Săn cá trên dòng Nậm Xan

(Baonghean) - Cái nắng mùa Hè bắt đầu đổ xuống núi rừng miền Tây xứ Nghệ cũng là lúc nghề lặn nước săn cá bắt đầu. Nghề này có từ xưa, thời gian gần đây có xu hướng ngày càng phổ biến.

Cũng như ở khắp mọi miền, bà con miền Tây Nghệ An có nhiều cách đánh bắt cá: chài, xúc, câu, dùng lá xót buộc cá nổi, cho ăn bã rượu để cá say... Nhưng ở đây còn có một cách khá độc đáo là dùng súng tự chế và mũi tên sắt rồi lặn xuống nước bắn cá, cách này thường được gọi là săn cá. Ngày cuối tuần, chúng tôi vào bản Tùng Hương, xã Tam Quang (Tương Dương) và theo chân chàng trai trẻ Vi Văn Sơn đi săn cá.

Chuẩn bị cho chuyến săn cá, việc làm đầu tiên của Sơn là thay sợi dây chun buộc súng tự chế, kiểm tra lại mũi tên sắt đã sắc và được buộc chặt hay chưa. Để kiểm tra độ chắc chắn và chuẩn xác, cậu lắp mũi tên dọc theo chiếc súng gỗ, ép chặt bằng dây cao su rồi bật lẫy. Sợi dây chun giãn ra, lực đàn hồi của sợi dây chun đẩy chiếc mũi tên rời khỏi vị trí bay vụt về phía trước, đích đến là thân cây chuối đứng cách chừng 7 mét. Dường như đã yên tâm với khẩu súng, Sơn chạy lên nhà lấy thêm chiếc kính lặn rồi lên đường.

Đồ nghề săn cá. Ảnh: Công Khang
Đồ nghề săn cá. Ảnh: Công Khang
Vi Văn Sơn lặn xuống đáy dòng Nậm Xan để săn cá. Ảnh: Công Khang
Vi Văn Sơn lặn xuống đáy dòng Nậm Xan để săn cá. Ảnh: Công Khang

Vi Văn Sơn hướng về phía dòng Nậm Xan - con khe lớn bắt nguồn từ biên giới Việt - Lào, chảy qua địa bàn xã Tam Quang, qua xã Lạng Khê (Con Cuông) rồi hòa mình vào sông Lam. Mùa mày, nước Nậm Xan trong xanh, có thể nhìn rõ từng hòn cuội nằm dưới đáy, thi thoảng từng đàn cá lớn nhỏ bơi tung tăng như vẫy chào. Chọn vị trí nước sâu và không chảy mạnh để “tác nghiệp”. Vì ở những điểm này lũ cá thường tụ tập ẩn nấp và kiếm mồi quanh các hốc đá, người săn dễ dàng quan sát và thao tác với chiếc súng cùng mũi tên. Mặc quần cộc và để nguyên chiếc áo phông, đeo chiếc kính lặn, tay cầm chiếc súng đã giương sẵn cò, Vi Văn Sơn từ từ lặn xuống dưới mặt nước.

Từ trên bờ nhìn qua làn nước trong xanh, chúng tôi thấy cậu đang di chuyển dọc theo các hốc đá, một tay vẫn cầm chặt chiếc súng tự chế. Được hơn 1 phút, bỗng dưng mặt nước lay động, Sơn nhô người lên, đưa chiếc kính lặn lên đầu và thở dồn dập, bởi sau một quãng nín thở giờ phải lấy hơi.

Chừng mấy chục phút sau, cậu lại ngụp xuống mặt nước, đưa tay quờ dưới đáy dòng Nậm Xan như để tìm kiếm một vật gì. Thật bất ngờ, khi Sơn đứng dậy, tay cầm theo chiếc mũi tên, phía đầu mũi một chú cá bị xuyên qua phần thân và đang giãy giụa.

Chú cá được rút ra khỏi mũi tên, chủ nhân cho vào chiếc oi để sẵn trên bờ. Không cần nghỉ ngơi gì thêm, Vi Văn Sơn tiếp tục lắp mũi tên vào súng rồi lặn xuống đáy khe Nậm Xan, nhưng lần này không được chú cá nào. Cứ thế, khoảng 10 lần lặn xuống, chiếc oi của cậu đã có 4 con cá, có thể đủ cho bữa ăn chiều của cả nhà.

“Thợ lặn” Vi Văn Sơn ngoi lên mặt nước. Ảnh: Công Khang
“Thợ lặn” Vi Văn Sơn ngoi lên mặt nước. Ảnh: Công Khang

Chờ Sơn lên bờ ngồi nghỉ, chúng tôi hỏi chuyện về cái nghề săn cá khá độc đáo này. Về đồ nghề, trước hết phải sắm chiếc kính lặn với khoản tiền kha khá, độ vài trăm ngàn đồng, loại kính xịn hơn thì tất nhiên tiền sẽ cao hơn. Còn súng thì đơn giản, chỉ cần thanh gỗ dài khoảng 1 mét và sợi dây chun, mũi tên được làm từ dây thép mài nhọn, đuôi gắn với thanh tre được vót tròn.

Muốn bắn chính xác phải tập, trước tiên là bắn trên cạn, chọn một vật nào đó rồi đứng cách xa 5 - 7 mét để bắn. Nhưng môi trường nước hoàn toàn khác, lực cản của nước cùng với vận tốc dòng chảy có thể làm mũi tên đi chệch mục tiêu, chưa kể những chú cá không mấy khi đứng yên mà luôn bơi lượn, đặc biệt là khi có sự xuất hiện của con người chúng thường trốn vào các hốc đá.

“Chiến lợi phẩm” sau 10 lần lặn xuống dòng Nậm Xan. Ảnh: Công Khang
“Chiến lợi phẩm” sau 10 lần lặn xuống dòng Nậm Xan. Ảnh: Công Khang

Vì thế, tập trên cạn xong phải xuống nước tập để có thêm kinh nghiệm trong môi trường nước. Khi đã tự tin có thể lặn được một quãng dài (trên 1 phút) và quan sát được dưới mặt nước mới có thể cầm súng đi săn cá. Ban đầu không mấy dễ dàng, chưa quen lắm nên khi bật lẫy, mũi tên thường đi chệch và để cá trốn được vào hốc, có khi lặn cả ngày chẳng bắn được con nào. Lâu dần rút được kinh nghiệm, xác định được mức độ lực cản của nước và dòng chảy, đoán định chính xác hướng di chuyển của chú cá để bắn đón, làm được như thế may ra có cá về ăn. Rồi phải thuộc từng đoạn khe, chỗ nào có nhiều cá và nắm bắt được thói quen, cách kiếm ăn của từng loài cá để có cách săn thích hợp. 

Với Vi Văn Sơn và những người bạn cùng trang lứa, săn cá vừa là một nghề, vừa là một trò tiêu khiển trong những ngày nghỉ, đặc biệt là vào mỗi dịp hè. Gần đây, một số du khách lên miền Tây Nghệ An mang theo đồ nghề để được trải nghiệm về sự dũng cảm, khéo léo và sáng tạo khi lặn xuống mặt nước săn cá.

Công Khang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới