Xuân biên cương

Khi đào, mận bung nở trên những sườn núi, nhà nhà sắm sửa đón tết sum vầy thì trên những đường mòn, lối mở, tổ chốt biên giới- nơi bao phủ bởi sương mù và giá rét, những người lính quân hàm xanh lặng lẽ gác lại niềm vui đón Xuân bên gia đình, trở thành “ lá chắn thép” bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19. Sự hi sinh thầm lặng ấy đã góp phần đem lại mùa xuân bình an và hạnh phúc cho nhân dân.

Cán bộ, chiến sỹ Trạm kiểm soát biên phòng Buộc Mú (Đồn Biên phòng Na Ngoi) tuần tra bảo vệ biên cương.

Những ngày áp Tết nguyên đán Nhâm Dần, chúng tôi có chuyến công tác tại bản Buộc Mú, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn), ghé thăm các cán bộ chiến sỹ Trạm kiểm soát biên phòng Buộc Mú – những người đang ngày đêm căng mình bảo vệ biên giới, phòng chống xuất nhập cảnh trái phép. Thiếu tá biên phòng Nguyễn Ngọc Trại – là người lớn tuổi nhất trong số các cán bộ chiến sĩ trực tại Trạm kiểm soát biên phòng Buộc Mú – cho hay, từ điểm chốt di chuyển thêm gần 20km nữa là có thể lên đến tột đỉnh Phuxailaileng cao hơn 2.700m so với mực nước biển; ở hướng Đông, nơi cách một con đường mòn nhỏ là chốt phòng chống dịch thuộc Đại đội Biên phòng 222 của nước bạn Lào. “Đã gần hai năm nay, lực lượng biên phòng của ta và nước bạn tạm hoãn giao ban hàng quý và hạn chế tuần tra song phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hai bên vẫn thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình nội biên, ngoại biên để kịp thời hỗ trợ nhau phòng chống tội phạm, ngăn chặn tình trạng di cư tự do và xuất nhập cảnh trái pháp luật”- Thiếu tá Trại nói.

Cán bộ chiến sỹ Trạm kiểm soát biên phòng Buộc Mú, Đồn Biên phòng Na Ngoi tuần tra bảo vệ biên cương; Cán bộ chiến sỹ chuẩn bị đón Xuân Nhâm Dần, gói bánh chưng tết. Ảnh: Thành Cường - Hoài Thu
Cán bộ chiến sỹ Trạm kiểm soát biên phòng Buộc Mú, Đồn Biên phòng Na Ngoi tuần tra bảo vệ biên cương; Cán bộ chiến sỹ chuẩn bị đón Xuân Nhâm Dần, gói bánh chưng tết. Ảnh: Thành Cường - Hoài Thu

Đồn Biên phòng Na Ngoi đóng chân ở nơi không có sóng điện thoại, chưa có điện lưới, quanh năm mây phủ, thường xuyên diễn ra băng giá, nhiệt độ có khi xuống dưới 0 độ C, tuyết rơi trắng xóa núi rừng. “Khí hậu lạnh giá, nuôi gà nuôi ngan cũng khó thích nghi, trồng cây rau cũng queo quắt vì lạnh. Cá dưới khe suối cũng không sống nổi qua mùa Đông băng giá, chỉ có loài ếch xanh là có thể thích nghi. Có những khi nhiệt độ xuống thấp, ấm nước bắc trên bếp lửa cháy rừng rực nhưng không thể sôi. Những ngày sương mù bao phủ trắng xóa một màu, cộng với cái lạnh tê buốt nên đồ áo giặt xong cả tuần không thể khô ráo” – một chiến sĩ bộc bạch.

Bản Buộc Mú hầu hết là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, địa hình đồi núi cao, rừng rậm, sát biên giới Việt – Lào. Trạm kiểm soát Biên phòng Buộc Mú được chia làm 2 tổ, vừa bám trụ tại trạm, vừa thường xuyên trực tại tổ chốt phòng chống Covid-19 và luân phiên thực hiện những chuyến tuần tra dọc đường biên. Với cây súng trên vai, ba lô trên lưng, những bước chân của các chiến sĩ quân hàm xanh đã in dấu lên từng tấc đất biên thùy, thông thuộc từng ngọn núi, từng khe suối.

Với nhiệm vụ đặc biệt, có những người đã nửa năm chưa được về thăm gia đình như Thượng úy Bùi Duy Công, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Trại… Những lúc nhớ nhà, khi đã xong phiên tuần tra, canh gác, họ lại thay nhau tranh thủ phóng xe máy đến “bưu điện mini” cách dãy nhà ở của trạm chừng 3km để đón sóng rơi, gọi điện thoại về nhà, để được nghe tiếng của cha mẹ, vợ con cho vơi nỗi nhớ. Cái gọi là “bưu điện mini” ấy là một túp lều dựng tạm bằng cây rừng và che bằng tấm bạt nilon đã cũ ngay tại vị trí ven đường, nơi duy nhất có thể đón sóng điện thoại để liên lạc. Ngoài việc tranh thủ gọi về nhà, các cán bộ chiến sĩ của trạm mỗi khi cần báo cáo tình hình công tác đều phải đến “bưu điện” này để “tác nghiệp”.

