Quỳnh Lưu: Vị thế trọng điểm về kinh tế thủy sản

(Baonghean) - Quỳnh Lưu có đội tàu đánh bắt xa bờ bằng 2/3 số lượng tàu toàn tỉnh, sản lượng đánh bắt chiếm hơn 50% toàn tỉnh, có nhiều trại sản xuất giống tôm và diện tích nuôi công nghiệp lớn nhất tỉnh để phát triển mạnh mẽ kinh tế thủy sản. Tuy nhiên, những bất cập về cơ sở hạ tầng phục vụ cho đánh bắt, chế biến thủy sản đang là lực cản đối với sự phát triển của địa phương.

Bức bách hạ tầng phục vụ nghề cá

Có mặt tại cửa biển Lạch Quèn, phía bờ Nam thuộc địa bàn xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) chứng kiến cảnh tấp nập tàu, thuyền sau một chuyến bám biển vào cập bến để dỡ hàng mới phần nào thấy được những khó khăn, bất cập tại đây.

Tàu xa bờ mang số hiệu NA 96869TS công suất hơn 600 CV của ông Trần Thành, xã Quỳnh Long cập bến sau chuyến đi biển 5 ngày. Ông Thành cho biết: "Chuyến biển này tàu đánh bắt được 48 tấn cá, trừ chi phí còn được trên 400 triệu đồng. Cá đánh bắt khá, nhưng điều lo lắng là bến đỗ an toàn để bốc dỡ hàng và hệ thống dịch vụ hậu cần không đáp ứng được, dẫn đến sản phẩm đánh bắt khó tiêu thụ, bị ép giá, giá trị kinh tế thu về không cao". 

Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu khảo sát tình hình hoạt động kinh tế thủy sản
Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu khảo sát tình hình hoạt động kinh tế thủy sản
tại cảng cá Lạch Quèn.

Tìm hiểu biết thêm, ở đây các bến cá cả nhà nước lẫn tư nhân đã chật chội, quá tải. Tại bờ Nam cảng Lạch Quèn, cầu cảng Nhà nước xây dựng cách đây gần 20 năm với chiều dài của bến đậu chỉ khoảng 50m, tàu đậu 3 mặt cầu mỗi lần cũng chỉ được 5 tàu nhỏ hoặc 4 tàu to (trên 400 CV).

Sự quá tải thiếu bến đậu này tại bến phía Nam đã được giải quyết một phần khi ông Trần Huy Hoàng -  Giám đốc DNTN Huy Hoàng cách đây 4 năm đầu tư xây dựng mở thêm một bến cảng phía trong tạo điều kiện cho khoảng 10 tàu, thuyền neo đậu.

Sự bức bách về bến đậu của bờ Nam đã dẫn đến việc hơn 20 hộ dân sau khi thuê đất lâu dài dọc tuyến kè chắn sóng tự phát đổ cọc bê tông nới rộng không gian ra phía ngoài luồng để cho tàu neo đậu vào cho các thương lái thu mua cá cũng như các dịch vụ hậu cần đi biển gồm dầu, đá, thực phẩm...

Sự chắp vá thiếu quy hoạch về bến bãi, đầu tư mang tính tự phát đã tạo cho toàn bộ vùng bờ Nam cảng Lạch Quèn một sự lộn xộn, thiếu quy chuẩn, không đảm bảo an toàn cho phương tiện ra vào cập cảng. Hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá cũng theo đó manh mún, thiếu hệ thống kho đông, chưa có nhà máy đá, cây xăng dầu quy chuẩn... 

Cảng nhân dân phía Nam lạch Quèn tự phát xây dựng đã ảnh hưởng đến khơi thông luồn lạch
Cảng nhân dân phía Nam lạch Quèn tự phát xây dựng đã ảnh hưởng đến khơi thông luồn lạch

Tại bờ Bắc thuộc địa bàn xã Tiến Thủy, do cầu cảng Nhà nước được nâng cấp sau nên phần nào được nới dài ra khoảng 100 m và hai đầu bến cảng có sự vào cuộc đầu tư của Công ty TNHH Hải Tâm cũng tạo điều kiện cải thiện thêm tình hình bến đậu. Tuy nhiên, so với sự tăng trưởng nhanh của phương tiện, công suất, toàn bộ bến Bắc lạch Quèn chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu phương tiện.

Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy - ông Nguyễn Văn Ước cho biết: "Bến Bắc là bến chính cho tàu thuyền ra vào ở lạch Quèn, nhờ điều kiện địa hình cũng như không gian, độ sâu luồng lạch... Do vậy, mỗi ngày tại đây có khoảng 500 tàu, thuyền vào bến.

