Rau xanh tăng giá mạnh sau lũ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Mưa lũ kéo dài khiến hơn 11.000ha hoa màu bị hư hại, trong đó, phần lớn là diện tích rau vụ đông. Hiện, các vùng sản xuất rau màu trọng điểm như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn… đang chờ nước rút, nắng hửng để gieo trồng lại. 
Sau mưa lũ, toàn bộ diện tích rau màu bị "xoá sổ". Ảnh: Thanh Phúc

Sau mưa lũ, toàn bộ diện tích rau màu bị "xoá sổ". Ảnh: Thanh Phúc

Mưa lớn kéo dài gần 10 ngày qua khiến 3 sào rau cải của chị Nguyễn Thị Thuỷ (xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu) bị dập nát, 3 luống mồng tơi sắp sửa cắt lứa đầu cũng bị ngập úng. “Mưa to nên lá rau dập hết. Khi nước rút, nắng lên lại khiến rau úa nhanh, vàng lá. Giờ thì nhổ bỏ, ủ làm phân và gieo lứa khác chứ không có cách gì cứu vãn”, chị Thuỷ cho biết.

Không chỉ rau trồng ở vườn, ở đồng bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lớn mà các nhà màng, nhà lưới cũng thiệt hại không kém.

Mưa lớn, lũ thượng nguồn đổ về khiến 2.000m2 nhà màng trồng rau cải, dưa chuột của anh Trần Khắc Thẩm (xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn) chìm trong nước lũ. Hiện tại, sau hơn 10 ngày, nước trong các nhà màng vẫn ngập ngang bắp chân, toàn bộ diện tích cải chip, cải bó xôi, cải cay đều đã úa lầy. “Số rau này để cung cấp cho khách hàng đã đặt trước. Song mưa lớn đã nhấn chìm tất cả, nguồn cung cũng đứt đoạn”, anh Thẩm cho biết.

Nhiều nhà màng hư hỏng, rau dập nát, người dân đang tu sửa lại để xuống giống vụ mới. Ảnh: Thanh Phúc

Nhiều nhà màng hư hỏng, rau dập nát, người dân đang tu sửa lại để xuống giống vụ mới. Ảnh: Thanh Phúc

Đợt mưa lớn vừa qua, hầu hết diện tích rau màu bị “xoá sổ”, dập nát, hư hại, chỉ có số ít rau trồng nhà màng, nhà lưới, rau thuỷ canh là còn có thu hoạch. Những vùng không bị ngập thì bị chuột phá hoại, cắn nát. Trong khi đó, nguồn cung rau ở các tỉnh, thành khác thời điểm này cũng khan hiếm do không phải chính vụ thu hoạch. Đó chính là nguyên nhân đẩy giá rau ở các chợ dân sinh cũng như các siêu thị, cửa hàng thực phẩm lên mức cao.

Theo khảo sát, hiện tại, ở các chợ dân sinh, giá rau tăng thêm 30-50%, thậm chí có những loại tăng gấp 2-3 lần so với trước đợt mưa lũ. Cụ thể, rau muống tăng từ 5.000-7.000 đồng lên 10.000-12.000 đồng/bó; rau cải tăng từ 15.000 đồng/kg lên 25.000- 27.000 đồng/kg; đậu cô-ve tăng từ 25.000 đồng/kg lên 35.000 – 37.000 đồng/kg; rau ngót 12.000 - 15.000 đồng/bó. Riêng các loại củ, quả giá biến động nhẹ, theo đó, bí xanh, bí đỏ, khoai tây, dưa chuột, cà rốt tăng thêm 5.000 - 7.000 đồng/kg.

Rau tại các chợ dân sinh khá khan hiếm, không đa dạng chủng loại như trước. Ảnh: Thanh Phúc

Rau tại các chợ dân sinh khá khan hiếm, không đa dạng chủng loại như trước. Ảnh: Thanh Phúc

Chị Nguyễn Thị Đào, một đầu mối chuyên bán sỉ rau tại chợ Vinh cho biết: “Bình thường, chúng tôi nhập rau từ các vùng màu trong tỉnh như: Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai, Diễn Châu, Nam Đàn… về bán nhưng hiện tại, các vùng này đang không có nguồn để cung ứng ra thị trường do mưa lũ làm ngập úng, phần nữa các loại rau đang giai đoạn “giáp hạt” chưa rộ vụ thu hoạch nên cũng khan hiếm hơn. Thêm vào đó, do nhập rau từ các tỉnh khác về là chủ yếu, quãng đường vận chuyển xa, cước phí cũng được cộng vào giá rau. Do đó, giá rau tăng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, thời điểm này, giá rau tăng gần gấp đôi”.

Trong khi đó, giá rau tăng mạnh, có loại tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3. Ảnh: Thanh Phúc

Trong khi đó, giá rau tăng mạnh, có loại tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3. Ảnh: Thanh Phúc

Giá rau tăng nhưng theo chị Đào cho biết, không phải ngày nào cũng đủ rau để đổ sỉ, có những ngày, liên hệ khắp các mối nhưng cũng chỉ lấy được 70% lượng hàng so với nhu cầu thị trường; các loại rau cũng không đa dạng như thời điểm trước. Chủ yếu là mặt hàng củ, quả do loại này tăng giá ít nhất; tiếp đó là rau muống, rau cải, cà dừa, cà tím…

Tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, rau cũng tăng giá mạnh. Trong đó, tăng nhiều nhất là các loại rau ăn lá, rau gia vị. Theo khảo sát, rau cải, rau dền, rau muống, rau mồng tơi… tại các siêu thị, cửa hàng tăng thêm 7.000-10.000 đồng/kg; đậu cô -ve, súp lơ, su hào… tăng thêm 5.000 đồng/kg.

Riêng một số loại củ quả, giá ít biến động hơn so với trước. Đây cũng là loại rau được người nội trợ ưu tiên lựa chọn nhiều hơn trong thực đơn hàng ngày. Ảnh: Thanh Phúc

Riêng một số loại củ quả, giá ít biến động hơn so với trước. Đây cũng là loại rau được người nội trợ ưu tiên lựa chọn nhiều hơn trong thực đơn hàng ngày. Ảnh: Thanh Phúc

Không chỉ ở thành thị, các vùng nông thôn, giá rau cũng tăng cao do mưa lớn kéo dài, các vườn ngập, rau trong vườn chết do ngập úng nên người dân đều phải mua rau ăn thay vì “tự cung, tự cấp” như trước đây.

Rau xanh đội giá, khan hiếm khiến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn, phải đắn đo hơn khi chi tiêu.

Hiện người dân các vùng trồng đã khôi phục lại sản xuất, xuống giống lứa mới. Nếu thời tiết thuận lợi chỉ trong vòng vài tuần nữa, nguồn cung rau sẽ dồi dào. Ảnh: Thanh Phúc

Hiện người dân các vùng trồng đã khôi phục lại sản xuất, xuống giống lứa mới. Nếu thời tiết thuận lợi chỉ trong vòng vài tuần nữa, nguồn cung rau sẽ dồi dào. Ảnh: Thanh Phúc

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, nguồn cung rau khan hiếm chỉ xảy ra trong thời điểm nhất định do mưa lũ, rau vụ đông bị hư hại. Trong vòng 1 tháng nữa, thời tiết thuận lợi, các vùng trồng được khôi phục, các loại rau ngắn ngày như cải, cải cúc sẽ rộ vụ thu hoạch, lúc đó, giá rau sẽ ổn định trở lại…

Tin mới