Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017 - 2018, Khu vực phía Bắc

Sẵn sàng chào đón những nhà sáng chế trẻ

(Baonghean) - Cuối tuần này, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017 - 2018, Khu vực phía Bắc chính thức được khai mạc tại Nghệ An. Đây cũng là cơ hội để Nghệ An thể hiện tốt vai trò của đội chủ nhà, đặc biệt là trong công tác chuẩn bị gồm cơ sở vật chất, nhân sự và những dự án tham dự...

Sẵn sàng tranh tài
“Máy phát điện từ năng lượng mặt trời” là 1 trong 18 dự án xuất sắc của Nghệ An tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho bậc THCS. Với dự án này, đây cũng là lần đầu tiên Trường THCS Hồng Sơn - Thành phố Vinh được có mặt ở một cuộc thi lớn, cuộc thi dành cho các nhà sáng chế trẻ...

Dự án Máy phát điện của học sinh Trường THCS Hồng Sơn - TP. Vinh. Ảnh: Mỹ Hà
Dự án Máy phát điện của học sinh Trường THCS Hồng Sơn - TP. Vinh. Ảnh: Mỹ Hà
Nói về dự án này, cô giáo Nguyễn Kiều Hoa (giáo viên Vật lý) đặc biệt ấn tượng với cậu học trò Nguyễn Trọng Khánh Huy bởi em là người đầu tiên xây dựng ý tưởng: Đầu năm học mới, ngay sau lễ khai giảng, Khánh Huy trực tiếp gặp tôi và bày tỏ nguyện vọng được làm một máy phát điện từ năng lượng mặt trời. Ban đầu khi nói đến đề tài này, tôi chưa thực sự chú ý vì máy phát điện bằng mặt trời thì không lạ ở thị trường hiện nay. Nhưng rồi, sau khi em trình bày, tôi đã bị thuyết phục bởi những ý tưởng mới lạ mà các em mang đến.

Để thực hiện đề tài này, Khánh Huy cùng với Khôi Nguyên chỉ mất một tháng chuẩn bị. Sau đó, dưới sự hỗ trợ của cô giáo Vật lý, công trình đã đạt giải Nhất ở cuộc thi Sáng tạo KHKT cấp thành phố. Khi đến vòng tỉnh, mặc dù gặp khá nhiều áp lực nhưng bài thuyết trình của Khánh Huy và Khôi Nguyên đã thuyết phục được ban giám khảo và là một trong những dự án xuất sắc nhất giải. Đến với cuộc thi cấp quốc gia, Khánh Huy cho biết: Qua ba cuộc thi, dự án của em đã phải điều chỉnh nhiều lần về mặt kỹ thuật cũng như hình ảnh. Mặc dù vậy, em rất tự tin bởi trong quá trình triển khai luôn nhận được sự đồng hành giúp đỡ của nhà trường, các thầy giáo, cô giáo và của cả gia đình...
Trường THCS Hồng Sơn cũng là một trong những trường của thành phố Vinh có truyền thống tham dự các cuộc thi sáng tạo về Khoa học Kỹ thuật và hầu như năm nào cũng đạt giải cấp thành phố, cấp tỉnh. Nói về vinh dự được chọn tham dự cuộc thi KHKT cấp quốc gia lần này, thầy giáo Phạm Văn Hải – Hiệu trưởng nhà trường cho biết:  Cuộc thi KTKT là một sân chơi hết sức bổ ích dành cho lứa tuổi học trò, là một thước đo để đánh giá quá trình dạy và học ở nhà trường,  tiếp thêm ngọn lửa đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật… Riêng ở Trường THCS Hồng Sơn, cuộc thi đã thành công bởi những công trình sáng tạo là của các em, do các em lên ý tưởng và chủ động thực hiện.
Ở bậc THPT, đề tài “Kết hợp tách chitin từ vỏ tôm và sản xuất phân bón hữu cơ từ rác thải sinh hoạt của em Hà Gia Bảo lớp 12 A1 – Trường THPT Cửa Lò cũng đang hoàn thiện những bước thí nghiệm cuối cùng. Theo dõi quá trình thực hiện của Bảo, các bước triển khai không khác nhiều so với cuộc thi cấp tỉnh. Tuy nhiên, trò chuyện mới thấy, để hoàn thiện đề tài này Bảo đã phải mất gần nửa năm chuẩn bị. Trong đó, cũng đã không đếm được bao nhiêu lần thất bại vì sản phẩm hoàn thiện không đạt được như kỳ vọng. Chia sẻ về đề tài này, Bảo rất tâm đắc bởi nó gắn với đặc thù của địa phương mình. Hơn thế, nếu áp dụng vào trong thực tiễn thì nó sẽ đạt hiệu quả “2 trong 1”, vừa tạo ra nguyên liệu, vừa sử dụng được cho người nông dân trong trồng trọt: Nghề đánh bắt và chế biến thủy sản là nghề truyền thống của thị xã Cửa Lò. Tuy nhiên, một trong những bất cập hiện nay là việc xử lý rác thải còn gặp nhiều khó khăn gây ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị. Đề tài của em sẽ tận dụng được nguồn rác thải để chế tạo ra chất chitin, được ứng dụng phổ biến trong các lĩnh vực như y học, dược phẩm, mỹ phẩm. Bên cạnh đó, tận dụng các phế phẩm khác để tạo ra phân bón hữu cơ.
Chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho ngày hội lớn
Cuộc thi sáng tạo KHKT cấp quốc gia năm 2018 chính thức được khai mạc tại thành phố Vinh vào ngày thứ Bảy (10/3/2018). Tham dự cuộc thi năm nay có sự tham gia của 34 đoàn đến từ các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế trở ra và một số trường đại học có đào tạo hệ phổ thông. Dự kiến, đến với cuộc thi này sẽ có trên 800 giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, cuộc thi cũng sẽ thu hút, tập hợp được hàng trăm nhà khoa học từ các trường đại học, cao đẳng, học viện tham gia hướng dẫn, góp ý, chấm, chọn các dự án. Đây là năm thứ năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi này nhằm khuyến khích học sinh nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống.

