Sẵn sàng cho mục tiêu trồng mới 17.000 ha rừng

(Baonghean) - Trồng rừng nguyên liệu đang trở thành nghề giúp người dân nhiều địa phương cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, khi trên địa bàn tỉnh có thêm những nhà máy sản xuất gỗ ép, cơ sở gỗ dăm đi vào hoạt động...

Nông dân tích cực chuẩn bị trồng rừng

Tại địa bàn xã Giang Sơn Đông (huyện Đô Lương), nhiều gia đình đang tích cực phát dọn thực bì, đào hố để trồng rừng vụ xuân. Ông Nguyễn Hường, ở xóm Bắc Giang, xã Giang Sơn Đông năm nay dự kiến trồng 20 ha rừng. Đến thời điểm này đã xử lý thực bì xong 18 ha (chủ yếu diện tích sẽ trồng rừng sau khai thác). Dự kiến trước Tết Nguyên đán sẽ đào hố xong và khoảng mồng 6 Tết Âm lịch sẽ triển khai trồng rừng vụ xuân. Còn ở xã Giang Sơn Tây, một số hộ gia đình có điều kiện thuê máy múc để đào hố nên tiến độ thực hiện khá nhanh.

Ông Nguyễn Cảnh Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Tây cho hay: Các diện tích trồng rừng cơ bản đã xong phần thiết kế, xã đang tích cực bám cơ sở, chỉ đạo bà con đẩy nhanh tiến độ phát dọn thực bì, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ xuân. Hiện đã phát dọn thực bì được trên 40% diện tích. Xã đang tuyên truyền vận động nhân dân trồng khoảng trên 40 ha rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị thu hoạch.

Công ty Lâm nghiệp Đô Lương chuẩn bị cây giống cho trồng rừng vụ xuân.
Công ty Lâm nghiệp Đô Lương chuẩn bị cây giống cho trồng rừng vụ xuân.

Trong năm 2016, tỉnh giao huyện Đô Lương vừa trồng 700 ha, nhưng huyện đã trồng được 1.152 ha. Còn năm nay, tỉnh giao trồng 780 ha rừng nguyên liệu, theo dự tính huyện sẽ trồng 1.000 ha, nguyên nhân diện tích trồng rừng nguyên liệu tăng là do năm nay giá keo tăng cao nên người dân tích cực trồng rừng. Ngay từ đầu năm 2017, huyện đã kiện toàn Ban công tác kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2017. Phân công các thành viên BCĐ trồng rừng, chỉ đạo các xã thực hiện tốt khâu chuẩn bị hiện trường để trồng rừng vụ xuân. Theo kế hoạch vụ xuân huyện trồng khoảng 350 ha, hiện tại đã xử lý thực bì và đào hố 30% diện tích, tập trung ở các xã Giang Sơn Tây, Lam Sơn, Đại Sơn. Cùng đó, huyện dự kiến năm nay trồng trên 300 ha gỗ lớn. 

Tại nhiều xã ở huyện Thanh Chương, bà con cũng đang tích cực xử lý thực bì cho trồng rừng vụ xuân 2017. Bà Lê Thị Hải, xóm 2A, xã Ngọc Sơn chia sẻ: Năm nay nhà tôi dự kiến trồng hơn 1.700 gốc keo trên diện tích 1,2 ha. Thời tiết đang thuận lợi nên cả gia đình tập trung đốt cây cũ, đào hố để chuẩn bị trồng rừng.

Ông Lê Đình Thanh - cán bộ lâm nghiệp xã Ngọc Sơn cho biết: Dự kiến năm nay xã trồng 120 ha rừng. Mọi công tác chuẩn bị cho trồng rừng đã sẵn sàng. Theo kế hoạch, năm 2017, toàn huyện Thanh Chương sẽ trồng mới 2.000 ha rừng. Trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Thanh Sơn 190 ha, Thanh An 160 ha, Ngọc Sơn 120 ha... Cùng với đó, huyện cũng trồng 1.000.000 cây phân tán, tập trung chủ yếu ở Thanh Hương 66.000 cây, Hạnh Lâm 96.000 cây, Thanh Mỹ 96.000 cây. 

Tăng diện tích rừng trồng 

Trong năm 2017, UBND tỉnh giao cho Sở NN&PTNT triển khai việc tạm giao kế hoạch trồng rừng cho các địa phương, đơn vị với phương án trồng 17.000 ha rừng nguyên liệu (tăng hơn năm 2016 là 1.000 ha). Trong đó trồng rừng đặc dụng 130 ha, trồng rừng phòng hộ 330 ha. Năm nay tỉnh quy hoạch trồng rừng gỗ lớn khoảng trên 4.000 ha. Riêng triển khai trồng rừng vụ xuân khoảng 5.500 ha, chủ yếu tập trung ở các huyện Quỳ Hợp, Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành... 

Người dân xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) đào hố trồng rừng.
Người dân xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) đào hố trồng rừng.

Sở NN&PTNT đã tham mưu trình UBND tỉnh kế hoạch tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây cấp tỉnh Xuân Đinh Dậu. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi về mục đích ý nghĩa Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Để đảm bảo điều kiện cho công tác trồng rừng, đến thời điểm này các địa phương đã hoàn thành khâu thiết kế trồng rừng theo đăng ký. Sở NN&PTNT chỉ đạo các huyện, xã bám địa bàn, phối hợp hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho người trồng rừng. Loại bỏ đối với các trường hợp đăng ký trồng rừng, nhưng trạng thái rừng không đúng đối tượng và giải thích rõ cho người dân hiểu. Các đơn vị nông, lâm trường, các HTX dịch vụ lâm nghiệp... hiện đã ươm gieo trên 20 triệu cây giống các loại, trong đó tập trung chủ lực cây keo tai tượng nhập nội và keo tai tượng nhập ngoại.

Bên cạnh đó Sở NN&PTNT thành lập đoàn kiểm soát chất lượng giống cây lâm nghiệp trước khi xuất khỏi vườn ươm, khuyến khích nhân dân đưa loài cây gỗ lớn đa mục đích vào trồng rừng để nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp. Ngành chức năng, ban quản lý các dự án phát triển lâm nghiệp chủ động kiểm tra, nghiệm thu các công đoạn trồng rừng bảo đảm số lượng và chất lượng. 

Một trong những khó khăn trong công tác trồng rừng hiện nay là nhiều nơi thiếu vốn đầu tư, thiếu vốn cho các hộ dân tự trồng rừng. Trong khi đó, hiện trường trồng rừng phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, nhiều nơi chưa được đầu tư đường nguyên liệu rất khó khăn cho việc vận chuyển cây giống, phân bón và chăm sóc rừng sau khi trồng.

Văn Trường - Quang An

TIN LIÊN QUAN

Tin mới