Sẵn sàng cho đêm nhạc 'Mạch nguồn ví, giặm'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Trước đêm diễn ra Chương trình “Mạch nguồn ví, giặm”, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, mọi công việc hậu kỳ diễn ra hết sức khẩn trương.

Từ khâu trang trí sân khấu đến việc khớp nối các tiết mục, âm thanh, ánh sáng đang được hoàn thiện đẹp mắt. Các nghệ sĩ tham gia ghép nhạc ngay tại sân khấu, luyện tập say mê và nghiêm túc. Ban Tổ chức chương trình sắp xếp, bố trí chỗ ngồi dành cho khách mời, khu vực khán giả, khu vực giao lưu, gặp gỡ với gia đình các nhạc sĩ… Pa-nô quảng cáo đêm diễn “Mạch nguồn ví, giặm” đã được trang trí trước đó, treo khắp các con phố ở Thủ đô, ấn tượng bởi các gương mặt nghệ sĩ, ca sĩ tên tuổi như Phạm Phương Thảo, Thanh Lam, Vũ Thắng Lợi, Đinh Trang…

Bên cánh gà sân khấu, các ca sĩ xứ Nghệ chia sẻ chân tình những cảm xúc, suy nghĩ trước đêm diễn. Với ca sĩ Đinh Trang, dù đã nhiều lần được hát ca khúc “Mẹ yêu con” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nhưng trong đêm nhạc "Mạch nguồn ví, giặm”, Trang lại mang một tâm thế khác. Đó là những trải nghiệm thiêng liêng khi được làm mẹ của hai bé con, được thấu cảm những ca từ êm ái của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Sân khấu đêm nhạc "Mạch nguồn ví, giặm". Ảnh: Vân Khánh

Sân khấu đêm nhạc "Mạch nguồn ví, giặm". Ảnh: Vân Khánh

“Tôi thực sự xúc động khi mỗi lần được hát lại ca khúc “Mẹ yêu con” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ca khúc này gắn liền với những năm tháng học tập của tôi tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Xúc động hơn, thiết tha hơn và đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc khi tôi trở thành người mẹ”- ca sĩ Đinh Trang nói.

Còn với NSƯT Phạm Phương Thảo thì đây là dịp mà các nghệ sĩ như chị tri ân các nhạc sĩ đáng kính. Là người con xứ Nghệ, chị cảm thấy tự hào được tiếp nối truyền thống nghệ thuật của quê hương, là dòng chảy văn hóa, là mạch nguồn ví, giặm như tên gọi của chương trình. “Tôi và các nghệ sĩ sẽ đem đến công chúng những tác phẩm gắn liền với tên tuổi của các nhạc sĩ yêu kính”- ca sĩ Phạm Phương Thảo khẳng định.

Ca sĩ Thanh Tài cũng rất xúc động khi được tham gia Chương trình "Mạch nguồn ví, giặm", tri ân 5 nhạc sĩ tài hoa xứ Nghệ. Đối với anh, họ là những người nghệ sĩ đã chắp nối, vun đắp và phát triển Dân ca Nghệ Tĩnh. “Tôi rất hạnh phúc khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung, được bén duyên với dòng nhạc dân gian và thể hiện những ca khúc về quê hương mình. Tôi đang luyện tập thật kỹ lưỡng để đem đến cho khán giả những cung bậc cảm xúc đẹp nhất”- ca sĩ Thanh Tài cho biết.

Nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam trong vai trò chỉ đạo nghệ thuật của chương trình cho biết: Các nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn Trọng Tạo và An Thuyên là niềm tự hào không những của xứ Nghệ mà còn của nền âm nhạc Việt Nam. Ngoài những ca khúc nổi tiếng, gắn bó với nhiều công chúng yêu nhạc thì họ còn để lại một gia tài đồ sộ với các tác phẩm khí nhạc, nhạc phim.

“Những con người tài năng đó cùng hợp lại trong một chương trình thì sẽ tạo thành một bữa tiệc âm nhạc quá sang trọng. Có thể thấy, chất liệu Dân ca ví, giặm đã ngấm vào các anh từ khi còn trong nôi. Đây là tài năng có sẵn trong con người họ chứ không phải chỉ học hành mới có được ”- nhạc sĩ Đức Trịnh nói.

Để làm nên Chương trình nghệ thuật "Mạch nguồn ví, giặm" phải kể đến vai trò tổ chức của Hội Đồng hương tỉnh Nghệ An, các nhà tài trợ, đã một lòng hướng về quê hương. Doanh nhân Trần Văn Lê cho biết:

"Khi được nghe những lời tâm huyết từ Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, từ TS Lê Doãn Hợp- Chủ tịch Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội chia sẻ trước đêm diễn, tôi ghi nhận sự nỗ lực và tâm huyết của người Nghệ tại Hà Nội. Các nghệ sĩ đã tham gia chương trình với tinh thần tự nguyện, cùng với sự chung tay của các mạnh thường quân để làm nên chương trình đặc biệt này”- doanh nhân Trần Văn Lê nói.

"Mạch nguồn ví, giặm" là nơi sinh ra những câu hò, điệu ví. Từ cái nôi văn hóa này, những người nhạc sĩ tài hoa: Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, An Thuyên và Nguyễn Trọng Tạo được thấm đẫm chất bác học và dân gian của những loại hình âm nhạc truyền thống, từ đó, vận dụng linh hoạt trong những sáng tác đương đại. Tuy vậy, theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật: 5 nghệ sĩ tài hoa này, nếu không có đất nước, không có cái nôi văn hóa Thủ đô Hà Nội thì cũng không thể có được những sáng tác “đi cùng năm tháng”. 16 tuổi, nhạc sĩ Hồng Đăng đã mang ba lô lên chiến khu Việt Bắc, sau đó mới học nhạc và trở thành nhạc sĩ tài danh, một nhà văn hóa. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sống nhiều năm ở Việt Bắc, được thấm đượm chất âm nhạc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng mới có thể viết nên “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”, “Suối Mường Hum còn chảy mãi”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không chỉ thành công với những ca khúc viết về quê hương xứ Nghệ mà còn lưu dấu với các sáng tác “ngành ca” hay viết “Dáng đứng Bến Tre” sau nhiều năm sống cùng đất và con người Nam Bộ. Nhạc sĩ An Thuyên và nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trưởng thành từ Nghệ An, với sự nghiệp hoạt động văn hóa trong quân đội nhưng khi ra đến Hà Nội, mạch nguồn văn hóa sông Lam như được hòa chung mạch nguồn văn hóa đất nước, mới có thể tạo nên những con người vĩ đại.

Vì thế, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ mong rằng: Chương trình nghệ thuật "Mạch nguồn ví, giặm" làm sao phản ánh được sự hòa quyện những dòng chảy văn hóa đó. “Nếu chỉ nói về chất Dân ca xứ Nghệ sẽ không trọn vẹn và sẽ không phản ánh đúng phong cách của các nhạc sĩ này. Ví dụ, nhạc sĩ An Thuyên còn có “Thơ tình của núi”, “Chín bậc tình yêu” và cả những bài hát về Nam Bộ, đặc biệt với “Chiều Cần Thơ”. Từ mạch nguồn xứ Nghệ, các anh đã đi ra “biển cả”. Vì thế, trong chương trình này, nếu chúng ta chỉ nâng niu những người con của quê hương thì mới đúng một phần”- PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nói.

Tin mới