“Rái cá Tương Dương, anh ở đâu”

Đó là tiếng khóc than của người dân Xiêng Hương (huyện Tương Dương, Nghệ An), trong lúc tìm kiếm thi thể anh Vi Văn May dưới lòng sông Nậm Nơn. Ở làng chài nghèo này, không ai nghĩ một người đàn ông khỏe mạnh, được mệnh danh là “rái cá” với tài bơi lội lại chết một cách tức tưởi như vậy.

Hơn 3 tuần sau cái chết của anh Vi Văn May (34 tuổi), không khí tang thương vẫn bao trùm lên bản Xiêng Hương (xã Xá Lượng, Tương Dương). Kể từ khi chồng mất, chị Lương Thị Panh (25 tuổi), suốt ngày ngơ ngẩn, ngồi đăm chiêu bên hiên nhà, nhìn ra thân đập thủy điện Nậm Nơn. “Không ngờ tôi lại phải trở thành góa phụ. Chỉ trong chốc lát, tôi như mất tất cả”, Panh nói.

Cũng như nhiều hộ dân khác ở làng chài ven sông này, anh em May từ nhỏ đã thạo về sông nước. May có thể lặn được hơn 2 phút dưới lòng sông, với tài bơi lội của mình, anh vẫn thường được gọi với cái tên “rái cá”. Nhà chỉ có ít ruộng rẫy, thu nhập chính của gia đình anh chủ yếu dựa vào đánh bắt cá dưới sông. Tuy nhiên, từ khi hàng loạt thủy điện được xây dựng, cá cũng dần ít đi.

Ít năm trước, May lấy vợ, được bố mẹ dựng cho căn nhà ống ngay cạnh. Nhà của bố con May nằm ngay dưới chân đập thủy điện Nậm Nơn. Một ngày cuối tháng 8/2018, thủy điện này bất ngờ xã lũ khiến phần lớn ngôi nhà của bố May, ông Vi Xuân Hải trôi tuột xuống sông. Cả gia đình đành phải dựng bạt, ở tạm trong một góc nhà may mắn còn sót lại. “Họ xả lũ cuốn trôi nhà chúng tôi và hơn 10 nhà dân khác nhưng chẳng có động thái gì cả. Ngày Tết chúng tôi định kéo cả gia đình lên thủy điện để đón Giao thừa vì nhà chẳng còn”, ông Vi Xuân Hải bức xúc.

Cũng như nhiều hộ dân có nhà bị cuốn trôi trong lần xả lũ này, ông Hải nhiều lần gửi đơn, yêu cầu thủy điện đền bù, di dời họ đến nơi an toàn. Tuy nhiên, gần một năm sau, khi còn chưa được đến chỗ ở mới, gia đình ông Hải lại chịu thêm một mất mát, nguyên nhân cũng chỉ vì thủy điện xả. “Đó là giết người. Lúc đó tôi đứng ở đấy chứng kiến toàn bộ”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, chiều 23/5, 2 cậu con trai ông chèo thuyền ra khu vực chân đập thủy điện Nậm Nơn bắt cá, còn ông đứng ở trên nhà cách đó chừng chưa đầy 100 mét quan sát. Khi cả 2 vừa chèo thuyền chuẩn bị về thì bất ngờ một công nhân thủy điện chạy từ phía trong ra nhấn nút xả. “Anh ta chạy ra, rõ ràng thấy 2 con tôi phía dưới nhưng vẫn mở cửa xả. Tôi cố hét lớn nhưng không kịp, nước đổ ầm ầm khiến thuyền nhanh chóng lật. Cả 2 vốn thạo sông nước nhưng vẫn không trụ được”, ông Hải kể lại.

Trong phút sinh tử của 2 người con, ông Hải cùng nhiều hàng xóm chạy thẳng lên thủy điện yêu cầu đóng cửa lại. Cũng nhờ vậy, cậu con trai út mới có cơ hội sống sót. Còn anh May, trong lúc vùng vẫy đã va vào tảng bê tông, làm vỡ đầu.

Cho rằng cái chết của anh May là do phía thủy điện Nậm Nơn mở cửa xả không thông báo bằng còi hú nên gia đình đã đưa thi thể lên nhà điều hành yêu cầu làm rõ nguyên nhân. Chính quyền địa phương, lãnh đạo huyện có mặt để ổn định tình hình cũng như phối hợp ngành chức năng điều tra làm rõ. Đến gần 2h sáng ngày 24/5, sau khi lập biên bản sự việc, gia đình mới đồng ý đưa thi thể nạn nhân về nhà làm lễ mai táng theo phong tục.

“Thời điểm chồng gặp nạn cả nhà đang ở nhà, nghe thấy tiếng nước chạy ra thì nhìn thấy đó mà không ai cứu được chồng cả…”, chị Lương Thị Panh nói và cho biết, sau khi sự việc xảy ra, phía thủy điện Nậm Nơn đã hỗ trợ cho gia đình 40 triệu đồng. Hai anh chị lấy nhau năm 2012, ngôi nhà được bố mẹ xây ra ở riêng từ năm 2015 đến nay. Đứa con đầu Lương Thị Bảo Ngọc 8 tuổi vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi của người bố, ngồi thẫn thờ trước tấm di ảnh.

