ngược dòng lịch sử huyện Quỳ Châu, ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Pháp dùng đất Lào làm bàn đạp tấn công vào hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tháng 3 năm 1947, Tỉnh ủy Nghệ An họp hội nghị nhận định tình hình và bàn về công tác bố phòng kháng chiến chống sự xâm lược của thực dân Pháp. Ở huyện Quỳ Châu, do những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của bọn phản động nên cán bộ cách mạng gặp nhiều khó khăn. Liên khu ủy điều động đồng chí Nguyễn Quốc Sủng, một cán bộ huyện Diễn Châu lên tăng cường cho Quỳ Châu để xây dựng phong trào. Để thống nhất chỉ đạo mọi mặt công tác giữa Đại đội 58 với các cán bộ địa phương, ngày 5/7/1947, tại chòm Tân Lạc (nay là thị trấn Tân Lạc), chi bộ Hoàng Văn Thụ được thành lập gồm 4 đồng chí: Nguyễn Quốc Sủng, làm Bí thư; Tăng Ba, đại đội trưởng Đại đội 58; Trần Phố, Chính trị viên Đại đội 58; Lang Văn Thịnh, cán bộ xã Tri Lễ.

Sự ra đời của Chi bộ Hoàng Văn Thụ đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử quan trọng cho phong trào cách mạng ở Quỳ Châu. Đây là kết quả của sự tiếp nối truyền thống đấu tranh quật cường của nhân dân các dân tộc Quỳ Châu từ nhiều thế kỷ trước, là thắng lợi rất quan trọng của tư tưởng vô sản trong cuộc đấu tranh với kẻ thù, điều đó đã tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển thành Đảng bộ huyện Quỳ Châu sau này. Chi bộ Hoàng Văn Thụ là hạt nhân chính trị ở cơ sở, chi bộ Đảng đầu tiên đóng vai trò xúc tiến các hoạt động tuyên truyền, tập hợp, lãnh đạo quần chúng thực hiện các phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động.

Chất lượng văn hóa, làng bản văn hóa được các cấp ủy quan tâm thực hiện. Trong ảnh: Bà con bản Piêng Điếm, xã Châu Phong vui mừng đón nhận Danh hiệu Bản văn hoá. Ảnh: Kế Kiên

Chất lượng văn hóa, làng bản văn hóa được các cấp ủy quan tâm thực hiện. Trong ảnh: Bà con bản Piêng Điếm, xã Châu Phong vui mừng đón nhận Danh hiệu Bản văn hoá. Ảnh: Kế Kiên

Từ khi thành lập, chi bộ Đảng đã khéo léo dựa vào dân để tuyên truyền, vận động, tập hợp sức mạnh đoàn kết trong việc đánh bại thù trong, ngăn chặn giặc ngoài, bảo vệ và củng cố tổ chức Đảng, chính quyền. Qua đó góp phần quan trọng vào việc ổn định và làm chủ tình hình huyện Quỳ Châu nói riêng, vùng Tây Bắc Nghệ An nói chung, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc từ kháng chiến chống Pháp đến hết kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 1975.

Đi cùng lịch sử dân tộc, trong 75 năm qua, Đảng bộ huyện Quỳ Châu đã lãnh đạo nhân dân vượt mọi khó khăn gian khổ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, toàn huyện đã có hàng nghìn thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 270 liệt sỹ, 135 thương bệnh binh, 12 mẹ Việt Nam anh hùng.

Tạo sức bật để phát triển

Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ Quỳ Châu đã lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu; từng bước xây dựng quê hương ngày càng phát triển về mọi mặt. Tuy còn một số tồn tại, hạn chế, song những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân toàn huyện đạt được đáng tự hào: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản (từ 54% năm 2005 giảm xuống còn 33,7% năm 2021), tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản (đạt 23,6%), riêng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ (tăng từ 26,3% năm 2005 lên 42,7% vào năm 2021).

Quang cảnh trung tâm thị trấn Quỳ Châu. Ảnh: Sách Nguyễn

Quang cảnh trung tâm thị trấn Quỳ Châu. Ảnh: Sách Nguyễn

Hình thành các khu vực sản xuất tập trung như: vùng trồng cây nguyên liệu, vùng cây ăn quả; vùng lúa… Sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch có xu hướng phát triển tốt. Lâm nghiệp được tổ chức lại theo hướng xã hội hóa, lấy chăm sóc, nuôi trồng, bảo vệ rừng là chính, từng bước xóa bỏ tình trạng phá rừng… đưa độ che phủ rừng của huyện đứng đầu tỉnh Nghệ An, đạt 78% (năm 2020). Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ. Đến nay, 11/11 xã đã có hệ thống giao thông được nhựa và bê tông hóa, ô tô đi lại thuận tiện. 100% trụ sở làm việc UBND xã và trạm Y tế được xây dựng khang trang. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 94,2%. Toàn huyện có 34/37 trường đạt chuẩn quốc gia, 89,7% phòng học được kiên cố hóa và nhiều công trình phúc lợi khác. Có 2/11 xã (xã Châu Tiến, Châu Bính) và 30 bản đạt chuẩn Nông thôn mới; bình quân toàn huyện đạt 14 tiêu chí.

Trường Tiểu học Châu Bình 1 (Quỳ Châu) nỗ lực xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Ảnh: Kế Kiên

Trường Tiểu học Châu Bình 1 (Quỳ Châu) nỗ lực xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Ảnh: Kế Kiên

Đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân từng bước được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng cao, từ 4,6 triệu đồng năm 2005 lên 42,3 triệu đồng năm 2021. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Diện mạo nông thôn Quỳ Châu có sự thay đổi rõ nét, tạo ra thế và lực mới để Đảng bộ và nhân dân trong huyện bước vào thời kỳ phát triển mới.

Chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển đã chứng minh sự trưởng thành, lớn mạnh vượt bậc của Đảng bộ huyện; khẳng định vai trò tiên phong, lãnh đạo quân và dân trong thực hiện các phong trào cách mạng.

Ghi nhận những thành tích đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quỳ Châu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dịp kỷ niệm 600 năm Danh xưng, huyện đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Trong những năm qua, nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành từ Trung ương đến tỉnh trao tặng Cờ Thi đua, danh hiệu và phần thưởng cao quý khác…

Mô hình nuôi cá lồng trên sông của nông dân xã Châu Nga cho thu nhập ổn định. Ảnh: Kế Kiên

Mô hình nuôi cá lồng trên sông của nông dân xã Châu Nga cho thu nhập ổn định. Ảnh: Kế Kiên

Kế thừa và phát huy truyền thống 75 năm xây dựng, phát triển, Đảng bộ huyện cùng với cả hệ thống chính trị và mỗi người dân Quỳ Châu tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao để đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa. Trước mắt là triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020- 2025, phấn đấu đưa Quỳ Châu sớm trở thành huyện phát triển khá ở vùng Tây Bắc Nghệ An và sớm về đích Huyện nông thôn mới.

Ông Nguyễn Thanh Hoài – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: “Thời gian tới, Đảng bộ huyện xác định thực hiện tốt một số nhiệm vụ trong đó là: Phát huy nội lực, thu hút ngoại lực, tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, trong đó ưu tiên phát triển kinh tế rừng và du lịch, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; Quan tâm chăm lo phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh”.

Tin mới