Review sản phẩm, dịch vụ thế nào là đúng pháp luật?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Việc người tiêu dùng, các trang mạng xã hội đánh giá (review) các sản phẩm, các nhãn hàng ít nhiều làm ảnh hưởng đến danh tiếng cũng như việc kinh doanh của sản phẩm, nhãn hàng đó. Vậy những việc đánh giá như vậy có đúng pháp luật?

Chị Nguyễn Minh A. (42 tuổi) có quán phở gia truyền lâu năm, có cơ sở tại một số tỉnh, thành trên cả nước. Dạo gần đây, chị A. vô tình thấy quán phở của mình được các tiktoker chia sẻ kèm theo những lời bình luận và đánh giá. Trong số đó xuất hiện video từ tài khoản Tiktok là Phạm B. đã có những lời nhận xét tiêu cực về chất lượng phở của chị, dẫn tới trong tháng đó doanh thu của chị sụt giảm mạnh.

Chị A. hỏi: Tiktoker Phạm B. có quyền đánh giá về quán phở của chị không? Việc đánh giá tiêu cực, sai sự thật có bị xử lý hay không?

Trả lời:

Pháp luật hiện chưa có quy định nào cấm các hành vi đánh giá hay chia sẻ những trải nghiệm của bản thân khi sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ nào đó, trong đó có dịch vụ ăn uống (hoạt động này được gọi tắt là review). Đây cũng chính là quyền tự do ngôn luận của công dân được Hiến pháp ghi nhận. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định, người tiêu dùng có quyền góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Khoản 2, Điều 9, Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 cũng quy định, người tiêu dùng có nghĩa vụ thông tin cho cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, khi mọi người khi thực hiện các quyền của mình nhưng cũng phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Họ phải có trách nhiệm với những lời nhận xét, đánh giá của mình, đảm bảo được không trái đạo đức xã hội, không được xâm phạm đến lợi ích của quốc gia, dân tộc; quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Nếu anh B. dùng sức ảnh hưởng của mình trên mạng xã hội để review các sản phẩm, dịch vụ, thức ăn không đúng sự thật, không công tâm, bịa đặt hoặc lan truyền những điều sai sự thật… nhằm mục đích làm mất uy tín các sản phẩm, dịch vụ, thức ăn; gây hoang mang đến người tiêu dùng, gây thiệt hại đến các tổ chức, cá nhân thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Tùy theo tính chất, mức độ mà hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nghiêm trọng hơn là xử lý hình sự. Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử: phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.

Hoặc nghiêm trọng hơn, chị A. có thể tố cáo hành vi của B. có dấu hiệu phạm tội vu khống theo Điều 156 hoặc tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Bên cạnh đó, chị A. có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu cho rằng anh B. đã đưa thông tin sai sự thật về sản phẩm, gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh, sản xuất.

Tin mới