Tuy nhiên, công suất bến cảng mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu phương tiện nên đã xảy ra nhiều vụ xô xát giữa các chủ tàu, thuyền viên tranh giành bến đậu gây hư hỏng phương tiện, thiết bị nghề".

Đường vào cảng phía Bắc Lạch Quèn lộn xộn bởi người và phương tiện
Đường vào cảng phía Bắc Lạch Quèn lộn xộn bởi người và phương tiện

Một bất cập nữa tại bến Bắc Lạch Quèn là không gian bến bãi quá chật chội, hệ thống giao thông vào bến thiếu thông suốt nên cũng rất lộn xộn, mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường; thời điểm tàu cá cập bến đông, chen chúc người và phương tiện vào bến " ăn cá", bao trùm mùi hôi thối của nước cá kết dư trên bề mặt bến bãi cũng như đường vào cảng. 

Cảng cá lạch Quèn phía Bắc trở nên lộn xộn, quá tải
Cảng cá lạch Quèn phía Bắc trở nên lộn xộn, quá tải

Hiện nay, cả 2 cửa lạch chính của huyện Quỳnh Lưu là Lạch Thơi và lạch Quèn đều bất cập về hạ tầng: tình trạng chung về bồi lắng cạn hóa luồng lạch, bến bãi chật chội, dịch vụ hậu cần nghề cá manh mún, không đảm bảo mỹ quan, môi trường đang diễn ra thực sự cấp bách. 

Giai đoạn từ 2010 - 2015, số lượng tàu trên 90CV của Quỳnh Lưu đã tăng 315 chiếc,  gấp đôi chỉ tiêu đề ra, trong đó tàu trên 400 CV có 690 chiếc chiếm 65% số lượng tàu toàn tỉnh. Sản lượng đánh bắt tăng gấp đôi từ 25.000 tấn lên trên 50.000 tấn.

Cần quy hoạch tốt gắn thu hút đầu tư 

Với chiều dài bờ biển gần 20 km, có 2 cửa lạch quan trọng cho tàu thuyền ra vào cũng như số lượng phương tiện đông, đặc biệt số lượng phương tiện trên 90 CV với tổng công suất máy bằng 70% toàn tỉnh, sản lượng đánh bắt chiếm hơn 50% toàn tỉnh, Quỳnh Lưu có lợi thế để trở thành trọng điểm nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của tỉnh, định hướng vươn tầm khu vực.

Cảng nhà nước phía Nam quá nhỏ tàu phải đậu 2 lớp
Cảng nhà nước phía Nam quá nhỏ tàu phải đậu 2 lớp

Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định rõ định hướng: Đẩy mạnh phát triển khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản trên các diện tích mặt nước, đa dạng hình thức nuôi và cơ cấu giống nuôi, để đến năm 2020 diện tích nuôi đạt khoảng 2.350-2.450ha, đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất lớn tham gia khai thác xa bờ, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 1.500 tàu, trong đó có khoảng 950 - 1.000 tàu có công suất trên 90CV, sản lượng khai thác đạt 64-65 ngàn tấn. Tăng tỷ trọng thủy, hải sản đạt khoảng 47-50% trong giá trị sản xuất nông - lâm - ngư. 

Cảng lạch Quèn phía Bắc hẹp cầu cảng nên tàu thuyền đậu san sát gây mất an toàn phương tiện
Cảng lạch Quèn phía Bắc hẹp cầu cảng nên tàu thuyền đậu san sát gây mất an toàn phương tiện

Để thực hiện được mục tiêu, định hướng trên, huyện Quỳnh Lưu cần phải có quy hoạch tổng thể phát triển hạ tầng cho kinh tế thủy, hải sản. Đặc biệt, trong bối cảnh việc tăng nhanh chóng số lượng phương tiện cũng như công suất máy thì về hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá cần đặc biệt coi trọng, quy hoạch để có định hướng phát triển, định hướng thu hút đầu tư, hạn chế tình trạng chắp vá, manh mún, bất cập gây sự lãng phí. 

Đồng chí Lê Thành Nhân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Lưu: Huyện đang đề nghị tỉnh cho chủ trương và hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết khu chế biến nông - thủy sản và hậu cần nghề cá tập trung giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; mà trước mắt là tại khu vực cảng cá Lạch Quèn. 

Hữu Nghĩa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới