Sách lớp 1, vì sao không thể góp ý để thay đổi?

Tôi vào lớp 1 năm 5 tuổi. Đó là giai đoạn bố mẹ bận công tác, gửi tôi về ông bà ở Đô Lương. Ông làm bác sĩ, bà bận ruộng đồng, cháu chẳng có ai trông nên an toàn nhất là đến lớp.

Học xong lớp 1 ở quê tôi không biết đọc, làm toán ấm ớ, viết chữ như gà bới không dịch ra nổi. Mẹ hoảng quá đón xuống Vinh xin cho học lớp 1 lại. Coi như năm đầu tiên dự thính, cũng may là vẫn cùng tuổi với bè bạn. 3 năm sau, mỗi khi về quê tôi vẫn gặp lại những đứa bạn cũ. Đứa bỏ học từ lớp 5, lớp 7. Và cá biệt là khi bỏ học vẫn không biết làm toán, không đọc thông viết thạo. Cách đây khoảng chục năm, có một dạo báo chí, truyền hình rộ lên tình trạng ngồi nhầm lớp. Những vùng quê giống quê nghèo của tôi ngày ấy, dĩ nhiên không hiếm trường hợp ngồi nhầm chỗ như tôi và bè bạn…

Cho đến khi tôi học lên đại học, dạy một cậu bé học sinh tiên tiến, lớp 2 ở TP.HCM, cậu bé vẫn phải đánh vần những từ khó. Làm toán vẫn xòe tay, xòe cả chân ra đếm. Hỏi con về nghĩa của những từ rất cơ bản hầu như không biết. Chương trình của cậu bé ấy hầu như không thay đổi với cô giáo của mình, dù khoảng cách gần 15 năm.

Khi con tôi vào lớp 1, tôi mừng và có cả xúc động khi gặp lại những bài thơ “Gửi lời chào lớp 1”, “Cốc cốc cốc…”.  Mừng đấy, nhưng xen trong đó là xót xa. Bởi, 30 năm sau ngày tôi vào lớp 1, con vẫn học những bài thơ ấy, bài văn ấy. Những cái mới được xem là “cải cách” có thêm nhưng chẳng ấn tượng gì mấy. Chưa kể, bộ sách giáo khoa con tôi học lớp 1 cũng đã tái bản lên tới lần thứ 16.

Và vì thế, tôi đón nhận sự đổi mới với cách nhìn tích cực. Bạn có xót xa không khi bọn trẻ vẫn phải học một bộ sách có rất nhiều bài đọc thuộc lòng bố mẹ đã đọc mấy mươi năm về trước, những bộ sách ghi tái bản lần thứ 15, 16 hoặc thậm chí lâu hơn?

Trong chương trình thời sự, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những ý kiến góp ý là “có những ý kiến gay gắt nhưng trong sự gay gắt ấy có tâm huyết, mọi người chỉ mong muốn làm sao có những cuốn sách tốt dạy cho con cháu”.  Và với lý lẽ “bảo vệ” sự trong sáng Tiếng Việt, nhân danh phụ huynh, những người quan tâm tới giáo dục, tới trẻ em, muốn con được học về sự thành thật, tình yêu thương… nhưng tôi chỉ thấy khắp cõi mạng những ngày qua là không khí chửi mắng, xúc phạm qua lại lẫn nhau. Đến mức, không ít người đứng lên muốn bênh vực, trên tinh thần xây dựng, ngay lập tức bị đám đông quy chụp, chửi rủa rằng “ăn tiền bẩn”, “ngu dốt”, “phá hoại”… Một đám đông sẵn sàng đưa thông tin một nửa khi mà ai cũng biết “một nửa sự thật không là sự thật”, đưa thông tin “râu ông nọ cắm cằm bà kia” hay thậm chí tệ hơn là sẵn sàng “gắp lửa bỏ tay người” trong vụ “cái làn” ầm ĩ suốt mấy ngày trên mạng.

* * * * *

Lại nói về sách Tiếng Việt lớp 1 – bộ Cánh Diều, cuốn sách này có dở không? Cá nhân tôi cho rằng có những chỗ dở, như dùng nhiều từ địa phương, sai ngữ cảnh – ví dụ như một đứa trẻ không được phép “con chả” với người lớn hơn như trong sách ghi được. Nhóm biên soạn cũng không thể vì lý do rằng chúng tôi phải ép vần, ép từ mà trẻ đọc được để mà biến con “kiến” trong truyện kinh điển La-Phông-Ten thành con “gà” được. Bản chất hai con này hoàn toàn khác nhau, làm ảnh hưởng tới bản chất câu chuyện… Những điều ấy khiến cuốn sách dở ở một số bài.

Còn bạn cho rằng sách dạy trẻ tráo trở, thì xin thưa, nếu đọc nhiều truyện ngụ ngôn Ê-Dốp và La-Phông-Ten, một phần không hề nhỏ là câu chuyện dạy trẻ biết đề cao cảnh giác, biết chịu trách nhiệm với việc xấu của mình hoặc hậu quả sẽ đến khi làm điều xấu sẽ như thế nào… Nếu bạn nhìn tích cực, bạn sẽ nhìn ra bài học kỹ năng sống ý nghĩa cho trẻ, nếu nhìn tiêu cực, bạn chỉ nhìn ra những tiêu cực, tráo trở trong những câu chuyện này. Tôi tin các cô giáo tiểu học đủ trình độ để dạy trẻ hiểu đúng bản chất, ý nghĩa của câu chuyện. Đọc sách cùng con, bạn sẽ thấy những câu chuyện ngụ ngôn này đến nay vẫn có giá trị thực tiễn, rất thú vị khi có thể đưa ra những góc nhìn khác nhau để con có quyền nêu ý kiến, phản biện, lắng nghe.

Không thể phủ nhận sách ngày xưa Tiếng Việt hay, trong trẻo, ca dao tục ngữ ý nghĩa. Nhưng cũng không thể phủ nhận cái hay của việc gắn những bài học đi liền cuộc sống. Việc thay đổi có những điều hay, dở. Ở góc độ là một người mẹ có con học tiểu học, tôi đánh giá cao về cách làm của bộ sách Cánh Diều. Hình thức trình bày đẹp, sắp xếp chương trình khá logic để trẻ dễ đọc, dễ hiểu, có nhiều mới mẻ hơn. Tôi tin cách học này trẻ có thể hoàn thành cơ bản khả năng đọc viết tốt so với bộ giáo khoa cũ.

Một chị bạn tôi, cũng là nhà văn, năm nay có con vào lớp 1, chị viết rằng: “Cũng nhân dịp nhiều người đưa các trang SGK cũ của những năm 198X lên MXH để so sánh và đòi quay trở lại cách dạy – học đó. Tôi sẽ là người đầu tiên phản đối. Bởi vì trong những người mang nặng ký ức đó, chắc rất ít người nhớ lại rằng ngày đó chúng tôi đi học lớp 1 (tôi sinh năm 1979, học lớp 1 năm 1985), ngay tuần đầu tiên đã phải học thuộc lòng những bài thơ lục bát hoặc thơ 4 – 5 chữ trong khi chưa biết đánh vần. Học cách nào? Cô giáo đọc 1 câu thơ, gõ thước “cạch một phát” xuống bàn, cả lớp đồng thanh đọc theo, cứ thế hết bài thơ. Rồi hôm sau kiểm tra lại xem có thuộc không? Không thuộc thì đứng xó lớp. Với cách dạy “truyền khẩu” kiểu đó, trẻ con chỉ nhìn vào trang giấy có bức tranh minh họa cho bài thơ là vanh vách đọc thuộc lòng, trong khi chỉ vào từng chữ thì ngọng”.

Nghĩ lại một cách thật công bằng, tôi nhớ không khí lớp học thời 8X của chúng tôi dạo đó cũng đúng như thế, không hiếm những “con vẹt” xuất sắc.

Sau tất cả, tôi chợt nhớ tới câu thơ của Lưu Quang Vũ: “Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ/ Chỉ có dựng xây đời là khó khăn thôi”.


Hình ảnh chỉ có tính minh họa (Nguồn: Internet)