Rachel Maddow: Người "dựng vua" của đảng Dân chủ Mỹ

(Baonghean) - Cuộc chạy đua cho chiếc ghế ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ đã bắt đầu với các cuộc vận động và những lần xuất hiện trước công chúng. Nhưng muốn biết ai đang là dẫn đầu đoàn đua, dư luận sẽ phải tới hỏi một MC truyền hình: Rachel Maddow, người cầm trịch talkshow số 1 của kênh MSNBC thời điểm hiện tại.

“Phù thủy” của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử 2020

Tối thứ Tư ngày 2/1/2019, vòng đua bầu chọn ứng cử viên của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 đã chính thức khai màn, nhưng không phải ở một buổi lễ ra mắt hoành tráng hay một bữa tiệc.

Nó diễn ra tại studio của kênh truyền hình MSNBC ở New York, nơi Elizabeth Warren - thượng nghị sỹ bang Massachusetts ngồi trò chuyện với Rachel Maddow trong một talkshow.

Điều này có vẻ rất logic khi mà mới 3 năm trước đây thôi, khả năng “phủ sóng” các kênh truyền hình thời sự của tỷ phú Donald Trump giúp ông nhảy vọt từ vị trí một kẻ ngoại đạo chính trị trong đảng Cộng hòa tới thẳng cánh cổng Nhà Trắng.

Talkshow của Rachel Maddow xếp thứ hai về số khán giả theo dõi trong hệ thống truyền hình ở Mỹ năm 2018 với 2.9 triệu lượt người xem. Ảnh AP
Talkshow của Rachel Maddow xếp thứ hai về số khán giả theo dõi trong hệ thống truyền hình ở Mỹ năm 2018 với 2.9 triệu lượt người xem. Ảnh AP
Và giờ đây, với tỷ lệ người xem đang lên như “diều gặp gió” của MSNBC, các chiến lược gia chính trị và truyền thông đều cho rằng, lên sóng vào giờ vàng trên kênh truyền hình thiên tả này, và đặc biệt là trên show của Rachel Maddow, có thể là cách tốt nhất để các ứng cử viên đặt mình vào vòng đua cuối cùng.  

“Người ta có thể bứt phá thần tốc về chính trị nếu là khách mời trên show của cô ấy. Như thế, họ thực sự phải rất nghiêm túc với quá trình tuyển chọn ứng viên Tổng thống của phe Dân chủ cho năm 2020”.

Antjuan Seawright, nhà phân tích chính trị của đảng Dân chủ tại bang South Carolina, người từng cố vấn cho bà Hillary Clinton hồi năm 2016 nói. “Rachel biết cách để đưa người đó [thẳng] tới đại hội Đảng”, một nhà tư vấn khác tiết lộ.

Ngoài ra, theo thống kê, khán giả trung thành với show của Rachel thường là người đứng tuổi, những người có quan điểm chính trị rõ ràng. Những ai có quan hệ thân thiết với Rachel Maddow, ví dụ như thượng nghị sỹ Warren - người đã chọn Maddow cho cuộc phỏng vấn đầu tiên sau khi công bố ý định tranh cử Tổng thống, có thể được nhận được nhiều lợi ích từ đây.

Maddow, người có quan điểm chính trị rất cấp tiến, sẽ chẳng cảm thấy vấn đề gì khi cho các ứng cử viên thêm không gian để thể hiện năng lực của mình trên sóng. Đây là điều được đã được xác nhận.

“Quan điểm của kênh này là dành cơ hội cho bất cứ ai xứng đáng và thể hiện được tầm nhìn.” Một nguồn tin từng có liên hệ với MSNBC cho biết. Điều này có nghĩa không có giới hạn nào với Rachel Maddow khi lên sóng. “Rachel có thể tự chủ với ý tưởng của mình, và đó là cái hay của chương trình này.”

Trở lại với chương trình đầu năm của MSNBC, thông tin quan trọng nhất mà Maddow dành cho Warren đến vào cuối chương trình. Người dẫn có đưa ra lời đề xuất không chính thức và lời mời lên sóng những lần tới.

“Tôi nghĩ chiến dịch của bạn sắp tới sẽ rất khốc liệt, với những gì mà tôi từng chứng kiến”. Maddow nói: “Và trong suốt quá trình này, hy vọng bà sẽ luôn giữ liên lạc với công chúng và trở lại”.

MSNBC có lẽ đang lọt vào danh sách những kênh truyền hình được chú ý nhất tại Mỹ lúc này, đúng hơn là đang bước vào thời điểm vàng về bùng nổ lượng người xem. Đây được coi là lựa chọn của những người Dân chủ và những ai phản đối Tổng thống Donald Trump.

Thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, lượng khán giả trung bình của MSNBC trong tuần từ 17-21/12/2018 đạt 1,56 triệu người, lần đầu tiên đẩy kỷ lục của Fox News lập được hồi năm 2001 (1,54 triệu người/tuần) vào quá khứ. Thậm chí, MSNBC còn vượt qua cả tượng đài CNN (975.000 người).

Talkshow của Rachel Maddow có lẽ cũng là ngoại lệ trong khung chương trình của MSNBC. Chương trình có hơi hướng cấp tiến này được xem nhiều thứ hai trên mạng truyền hình cáp suốt cả năm 2018, với tỷ lệ là 2,9 triệu người mỗi tối.