Thí nghiệm về đề tài xử lý rác thải của học sinh Trường THPT Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà
Thí nghiệm về đề tài xử lý rác thải của học sinh Trường THPT Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà
Là đơn vị được chọn đăng cai, công tác chuẩn bị của tỉnh Nghệ An đã bắt đầu từ giữa năm 2017. Hơn 6 tháng qua, với vai trò là đơn vị chủ trì, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập ban chỉ đạo với sự tham gia của các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Ngoài ra, các tiểu ban tuyên truyền, lễ tân, thi đua khen thưởng cũng đã được thành lập với mục đích chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để cuộc thi được diễn ra thuận lợi. Hiện tại, đến thời điểm này, khi cuộc thi chỉ còn đếm bằng ngày thì công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành. Theo kế hoạch, trong 4 ngày tổ chức (từ 10 – 13/3/2018), cuộc thi sẽ diễn ra tại 3 địa điểm chính là Nhà văn hóa Lao động, Trung tâm Hội nghị Khách sạn Giao tế, Trường Đại học Vinh. Để chuẩn bị thuận lợi cho các đoàn tham dự, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố thành lập đoàn tình nguyện viên với gần 80 người là cán bộ, giáo viên của các trường mầm non, tiểu học, THCS trong thành phố. Trong quá trình diễn ra cuộc thi, các tình nguyện viên sẽ đồng hành với các đội để hỗ trợ trong công tác đi lại, lưu trú và vận chuyển các phương tiện. 

Chia sẻ về vinh dự được tham gia tình nguyện viên, cô giáo Hồ Thị Hải – Trường THCS Đội Cung cho biết: Trước khi tham gia tình nguyện viên chúng tôi đã được tổ chức tập huấn và làm quen với công việc nên thực sự hào hứng và thích thú với công việc này. Tôi nghĩ rằng, việc được tham dự cuộc thi với vai trò là thành viên của ban tổ chức là một cơ hội để chúng tôi trải nghiệm, thể hiện tinh thần mến khách và cũng là một dịp giao lưu, học hỏi với các bạn đồng nghiệp... Xác định cuộc thi sáng tạo KHKT cũng là một dịp để quảng bá, giới thiệu hình ảnh của tỉnh nhà nên Ban tổ chức cũng đã trang bị cẩm nang cho các tình nguyện viên. Trên cơ sở đó, sẽ giới thiệu về vùng đất, con người và những địa danh, thắng cảnh nổi tiếng để các đoàn đến tham quan, tìm hiểu.
Chuẩn bị cho cuộc thi sáng tạo KHKT, nhiều hoạt động thú vị và bổ ích “bên lề” cũng sẽ được tổ chức như Hội thảo Hoạt động trải nghiệm sáng tạo KHKT theo định hướng phát triển và phẩm chất năng lực học sinh, giao lưu giữa các đơn vị dự thi. Ông Võ Văn Mai – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết: Trước khi đăng cai cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học, Khu vực phía Bắc năm 2018, Nghệ An đã có kinh nghiệm và được đánh giá cao sau khi tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2016. Hiện tại, dù công tác chuẩn bị gấp rút, nhưng chúng tôi tin tưởng sẽ làm tốt công việc của mình nhằm giúp cho cuộc thi diễn ra thành công  và để lại dấu ấn và kỷ niệm đẹp cho các đoàn khi đến với Nghệ An.

Tin mới