Rộng cơ hội việc làm khi học Kế toán - Phân tích

(Baonghean) - Với 35 cán bộ, giảng viên, khoa Kế toán - Phân tích đang được chọn để phát triển thành khoa trọng điểm của Trường ĐH Kinh tế Nghệ An. Hiện khoa có số lượng tuyển sinh khá đông, chiếm gần 80% chỉ tiêu mỗi năm của nhà trường.

Trụ sở chính của trường đại học Kinh tế Nghệ An tại thành phố Vinh. Ảnh: Internet
Trụ sở chính của trường đại học Kinh tế Nghệ An tại thành phố Vinh. Ảnh: Internet
Khoa Kế toán - Phân tích được tách từ khoa Kinh tế của Trường Đại học Kinh tế Nghệ An từ năm 2006 và là một trong những khoa chủ đạo trong việc đào tạo của nhà trường. Chức năng chính của khoa là đào tạo sinh viên chuyên ngành Kế toán Doanh nghiệp, Kế toán Thương mại, Kế toán Hành chính sự nghiệp của 3 bậc đào tạo: trung cấp, cao đẳng và đại học. 
Được chọn xây dựng thành khoa trọng điểm, thời gian qua, khoa Kế toán - Phân tích không ngừng chú trọng đào tạo đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý. Mở rộng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các trình độ cử nhân, thạc sỹ, về kế toán, kiểm toán.
Khoa không ngừng đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng đào tạo gắn với thực tiễn, tạo năng lực cá nhân, kết hợp giữa giáo dục kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp với nhu cầu xã hội, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra phù hợp công việc thực tế; thực hiện liên kết đào tạo quốc tế. 
Đồng thời, đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế ở khu vực miền Trung. Cung cấp các dịch vụ tư vấn và bồi dưỡng nhằm cập nhật và nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cho các nhà doanh nghiệp hoặc cán bộ quản lý của tổ chức kinh tế - xã hội và các địa phương.
Sinh viên đại học Kinh tế Nghệ An với những hoạt động ngoại khoá sôi nổi, hấp dẫn. Ảnh: Internet
Sinh viên đại học Kinh tế Nghệ An với những hoạt động ngoại khoá sôi nổi, hấp dẫn. Ảnh: Internet
Sinh viên khoa Kế toán - Phân tích được học tập trong môi trường sôi động với nhiều chương trình hấp dẫn, giàu tính thực tiễn như giao lưu với các doanh nghiệp, “Tôi lập nghiệp”... giúp sinh viên có nhiều cơ hội được kết nối với doanh nghiệp.
Đồng thời, cuộc thi là sân chơi để sinh viên rèn luyện kiến thức được học, đồng thời bồi dưỡng lòng yêu nghề, say nghề cũng như sự nhanh nhẹn, tự tin trong giao tiếp, hùng biện trước tập thể… 
Trong chiến lược dài hơn, khoa cũng đang xây dựng chỉ tiêu tuyển từ 2.000 - 3.000 sinh viên/năm. Với ngành nghề đa dạng, sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đảm nhận các vị trí như: chuyên viên phụ trách kế toán, kiểm toán, giao dịch ngân hàng, thuế, kiểm soát viên, thủ quỹ, tư vấn tài chính; nhân viên môi giới chứng khoán, nhân viên quản lý dự án, nhân viên phòng giao dịch và ngân quỹ; nghiên cứu, giảng viên, thanh tra kinh tế...
S.H

Tin mới