Tính trung bình, Maddow cũng có được lượng khán giả trung thành nhiều hơn 1 triệu so với các đồng nghiệp nổi tiếng khác đang đảm nhận các show tương tự như Lawrence O’Donnell hay Chris Hayes.

Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen

“Quyền lực” của Rachel Maddow

Rất khó lý giải trường hợp của Rachel Maddow khi mà truyền thông chính thống đang mất dần sức hút và ảnh hưởng. Người dùng giờ có rất nhiều lựa chọn về tin tức thời sự với các nền tảng công nghệ hỗ trợ. Thậm chí, những ai theo đuổi cuộc chơi chính trị còn rất nhiều công cụ trong tay để thu hút lá phiếu của cử tri.

Nhưng Kathleen Hall Jamieson, giám đốc viện Chính sách Công Annenberg, Đại học Pennsylvania lại không ngạc nhiên với hiện tượng này. Kathleen từng nghiên cứu cách người dẫn chương trình Rush Limbaugh trở thành chuyên gia truyền thông chính trị của đảng Cộng hòa - người đưa các ứng viên lên hàng đầu chú ý của dư luận.

Hai người có nhiều điểm chung. Limbaugh và Maddow có quan điểm chính trị rất rõ ràng, và một cộng đồng người theo dõi rất trung thành. Những đối tượng này sẵn sàng biến việc theo dõi show truyền hình của họ thành một thói quen hàng ngày.

Kathleen cho rằng những ứng cử viên được mời xuất hiện trên talkshow này vài lần gần như đã giành được “trái tim” của nhóm khán giả trung thành này. “Tôi không gọi đó là vòng bầu cử sơ bộ mà sẽ dùng một khái niệm khác - cuộc họp kín của đảng để chọn ứng viên xuất sắc nhất”, Kathleen Hall Jamieson nói. “Điều quan trọng là bạn sẽ được tiếp xúc với một người chứ không phải là thấy một số người.”

Rachel Maddow có cuộc trò chuyện với Thượng nghĩ sỹ Elizabeth Warren trong show đầu năm. Ảnh: NBC News
Rachel Maddow có cuộc trò chuyện với Thượng nghĩ sỹ Elizabeth Warren trong show đầu năm. Ảnh: NBC News
Những người Dân chủ ấp ủ ý định tranh cử năm 2020 thực sự đang “phát cuồng” với Rachel Maddow cùng show truyền hình của cô. Họ muốn được ngồi trên sân khấu bàn luận với Rachel không chỉ bởi độ phủ sóng của show mà còn bởi độ tin cậy gắn liền với thương hiệu Rachel Maddow trong con mắt các nhà hoạt động cấp tiến và cả các nhà tài trợ.

Hank Sheinkopf, chiến lược gia của đảng Dân chủ tại New York bình luận: các ứng cử viên có thể xem những lần xuất hiện trong chương trình là một chứng chỉ, một tín hiệu rõ ràng về mục tiêu cao nhất của họ: lọt vào cuộc đua cuối cùng.

“Nếu ai đó đã tới được dây, ngồi vào ghế và tranh luận, họ coi như sẽ nằm trong tầm ngắm của những người thực sự quan tâm tới chính trị, những người có quan điểm cánh Tả, Trung Tả, cả những người ghét Trump, hoặc những người không có vấn đề với gì với phân biệt giới tính.”

Ông nói. “Sẽ an toàn cho những người được coi là Tả cấp tiến. Tất cả những thứ họ cần làm là thể hiện thật nhiều”. Ví dụ như trong vài giờ tham gia chương trình của Rachel Maddow, Elizabeht Warren còn tweet video và ngay lập tức nhận được 132.000 lượt xem.

Mặt khác, với các ứng cử viên Dân chủ, show của Rachel Maddow là một không gian ít rủi ro, với một người dẫn có sự đồng cảm và tỷ lệ người xem cao. Rachel không giống Hannity, người có quan hệ thân thiết với tổng thống Trump, thậm chí còn xuất hiện trong một sự kiện vận động của Trump.

Bởi thế, cô ấy có sự trung lập đáng kể. Cô ấy còn có cách gợi ý khách mời giới thiệu về tiểu sử bản thân vào những thời điểm quan trọng của chương trình. Ví dụ mới nhất là cách Rachel “thử thách” Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren với câu hỏi về quyết định thử ADN của bà. Hành động này nhằm đáp trả các chỉ trích nhằm vào bà về tuyên bố có gốc gác thổ dân trước đó.

Seawright, một chuyên gia chính trị tại bang South Carolina, cho rằng tầm ảnh hưởng của Rachel Maddow đã vượt qua khỏi khuôn khổ một chương trình truyền hình. Từng chứng kiến Rachel điều phối một diễn đàn của các ứng viên Dân chủ ở South Carolina ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống 2016, ông thốt lên rằng “mọi người đến từ khắp các bang trong nước Mỹ” không chỉ thấy tận mắt các ứng viên Dân chủ, mà còn bởi ở đó họ thấy một ngôi sao truyền hình./.

Tin mới