Rủi ro lớn khi cửa hàng Việt thanh toán bằng ví điện tử Trung Quốc

Theo Ngân hàng Nhà nước, một số cửa hàng cho phép khách Trung Quốc thanh toán "chui" có thể trốn được thuế, phí nhưng cũng có rủi ro vì phải thanh toán thông qua tài khoản mở bên Trung Quốc.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết gần đây ở các thành phố lớn có tình trạng một số cửa hàng chỉ phục vụ cho khách du lịch nước ngoài, phần lớn là du khách Trung Quốc. Theo đó, khách du lịch khi mua hàng hóa có thể chuyển thẳng tiền ra nước ngoài thông qua máy POS (máy cà thẻ) hoặc QR Code (mã phản hồi nhanh) trái phép mà không qua bất cứ ngân hàng hay tổ chức trung gian thanh toán nào của Việt Nam.

Một cửa hàng ở Khánh Hòa cho phép du khách thanh toán quaWeChat Pay.

Một cửa hàng ở Khánh Hòa cho phép du khách thanh toán quaWeChat Pay.

Thông thường, sau khi mua hàng hóa, dịch vụ ở các điểm đến du lịch của Việt Nam, khách Trung Quốc sẽ cà thẻ trên POS có kết nối trực tiếp với NH thanh toán tại nước ngoài hoặc sử dụng các ví điện tử trên điện thoại di động như Alipay, Wechat Pay (của Trung Quốc) để thanh toán bằng QR Code. Dòng tiền sẽ được chuyển từ tài khoản của du khách sang tài khoản của người bán đều mở tại NH nước ngoài mà không qua hệ thống NH của Việt Nam.

Có nhiều vấn đề phát sinh nhưng vấn đề lớn nhất là nhà nước không thu được thuế từ các giao dịch hàng hóa này.

Theo lãnh đạo NHNN, bản chất của hình thức thanh toán này là cửa hàng Việt Nam nhưng sử dụng hệ thống thanh toán của nước ngoài để nhận tiền mua sắm của khách Trung Quốc. Các cửa hàng có thể trốn được thuế, phí nhưng cũng có rủi ro vì cửa hàng của Việt Nam nhưng phải thanh toán thông qua ID - tài khoản mở bên Trung Quốc. Nếu không có sự tiếp tay, hỗ trợ thì có thể không nhận được tiền từ phía Trung Quốc chuyển về cho các cửa hàng tại Việt Nam.

"Theo quy trình thanh toán này, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý đối với việc sử dụng trái phép các thiết bị POS, đặc biệt là thanh toán qua các ứng dụng trái phép cài đặt trên thiết bị di động" – đại diện NHNN nhận xét.

Đối với trường hợp khách hàng Trung Quốc sử dụng các loại ví điện tử Allipay, Wechat Pay… để thanh toán bằng QR Code tại đơn vị chấp nhận thanh toán ở Việt Nam, quy trình cũng gần tương tự như cà thẻ qua POS trái phép. Điểm khác biệt là thông tin thanh toán sẽ được chuyển từ người bán đến các tổ chức thanh toán Trung Quốc (chủ các ứng dụng Alipay và Wechat Pay) rồi mới chuyển đến ngân hàng tại Trung Quốc và ngược lại.

NHNN cho biết đang tích cực và chủ động phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị nghiên cứu và đề xuất các biện pháp xử lý vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của từng ngành. Đồng thời, chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, TP báo cáo UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan trên địa bàn như du lịch, công an, quản lý thị trường, thuế... phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, TP tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động của hệ thống cửa hàng này nhằm xử lý triệt để.

"Đây là các vấn đề liên quan đến vai trò, chức năng của nhiều bộ ngành, cơ quan. Đặc biệt, cần sự quản lý, thanh tra và giám sát trực tiếp của các cơ quan chức năng tại địa phương để xử lý triệt để, đảm bảo hoạt động kinh doanh của các cửa hàng này tuân thủ quy định của pháp luật, tránh được nguy cơ thất thu về thuế cho nhà nước" – đại diện NHNN nhận xét. 

Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản gửi hàng loạt cơ quan liên quan đến thông tin phản ánh việc chuyển tiền trái phép qua POS. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, NHNN… chỉ đạo, tổ chức các lực lượng thanh tra, kiểm tra liên ngành rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời đối với điểm bán hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật, sử dụng phương tiện thanh toán của nước ngoài trái phép, vi phạm quy định của Việt Nam về thanh toán, ngoại hối, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Tin mới