Các chiến sỹ biên phòng ở chốt Huồi Mới xã Tri Lễ (Quế Phong) chuẩn bị đón Tết; những người lính biên phòng ở tổ chốt tăng gia sản xuất. Ảnh: Khánh Ly
Các chiến sỹ biên phòng ở chốt Huồi Mới xã Tri Lễ (Quế Phong) chuẩn bị đón Tết; những người lính biên phòng ở tổ chốt tăng gia sản xuất. Ảnh: Khánh Ly

Rời Buộc Mú, giữa mùa xuân biên cương, chúng tôi tiếp tục vượt cung đường trơn trượt, lầy lội với những con dốc cao vời vợi để đón tết cùng những người lính ở Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 Huồi Mới xã Tri Lễ (Quế Phong). “Những ngày mưa, con đường từ Huồi Mới ra trung tâm xã Tri Lễ hầu như bị chia cắt, dù là đi bộ cũng khó bởi độ trơn và dốc, chỉ cần sơ sẩy là có thể lăn xuống vực”- Đại úy Mai Đức Ban- một trong hai “ tay lái cứng” của lực lượng biên phòng ở Tri Lễ nhận nhiệm vụ đưa các phóng viên vào chốt Huồi Mới chia sẻ.

Bản Huồi Mới có 138 hộ là đồng bào dân tộc Mông với những nếp nhà lợp mái Samu nâu bóng trên những dốc núi cheo leo xung quanh là bạt ngàn đào núi, thân rêu mốc, mỗi năm đơm hoa mấy bận. Những ngày cận Tết, những vườn đào ở Huồi Mới bung nở như xua tan đi giá lạnh và sương mù nơi biên giới. Khi chúng tôi đến, cán bộ, chiến sĩ ở chốt đang chuẩn bị gói bánh chưng. Nếp thì mua của bà con, lá dong chặt trong rừng, thịt lợn do những người lính tự tăng gia.

Cán bộ, chiến sỹ tổ chốt Huồi Mới, xã Tri Lễ (Quế Phong) gói bánh chưng đón tết. Ảnh: Khánh Ly
Cán bộ, chiến sỹ tổ chốt Huồi Mới, xã Tri Lễ (Quế Phong) gói bánh chưng đón tết. Ảnh: Khánh Ly

Tham gia gói bánh cùng bộ đội còn có vợ chồng ông Xồng Xờ Lỳ (70 tuổi) cùng cô con gái và một phụ nữ là người thân trong gia đình. Nhà Xồng Xờ Lỳ ở đầu bản Huồi Mới nhưng dựng nhà tạm sát chốt để làm kinh tế. Hiện Xồng Xờ Lỳ có tới 700-800 gốc đào, 4 con trâu, 30 con bò. Mỗi dịp Tết, riêng tiền thu hoạch từ đào cũng xấp xỉ hơn 70 triệu đồng. “Nhà của ta ở sát chốt, thường hay được Bộ đội Biên phòng giúp đỡ, năm nào ta cũng lên chúc Tết bộ đội, Tết xa gia đình, thương lắm!”, Xồng Xờ Lỳ chia sẻ.

Không khí ấm áp bên nồi bánh chưng đón tết ở chốt Huồi Mới. Ảnh: Khánh Ly
Không khí ấm áp bên nồi bánh chưng đón tết ở chốt Huồi Mới. Ảnh: Khánh Ly

Đêm đến, quây quần bên bếp lửa bập bùng với nồi bánh chưng sôi sùng sục giữa tiết trời lạnh giá, chúng tôi được thưởng thức những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” tràn đầy lạc quan và nghe những chia sẻ chân thành của những người lính trên chốt chống dịch. Trong số họ, có những người đã hai năm đón Tết tại chốt như Thiếu tá Nguyễn Quang Thái, Đại úy Ngô Xuân Tuấn, lại có những người hơn nửa năm chưa một lần về thăm nhà. Không phải là chiến sĩ quân hàm xanh, mà thuộc quân số của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quỳnh Lưu được tăng cường hỗ trợ phòng chống dịch, Đại úy Lê Đình Huỳnh và Thượng úy Trần Lê Huy đã có hơn 5 tháng cắm chốt ở Huồi Mới.

Tiếp lời đồng đội, Đại úy Ngô Xuân Tuấn, chốt trưởng chốt Huồi Mới cho hay: Chốt được giao quản lý 3 mốc (từ 374-376), trên địa bàn lại có 2 đường mòn nên những ngày Tết, phương án tuần tra, canh gác biên giới và các nhiệm vụ khác đều được lên kế hoạch thực hiện để không bị rơi vào tình thế bị động, bất ngờ. Bên cạnh đó, anh em trong chốt cũng không quên thay phiên nhau xuống bản để thăm hỏi, chúc tết đồng bào, thắt chặt tình quân dân nơi biên giới

Ngoài chốt Huồi Mới, ở Tri Lễ còn có một tổ công tác ở bản Mường Lống thường trực tuần tra, kiểm tra kiểm soát, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch Covid-19. “Cũng như mọi năm, Xuân về, Tết đến, cán bộ chiến sĩ đơn vị và lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại tổ chốt phòng chống dịch Covid-19 đều an tâm tư tưởng, xác định tốt vai trò trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng hành với lực lượng Biên phòng còn có các lực lượng Quân sự, Công an, dân quân và nhân dân các bản giáp biên…”, Thượng tá Hồ Quốc Hải – Chính trị viên Đồn Biên Phòng Tri Lễ cho biết.

Thượng tá Hồ Quốc Hải - Chính trị viên Đồn Biên phòng Tri Lễ (Quế Phong).

Tình quân dân ấm áp nơi tổ chốt biên giới Huồi Mới, xã Tri Lễ (Quế Phong).