Sân Vinh: Nỗi ám ảnh của cầu thủ V.League

(Baonghean.vn) - Chất lượng mặt sân Vinh đang ở mức báo động trước thềm V.League 2020 và đây là một trong những bài toán đặt ra cho CLB SLNA. Không chỉ các cầu thủ chủ nhà dính chấn thương trong tập luyện, thi đấu vì mặt sân quá cứng mà còn khiến cầu thủ đội khách ngán ngẩm.

Sân Vinh được hình thành từ năm 1957 trong Thành cổ Vinh. Sân được chính thức xây dựng từ năm 1973 và đến năm 1976, sân Vinh được đầu tư nâng cấp dàn đèn chiếu sáng cho CHDC Đức tài trợ.

Đến năm 1999-2000, sân Vinh được nâng cấp toàn diện, mở rộng khán đài B và bố trí thêm 1.000 chỗ ngồi, xây mới khán đài A với sức chứa gần 7.000 chỗ ngồi. Thời điểm đó, hệ thống thoát nước được lắp đặt theo cấu trúc chạy xung quanh sân.

Năm 2002-2003, sân Vinh hoàn thành nâng cấp mặt sân thi đấu. Đến năm 2006, hệ thống thoát nước được bàn giao và đưa vào sử dụng. Phải đến năm 2016 nhờ đồng đăng cai Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, sân Vinh được lắp ghế khán đài B và tu sửa một số hạng mục.

Sân Vinh cần được sớm cải tạo, nâng cấp nền đất, mặt cỏ và hệ thống tưới. Ảnh: Đức Anh
Sân Vinh cần được sớm cải tạo, nâng cấp nền đất, mặt cỏ và hệ thống tưới. Ảnh: Đức Anh

Từ năm 2017, được biết đã có kế hoạch nâng cấp, cải tạo sân Vinh nhưng hiện nay vẫn chưa rõ bao giờ triển khai bởi những khó khăn về kinh phí. Sân nhà của CLB SLNA hiện nay đang bị đánh giá là chất lượng kém tại V.League.

Thứ nhất, ánh sáng dàn đèn sân Vinh chỉ trung bình đạt 382 lux, không đáp ứng yêu cầu tối thiểu 900 lux. Mặt cỏ không duy trì được chất lượng vì mật độ tập luyện và thi đấu dày đặc. Hệ thống tưới ngầm xuống cấp, phải tưới thủ công, thời tiết khắc nghiệt và những điều này khiến mặt sân Vinh trở nên cứng hơn mức bình thường.

Mùa giải V.League 2019, hàng loạt cầu thủ SLNA dính chấn thương vì nhiều nguyên nhân khác nhau và nhiều trường hợp xảy ra ngay trên sân nhà trong những buổi tập. Đó là trường hợp đứt dây chằng của tiền vệ Phan Văn Đức, Võ Ngọc Đức, Lê Văn Hùng.

Các cầu thủ khác như Cao Xuân Thắng, Lê Thế Cường, Hồ Phúc Tịnh cũng thường xuyên phải ngồi ngoài vì chấn thương, khiến danh sách chấn thương của đội bóng xứ Nghệ mùa 2019 từng lên đến hàng chục người.

Không những vậy, các cầu thủ đội khách khi đến sân Vinh cũng phải dè chừng vì nền sân quá cứng, dễ dính chấn thương đáng tiếc. Trường hợp của tiền đạo Vũ Quang Nam, cựu cầu thủ SLNA đang thi đấu cho TP HCM gặp chấn thương đầu gối ngay trên sân Vinh trong trận đấu mùa giải trước.

Sân Vinh, góc nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu
Sân Vinh, góc nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu

Mỗi mùa bóng, SLNA thi đấu 13 trận trên sân nhà thì gần như toàn bộ các huấn luyện viên của đội khách đều than thở, mặt sân xấu đã khiến cho chất lượng chuyên môn của trận đấu bị ảnh hưởng.

Điều này đặt ra một vấn đề cần sớm được giải quyết bởi không chỉ chất lượng chuyên môn trận đấu giảm xuống mà còn khiến các cầu thủ luôn phải đối diện với nguy cơ chấn thương, ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp thi đấu sau này.
Sông Lam Nghệ An và những đôi chân pha lê

Sông Lam Nghệ An và những đôi chân pha lê

(Baonghean.vn) - Trong bóng đá, chấn thương là điều khó tránh khỏi, nhưng trong một mùa giải, có hàng chục trường hợp gặp chấn thương rồi tái phát chấn thương như SLNA thì quả là một vấn đề cần phải báo động.

Tin mới