Sắc Xuân no ấm ở Tân Kỳ

(Baonghean.vn) - Về Tân Kỳ Xuân này không khí khác hẳn những năm trước. Thị trấn sầm uất đón từng đoàn xe chở mía nối đuôi nhau về nhà máy đường, bên kia cầu Rỏi hàng ngàn công nhân của Nhà máy may Minh Anh giờ tan ca nhộn nhịp trở về nhà; bên làng mạc trù phú là bãi bồi ngút ngát xanh. Một nhịp sống mới chứa chan kỳ vọng khi Tết đến, Xuân về…
Một góc trung tâm huyện Tân Kỳ. 	Ảnh: Sách Nguyễn
Một góc trung tâm huyện Tân Kỳ. Ảnh: Sách Nguyễn

Dẫn chúng tôi đi thăm nhà máy may lớn vừa mới xây dựng ở huyện Tân Kỳ, ông Nguyễn Đình Sinh - Tổng Giám đốc Nhà máy May Minh Anh khu vực Nghệ An phấn khởi cho biết: Tuy nhà máy mới ở Tân Kỳ vừa đi vào sản xuất nhưng đã thu hút 700 công nhân, trong đó có 300 lao động từ miền Nam về. Vừa chống dịch, vừa tuyển dụng, vừa sản xuất. Với mức tiền lương 6 - 7 triệu đồng/người/tháng sau khi trừ các chế độ, là một tín hiệu mới đối với huyện Tân Kỳ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Năm qua là một năm khó quên đối với cả tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Tân Kỳ nói riêng, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Cả tỉnh và huyện đều lo chống dịch, đón và đảm bảo cuộc sống cho đồng bào hồi hương từ miền Nam về, cam go hơn khi vào thời điểm gần cuối năm dịch bệnh bùng phát, Tân Kỳ phải tập trung công tác chống dịch để sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Đồng chí Bùi Thanh Bảo - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ chia sẻ: Dịch bệnh bùng phát ở 13 xã trên 22 đơn vị hành chính trên toàn huyện trong lúc chưa xác định được nguồn lây, nhưng với sự bình tĩnh, tự tin chủ động xử lý theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, chỉ sau 2 tuần, toàn hệ thống chính trị trên địa bàn huyện đã khống chế cơ bản dịch bệnh, số ca bệnh giảm xuống rất nhanh. Chiến dịch chống dịch Covid-19 của Tân Kỳ trở thành một bài học kinh nghiệm khó quên, được tỉnh đánh giá cao về hiệu quả.

Nhà máy may Minh Anh ở huyện Tân Kỳ  tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.
Nhà máy May Minh Anh ở huyện Tân Kỳ tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Ảnh: Trân Châu

Nguồn tài nguyên của Tân Kỳ hiện nay được đánh giá là phong phú và rất giá trị gồm đất sét để làm gạch ngói, cát sỏi xây dựng và đặc biệt đá vôi... sẽ là khâu đột phá cho huyện trong mục tiêu khai thác hiệu quả. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư vào để khảo sát, đầu tư. Nguồn lực về đất đai cũng vô cùng to lớn khi các nhà đầu tư tìm về ngày một nhiều để đầu tư như Nhà máy May Minh Anh, Nhà máy Gạch ngói không nung, Nhà máy Điện sinh khối hơn nghìn tỷ đồng; các dự án chăn nuôi ở xã Tân Hợp, khai thác đất nguyên liệu để sản xuất gạch xây dựng ở các xã Tân Hợp, Đồng Văn… sẽ tạo những nét khởi sắc mới cho địa phương. Đặc biệt, dự án trồng dược liệu công nghệ cao của Tập đoàn Thiên Minh Đức dự kiến khai thác ở vùng đất của Tập đoàn FLC trước đây, cũng là dự án động lực cho các dự án tiếp theo.

