Rửa tiền qua thẻ cào viễn thông: Do buông lỏng quản lý?

Các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone được cho là hưởng 15,5 - 16,3%, tương đương khoảng 1.402 tỉ đồng, trong vụ đánh bạc xuyên quốc gia.
Bộ Công an cho biết đường dây đánh bạc nghìn tỉ do Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cầm đầu, tới 97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán, trong đó nạp tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game chiếm 97% và các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, Vinaphone, Mobifone) được hưởng 15,5 - 16,3% trong số đó, tương đương khoảng 1.402 tỉ đồng.
Vậy có kẽ hở nào trong quản lý của cơ quan chức năng để tiền từ thẻ viễn thông trở thành phương tiện thanh toán đánh bạc và các nhà mạng kiếm được số tiền cả nghìn tỷ như Bộ Công an thông tin nêu trên?
Rửa tiền qua thẻ cào viễn thông: Do buông lỏng quản lý? ảnh 1
Quản lý lỏng lẻo thẻ cào, thẻ game đang là lỗ hổng cho các hoạt động phi pháp như rửa tiền, trốn thuế, đánh bạc... (Ảnh: kt).

Quản lý thẻ cào viễn thông lỏng lẻo

Cơ quan công an nhận định, "Lợi ích của các doanh nghiệp viễn thông khi cung cấp dịch vụ cho hoạt động đánh bạc này là không nhỏ. Việc quản lý hoạt động phát hành và sử dụng thẻ cào viễn thông lỏng lẻo khiến các thẻ cào dễ dàng trở thành phương tiện thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để xây dựng hệ thống thanh toán cho hoạt động đánh bạc trực tuyến."

Cơ quan điều tra cũng cho rằng, các cổng trung gian thanh toán đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến nhưng việc quản lý còn rất lỏng lẻo, khiến các doanh nghiệp trung gian thanh toán như VNPT EPAY, Ngân Lượng, Home Direct, Giải trí số dễ dàng cung cấp dịch vụ cho game bài Rikvip/Tip.club để con bạc tham gia đánh bạc trong thời gian dài.

Điều tra cho thấy, hoạt động tổ chức đánh bạc qua game khó có thể thực hiện được với quy mô lớn như Rikvip nếu không có các cổng trung gian thanh toán và các loại thẻ cào. Tiền chơi bạc từ thẻ cào chiếm 97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán.

Rửa tiền qua thẻ cào viễn thông: Do buông lỏng quản lý? ảnh 2
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam: cần đánh giá đúng vai trò của thẻ cào là phương tiện tài chính để có biện pháp quản lý đúng. (Ảnh: Vân Anh).

Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, hiện nay, thẻ cào chỉ được coi là phương tiện thanh toán dịch vụ. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng nếu sử dụng để thanh toán cước điện thoại. Còn nếu sử dụng để thanh toán phí cho các nhà cung cấp dịch vụ khác và mua các loại hàng hóa khác, thì phải coi thẻ cào là phương tiện tài chính (một dạng tiền ảo) và quản lý như một phương tiện tài chính.

"Do chưa đánh giá đúng vai trò dẫn đến việc chưa có sự quản lý quá trình từ khi phát hành cho đến khi tiêu dùng thẻ cào hay dạng tiền ảo qua các khâu trung gian. Đây là kẽ hở để các đối tượng tận dụng làm những điều xấu", ông Vũ Hoàng Liên đánh giá.

Tại Việt Nam, thời gian qua, hàng loạt ví điện tử ra đời với mô hình tài chính cho phép nạp thẻ cào điện thoại (chẳng hạn như thẻ cào của Viettel, Vinaphone, Mobifone) vào ví để sử dụng, với chiết khấu khoảng 20% (nạp 1 triệu tiền thẻ, thu về được 800.000 đồng). Đây cũng có thể coi là yếu tố quan trọng tạo nên "hệ sinh thái tài chính phi pháp" cho các hoạt động trái pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, đánh bạc trực tuyến. Nguyên do là giao dịch điện tử khi được mã hóa sẽ trở thành một phương thức trao đổi các vật phẩm điện tử, không bị kiểm soát bởi bất kỳ tổ chức tài chính nào.

Cần quản lý chặt cả phát hành và sử dụng thẻ cào

Theo ông Vũ Hoàng Liên, về phía ngân hàng, tài chính cần quản lý ngay từ quá trình phát hành thẻ cào, thẻ game (một dạng tiền ảo này), luồng trao đổi giá trị từ lúc phát hành đến người tiêu dùng. Đặc biệt trong lĩnh vực game trả phí, cần xác định rõ loại game nào mà cá nhân sở hữu giá trị trên hệ thống, nhưng chưa được quản lý như cá nhân sở hữu tiền trên hệ thống, dẫn đến việc thất thoát thuế.

Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ông Vũ Hoàng Liên kiến nghị "cần có hệ thống công nghệ để kiểm soát dạng tiền ảo này từ khi phát hành cho đến khâu chuyển giao và tiêu dùng cuối cùng, nhất là phải quản lý được đối tượng sử dụng."

"Bộ TT&TT cần có chế tài để các nhà mạng, trong đó có Viettel, Vinaphone, Mobifone, phải có trách nhiệm. Trước hết là trách nhiệm với người tiêu dùng tránh trường hợp tiền của mình bị tiêu không đúng mục đích. Với đối tác liên kết, các nhà mạng phải có trách nhiệm thực hiện đúng pháp luật, lành mạnh mang lại lợi ích cho xã hội. Bộ TT&TT không những phải quản lý mà cần có quy trình đối soát tốt hơn quá trình từ khâu phát hành đến khi tiêu dùng thẻ cào. Nếu làm được việc này sẽ hỗ trợ rất tốt cho cơ quan thuế cũng như nhà nước trong việc phòng ngừa đối tượng thực hiện các hoạt động xấu", ông Vũ Hoàng Liên nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để bảo đảm lành mạnh trong hoạt động thanh toán điện tử, chống tội phạm rửa tiền, các cơ quan chức năng cần phối hợp tiến hành thanh tra hoạt động của các đơn vị thanh toán trung gian (Ví điện tử) đang chấp nhận hình thức nạp tiền bằng thẻ cào. Mô hình này nếu tiếp tục được tồn tại dễ dàng sẽ tạo ra những hệ lụy nguy hiểm và là kẽ hở cho các loại tội phạm rửa tiền./.

Tin mới