Bà Vi Thị Bích Thủy – Bí thư Đảng ủy xã Xá Lượng cho hay, ở địa phương anh May là người nổi tiếng về tài bơi lội. “Không ngờ anh ấy lại ra đi như vậy”. Sau khi xảy ra sự việc, chính quyền đã có mặt kịp thời để thăm hỏi cũng như xoa dịu người dân tránh gây ra tình trạng mất trật tự. “Tôi thấy thủy điện quá vô trách nhiệm. Họ xả lũ như thế làm chết người nhưng khi người dân đưa thi thể lên để quy trách nhiệm thì không hề nói một lời nào. Khi tôi đề nghị họ phát biểu, phía công ty cũng không hề nói một câu xin lỗi mà chỉ bảo “xả đúng quy trình””, bà Thủy bức xúc.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau trận lũ lịch sử vào tháng 8/2018, đài quan sát để thủy điện Nậm Nơn xả lũ đã bị hư hỏng, biển báo khu vực nguy hiểm vùng hạ du bị nước lũ cuốn mất từ đó đến nay chưa khắc phục, xây dựng lại. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Quốc Toản – Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty CP Tổng công ty phát triển năng lượng Nghệ An, chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn thừa nhận, “một phần do chủ quan trong điều tiết lượng nước hồ chứa, nghĩ lượng nước không lớn, nên anh em không phát thông báo, hơi chủ quan”.

Một ngày sau cái chết của anh May, gia đình ông Hải và hơn 10 hộ dân khác bị cuốn mất nhà gần một năm trước mới nhận được văn bản của huyện Tương Dương về việc hỗ trợ di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, phần lớn người dân ở đây không đồng tình với nội dung văn bản cũng như các phương án hỗ trợ. “Trong văn bản nói là hỗ trợ vì thiên tai lũ lụt. Như thế là sai hoàn toàn, vì đây không phải là hỗ trợ mà là đền bù. Và cũng chẳng phải thiên tai gì, mà đó là nhân tai, nó do con người xả lũ. Chúng tôi chỉ mong được di dời, có một căn nhà để ở nhưng sao mà khó quá”, ông Vi Xuân Hải ngậm ngùi.

“Nhà đã bị sạt lở mất đi một phần, phải di dời khẩn cấp nhưng nhưng đã gần một năm trôi qua vẫn chưa được đền bù, chưa có đất tái định cư. Muốn sửa để ở cũng không dám sửa. Bây giờ, con trai cũng bị chết dưới đập thủy điện nữa, gia đình mong muốn sớm được giải quyết để có chỗ ở ổn định, sống bên chân đập thủy điện gia đình cũng hoang mang, lo lắng lắm…”, ông Hải nói.

Không chỉ ở Xá Lượng, người dân sống ven lòng hồ thủy điện này ở xã Lượng Minh cũng phải sống chật vật suốt một năm nay vì sạt lở. Thủy điện Nậm Nơn nằm cách Bản Vẽ chỉ khoảng 10 km về hạ lưu, từ khi tích nước vào năm 2014 đến nay, đã có 7 căn nhà ở xã Lượng Minh bị cuốn xuống lòng hồ. Theo thống kê của chính quyền địa phương vào năm 2018, có hơn 100 ngôi nhà khác có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở, trong đó 34 nhà dân phải di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, gọi là khẩn cấp nhưng suốt một năm qua họ vẫn phải sống tạm trong những căn lều dựng bên đường, bởi nhà đã bị cuốn xuống lòng hồ.

Cứ sau mỗi cơn mưa lớn hoặc thủy điện Nậm Nơn tích nước, hay thậm chí thủy điện Bản Vẽ ở phía trên xả lũ, người dân ở đây lại lo nơm nớp. Hàng loạt vết nứt đang ngày càng lớn dần, đồng thời với ngày mà căn nhà của họ bị tuột xuống lòng hồ càng gần.

Thủy điện Nậm Nơn được khởi công từ năm 2011. Sau khi đánh giá tác động môi trường, dự án này chỉ phải di dời 2 hộ dân. Tuy nhiên, đến nay thủy điện này lại khiến hàng trăm hộ dân chịu ảnh hưởng. Điều này đã dấy lên một câu hỏi, liệu công tác đánh giá tác động môi trường của dự án này đã được làm nghiêm túc hay chưa? Phải chăng vì muốn tiết kiệm kinh phí nên dự án này chỉ di dời 2 hộ dân?.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cho rằng, mặc dù gây ảnh hưởng đến nhiều hộ dân nhưng chủ đầu tư của dự án thủy điện này vẫn làm ngơ, thiếu quan tâm. Còn ông Nguyễn Văn Hải – Bí thư Huyện ủy Tương Dương nói rằng, thủy điện liên tục làm trôi nhà dân rồi khiến người chết, nhưng cho đến nay họ vẫn chưa đứng ra nhận một trách nhiệm nào để đền bù, thậm chí chỉ là một lời xin lỗi cũng không có.

“Hiện tại một số thủy điện trên địa bàn chỉ mới làm công tác từ thiện, trao một ít quà cho người dân ở vùng bị ảnh hưởng. Họ không có một động thái gì để thể hiện trách nhiệm của mình trong việc bồi thường hậu quả do chính mình gây ra”.

Ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện ủy Tương Dương

Liên quan đến cái chết của anh May, Bí thư Huyện ủy nói rằng, cơ quan điều tra đã mổ tử thi, hiện vụ việc vẫn đang được điều tra, sau đó sẽ có kết luận rõ ràng. Tuy nhiên, bước đầu nhà chức trách xác định, mỗi khi xả nhà máy đều điện cho trưởng bản để phát loa thông báo, đồng thời cử 2- 3 người đi kiểm tra khu vực chân đập, rồi còn hú còi, khoảng 30 phút sau đó mới xả nhưng lần xả khiến anh May gặp nạn thì không thấy.