Những năm qua, Tân Kỳ đã phát huy có hiệu quả các nhà máy gạch ngói Tuynen, khởi công xây dựng Nhà máy Chế biến nguyên liệu Trung Đô Tân Kỳ tại xã Tân Hợp; Nhà máy Xử lý chất thải rắn và lỏng Tân kỳ tại xã Tân Long…

Bà con trồng mía nguyên liệu ở Tân Kỳ đã đón cái Tết phấn khởi khi giá mía tăng cao nhất từ trước đến nay, sản xuất có lãi, được nhà máy tiêu thụ hết trong khi nhiều cây trồng khác rớt giá. Mía vẫn là cây trồng hiệu quả của địa phương với diện tích gần 4.000ha. Chăn nuôi trên địa bàn chuyển dịch theo hướng tập trung, quy mô trang trại theo chuỗi giá trị, gắn với công nghiệp chế biến. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 18.386 tấn, tăng 30,4% so với năm 2020. Bà con lương - giáo đoàn kết, cùng hiến đất góp công xây dựng nông thôn mới; năm 2021 huyện đã tập trung chỉ đạo 3 xã về đích nông thôn mới và 1 xã nông thôn mới nâng cao.
Về cơ sở hạ tầng, Tân Kỳ đã tranh thủ các nguồn lực nhất là giao thông, chuẩn bị thi công đường N5 Tân Kỳ nối Đô Lương, đầu tư trạm biến áp 110kV đảm bảo điện cho Tân Kỳ, không phụ thuộc vào Đô Lương, Nghĩa Đàn như trước đây. Một số tuyến đường trọng yếu trên địa bàn đã được bố trí vốn đầu tư Phú Sơn – Nghĩa Hành (vốn trên 100 tỷ đồng), đường 15B song song với đường Hồ Chí Minh. Niềm hy vọng mới nữa là khi Nhà máy May Tân Kỳ đi vào hoạt động với đủ 6.000 công nhân thì thương mại dịch vụ đi cùng sẽ ngày một phát triển.

Đường nông thôn mới do bà con hiến đất ở huyện Kỳ Tân. Ảnh: Bông Mai
Đường nông thôn mới do bà con hiến đất ở huyện Kỳ Tân. Ảnh: Bông Mai

Với việc đi trước một bước về quy hoạch đất đai để phục vụ cho thu hút đầu tư, xây dựng trụ sở công quyền và các hạng mục khác, Tân Kỳ sẽ chủ động hơn trong phát triển kinh tế, và đó là bước đệm quan trọng cho thu hút đầu tư. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao; văn hóa giáo dục đạt chất lượng tốt; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Nói về những nỗ lực của Tân Kỳ làm nên dấu ấn trong một năm qua, nhất là việc triển khai các nghị quyết sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2021-2025, Bí thư Huyện ủy Bùi Thanh Bảo cho biết: Ngay từ 6 tháng đầu năm 2021, tất cả các đề án, chương trình hành động của nhiệm kỳ đã được ban hành xong để còn thời gian, vật chất 4 năm rưỡi các cấp thực hiện.

Những đề án chương trình lần này Tân Kỳ ban hành ngắn gọn, trọng tâm, có điểm nhấn rõ ràng, gắn thực tế, phát huy trí tuệ tập thể, sau đó UBND các cấp xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, triển khai đầy đủ, theo đúng kế hoạch. Vấn đề nữa mà Tân Kỳ đã thực hiện tốt đó là chú trọng và thực hiện hiệu quả vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là người đứng đầu thông qua việc triển khai, thực hiện có hiệu quả các quy định nêu gương của Trung ương, của tỉnh và Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành.

Đổi mới phong cách, phương pháp lãnh đạo, phương pháp công tác theo phương châm “sâu sát, cụ thể, khoa học, hiệu quả, xác định rõ lộ trình, bước đi”, Tân Kỳ đang chủ động khai thác hiệu quả các nguồn lực và tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các cấp ngành để làm nên diện mạo, khí thế phát triển mới mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.

Thu hoạch mía ở Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng
Thu hoạch mía ở Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng

Tin mới