Quýt PQ đặc sản Nghệ An lại ế chỏng chơ, bán 2000 đồng/kg vẫn không có người mua

(Baonghean.vn) - Hàng trăm ha quýt PQ trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn không tiêu thụ được mặc dù giá bán rất rẻ, chỉ 2000 đồng/kg. Người trồng quýt không khỏi lo lắng vì quýt đã ra hoa mà quả vẫn còn trên cây.
Clip: Xuân Hoàng - Quang An
Những ngày này, người trồng quýt trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn băn khoăn, lo lắng, bởi cây đã ra hoa mà quả vẫn không thu hoạch được, vì không ai mua.
Gia đình ông Hoàng Thanh Hoài ở xóm Chong, xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn) có 1 ha quýt PQ được trồng cách đây 7 năm, đến thời điểm này vẫn còn trĩu quả trên cây.
Ông Hoài cho biết, vụ quýt này năng suất ước đạt gần 30 tấn quả, những tưởng trong dịp Tết Nguyên đán thu hoạch phần lớn, còn bao nhiêu ra Giêng thu hoạch hết. Ai ngờ Tết chỉ bán được khoảng 2 tấn quả, hết Tết thương lái không thu mua, đành để mặc cho quýt rụng đầy gốc. 
ế ẩm
Vườn quýt PQ của gia đình ông Hoàng Thanh Hoài còn phần lớn số quả, nhưng không có thương lái đến mua. Ảnh: Xuân Hoàng
"Các năm trước quýt bán thấp nhất 5.000 đồng/kg, nhưng tiêu thụ nhanh; năm nay chỉ có 2000 đồng/kg vẫn không ai mua cho. Trừ số quýt rụng khoảng 7 tấn, hiện nay cả vườn quýt còn khoảng 20 tấn quả nữa, giờ không biết làm sao. Trong khi đó quýt đã ra chồi non và hoa, quả lại không thu hoạch được, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quả vụ sau" - ông Hoàng Thanh Hoài băn khoăn.
Không riêng gia đình ông Hoài, mà toàn bộ số hộ trồng quýt trên địa bàn xã Nghĩa Yên và các xã lân cận: Nghĩa Mai, Nghĩa Lâm... đều không tiêu thụ được. Vườn quýt nào cũng lúc lỉu quả chín vàng nhưng không có thương lái đến thu mua.
ế ẩm 2
Năm nay, người trồng quýt trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn thất thu vì không bán được. Ảnh: Quang An
Ông Hoàng Văn Phúc - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên cho biết: Toàn xã có 102 ha quýt PQ, trong đó 93 ha đã cho thu hoạch. Nóng nhất là quýt không tiêu thụ được, khiến các chủ hộ trồng quýt đứng ngồi không yên. Quýt ở đây được trồng trên đất đỏ ba zan nên cho năng suất cao, từ 20 - 30 tấn quả/ha. Do tiêu thụ chậm, nên đến ngày 8/3, số quýt bán được mới khoảng 10% sản lượng quả, số còn lại 90% đang còn trên cây.
"Bà con trồng quýt nhiều là bởi trước đây thị trường tiêu thụ tốt, giá ổn định, nhiều diện tích trồng mía, keo, ngô... bà con chuyển sang trồng quýt PQ. Năm nay quýt không bán được có thể do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không thông thương được", ông Hoàng Văn Phúc cho hay.
rụng đầy vườn
Không tiêu thụ được, đành để quýt rụng đầy vườn. Ảnh: Xuân Hoàng
Ông Lâm Văn Thắng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghĩa Đàn cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 400 ha quýt PQ cho thu hoạch, tập trung nhiều ở các xã: Nghĩa Yên, Nghĩa Mai, Nghĩa Thọ... Do thị trường tiêu thụ chậm, nên hiện nay quýt đang "treo" đầy trên cây, không thể bán nổi.
Ông Thắng cho rằng, quýt bắt đầu cho thu hoạch vào dịp Tết, nhưng năm nay mới bán được khoảng 1/3 sản lượng, hiện còn hàng nghìn tấn đang còn "treo" trên cây. Huyện chưa có giải pháp gì giải cứu quýt cho bà con, mà trông chờ vào thị trường. 
Nhiều cây quýt đã ra hoa vụ mới tuy nhiên lứa quýt cũ vẫn còn tồn đọng rất nhiều, buộc phải giải cứu. Ảnh: Quang An
Nhiều cây quýt đã ra hoa vụ mới, tuy nhiên lứa quýt cũ vẫn còn tồn đọng rất nhiều, buộc phải giải cứu. Ảnh: Quang An
Theo bà con, quýt là cây trồng dễ chăm sóc, đầu tư không lớn, nhưng cho thu nhập khá cao. Năm nay quýt không tiêu thụ được, đồng nghĩa với người trồng quýt thất thu. Nhưng điều lo lắng hơn là quýt đã đến kỳ đâm chồi, ra hoa, trong khi quả vẫn còn trên cây, sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng quýt cho vụ sau.
Người dân buộc phải đăng bài trên các trang mạng xã hội, mong muốn các mạnh thường quân giải cứu quýt cho nông dân. Ảnh: Quang An
Người dân buộc phải đăng bài trên các trang mạng xã hội, mong muốn các mạnh thường quân giải cứu quýt cho nông dân. Ảnh: Quang An
Lo lắng cho vườn quýt, nông dân Nghệ An đứng ngồi không yên. Nhiều bạn trẻ lên mạng xã hội kêu gọi giải cứu nhưng kết quả cũng không thật khả quan.

Tin mới