Rau xanh ở Nghệ An tăng giá sau dỡ lệnh cách ly xã hội

(Baonghean.vn) - Hoạt động vận tải trở lại sau khi lệnh cách ly xã hội được dỡ bỏ là điều kiện thuận lợi để làng rau ở Nghệ An sản xuất và cung ứng ra thị trường hàng tấn rau mỗi ngày.

Về làng rau Quỳnh Lưu sau ngày dỡ lệnh cách ly xã hội, không khí sản xuất trên những cánh đồng bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Bà con xuống đồng thu hoạch các loại rau, đồng thời khôi phục sản xuất để bắt đầu cho mùa vụ mới.

Bà Hồ Thị Tâm ở xã Quỳnh Lương trồng 3 sào rau màu gồm hành hoa, cà chua thu hoạch đúng dịp cách ly xã hội. Mặc dù rau màu làm ra khó bán, gây thất thu cho gia đình nhưng với bà đây là điều dễ hiểu trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, người dân hạn chế đi chợ mua bán.

Bà con xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) thu hoạch hành hoa sau khi hết ngày cách ly xã hội. Ảnh: Việt Hùng.
Bà con xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) thu hoạch hành hoa sau khi hết ngày cách ly xã hội. Ảnh: Việt Hùng

“Trong khoảng gần 1 tháng phải tiêu thụ rau với sản lượng ít gấp 3 - 4 lần ngày thường, thất thu khoảng 5 - 7 triệu đồng nhưng may là đến thời điểm này hành hoa và cà chua vẫn đang chín rộ và thu hoạch kéo dài hơn 1 tháng nữa. Dự kiến, nếu thị trường ổn định sẽ bù lại vốn bị ảnh hưởng trong thời gian dịch bệnh” - bà Tâm cho biết.

Xã Quỳnh Lương có trên 215 ha diện tích rau màu với sản lượng đạt gần 7.000 tấn/năm. Sau gần 1 tháng thực hiện Chỉ thị 16, lượng rau màu được vận chuyển đi tiêu thụ tại các chợ trong và ngoài tỉnh ít hơn so với ngày thường.

Bình thường mỗi ngày bà con địa phương thu hoạch khoảng trên chục tấn rau màu chở đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung. Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, do thương lái thu mua ít hơn 2 - 3 lần, giá các loại rau màu thời điểm này cũng rẻ hơn.

Nhưng từ hôm 23/4 đến nay, rau màu của bà con ở huyện Quỳnh Lưu sản xuất ra đều được thương lái thu mua, thu gom toàn bộ để vận chuyển đi các tỉnh Huế, Đà Nẵng, thành phố Vinh... tiêu thụ. Giá bán cũng bắt đầu tăng lên từ 2.000 - 4.000 đồng/kg mỗi loại. Như hành hoa hiện giờ giá thu mua tại ruộng 7.000 đồng/kg (tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg); cà chua 11.000 - 12.000 đồng/kg; xà lách tăng lên 4.000 - 5.000/kg..

Hàng chục tấn rau, cà chua được tiêu thụ sau ngày hết cách ly xã hội (22/4). Ảnh: Việt Hùng
Hàng chục tấn cà chua được tiêu thụ sau ngày hết cách ly xã hội (22/4). Ảnh: Việt Hùng

Ông Nguyễn Văn Hưng - chủ xe tải chuyển thu gom rau màu ở xã Quỳnh Minh cho biết, trong suốt thời gian cách ly xã hội, chúng tôi không dám thu gom rau nhiều bởi tại các chợ ở Huế, Đà Nẵng họ hoạt động không sầm uất như trước, người đi chợ giảm, sức mua kém nên thay vì ngày trước chở 10 tấn thì mấy ngày qua chở có 3 tấn để giữ thị trường. Từ hôm 23/4, chúng tôi bắt đầu thu gom rau nhiều hơn, giá thu mua cũng cao hơn trước.

Thương lái thu gom rau vận chuyển đi các chợ trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Việt Hùng
Thương lái thu gom rau vận chuyển đi các chợ trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Việt Hùng

Ông Đậu Đức Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết, toàn huyện có gần 1.000 ha diện tích chuyên canh rau màu, tập trung ở các xã bãi ngang. Trước những khó khăn của thời tiết và dịch bệnh, phòng khuyến khích các hộ đầu tư nhà màng, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP để tăng năng suất, sản lượng. Toàn huyện có hơn 20 ha rau màu VietGAP và trồng trong nhà màng đang cho thấy hiệu quả, phù hợp trong bối cảnh thời tiết và dịch bệnh thường xuyên hiện nay.

Thu hoach cà rốt ở xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Việt Hùng
Thu hoạch cà rốt ở xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Việt Hùng

Còn tại vùng chuyên canh rau màu ở xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai), không khí sản xuất đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Trong hai ngày 24 và 25/4, người dân xuống đồng chăm sóc, thu hoạch những vùng rau đã chín để xuất bán. Bà Nguyễn Thị Tính ở xã Quỳnh Liên cho biết, qua đợt dịch bệnh này, ngoài thu hoạch những vùng rau đã chín, bà con sẽ trồng đa dạng các loại rau như mướp đắng, cà chua, cải... để cung cấp cho thị trường vốn quen thuộc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Trong vụ xuân - hè này, thị xã Hoàng Mai có 250 ha trồng rau, dưa các loại, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Quỳnh Liên, Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh. Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được khống chế, thì khoảng sau 2 tháng nữa, người dân sẽ có sản phẩm thu hoạch, sản phẩm được vận chuyển đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành cho giá trị sản xuất ước đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Tin mới