Rất cần thiết cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam

(Baonghean.vn) - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định: Việc có cơ chế đặc thù để thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Chiều 10/1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 10/1 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh
Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 10/1 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Tại phiên thảo luận đã có 21 đại biểu phát biểu; theo đó đa số các ý kiến thống nhất cao về sự cần thiết đầu tư xây dựng công trình trọng điểm này.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có phạm vi từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, tổng chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô từ 4 - 6 làn xe, các đoạn cửa ngõ đô thị quy mô 8 - 10 làn xe. Đến nay đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư.

Để sớm hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tạo động lực, sức lan tỏa nhằm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với địa điểm từ Hà Tĩnh (Bãi Vọt) đến Quảng Trị (Cam Lộ), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau.

Giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức đầu tư công.

Các đại biểu dự kỳ họp tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Các đại biểu dự kỳ họp tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc thực hiện dự án trên nhằm hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn giao thông, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. 

Qua đó, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua.

Đối với các nội dung cụ thể, các đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ hướng tuyến để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; làm rõ công nghệ chính áp dụng cho dự án; tính toán kỹ phương án giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư để tránh vướng mắc khi thực hiện.

Có ý kiến đề nghị lưu ý các đường ngang kết nối với các trục giao thông hiện có; thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch các địa phương.

Các đại biểu dự kỳ họp tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Các đại biểu dự kỳ họp tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Đa số các đại biểu đều thống nhất đầu tư toàn bộ dự án bằng vốn đầu tư công, song nhiều ý kiến cũng đề nghị nghiên cứu có giải pháp huy động vốn ngoài Nhà nước trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Ý kiến đại biểu cũng đề nghị thuyết minh thêm về sơ bộ tổng mức đầu tư, suất đầu tư và so sánh với các dự án; làm rõ vốn bố trí cho dự án và khả năng hấp thụ, giải ngân vốn từ gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến thêm về thu hồi vốn đầu tư, phân chia dự án thành phần, tiến độ hoàn thành, cơ chế chính sách đặc thù triển khai dự án, thiết kế mặt cắt ngang, cũng như chiều dài một số đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau. 

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu giải trình ý kiến thảo luận của ĐBQH. Ảnh: Quang Khánh
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu giải trình ý kiến thảo luận của ĐBQH. Ảnh: Quang Khánh

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng  GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định việc xây dựng tổng mức đầu tư dự án được thực hiện thận trọng, đảm bảo đúng quy định và tiết kiệm nhất. 

Người đứng đầu ngành GTVT cũng nhận định: Việc có cơ chế đặc thù để thực hiện dự án trọng điểm này là rất cần thiết. Nếu không có cơ chế đặc thù, nhất là chỉ định thầu tư vấn, chỉ định thầu xây lắp thì sẽ mất rất nhiều thời gian. 

Qua đó, Bộ trưởng mong muốn Quốc hội ủng hộ để cố gắng đến cuối năm 2022 khởi công đồng loạt dự án và đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành. 

Các đại biểu dự kỳ họp tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Các đại biểu dự kỳ họp tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Đối với vấn đề chỉ định thầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ có yêu cầu năng lực, có đầy đủ các tiêu chí và công bố, công khai rộng rãi. Lúc đó, các nhà thầu tư vấn, thầu xây lắp sẽ đăng ký tham gia. Dự kiến Chính phủ sẽ thành lập hội đồng liên bộ để xét tuyển nhà thầu đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội yêu cầu đề cao tính công khai, minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí khi triển khai dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định các cơ quan chức năng: Công an, Thanh tra, Kiểm toán sẽ tham gia ngay từ đầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch của dự án.

Tin mới