Sáng chế vì cộng đồng

Trong những thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương của tỉnh, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đã có những tập thể, cá nhân bằng sự quyết tâm, mày mò tìm hiểu sáng chế phục vụ cộng đồng, với khát khao góp sức nhỏ bé của mình cho ngày chiến thắng đại dịch.

Thiếu úy Đinh Bạt Hoà công tác tại Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh, là một trong hàng nghìn quân nhân đang xung phong ở tuyến đầu cuộc chống dịch Covid-19. Song song với việc thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa bảo vệ địa bàn biên giới biển, vừa chống dịch, người quân nhân trẻ tuổi còn đảm nhận nhiệm vụ đội trưởng của một nhóm thợ đặc biệt.

Đó là nhóm thợ sản xuất buồng khử khuẩn, một sản phẩm do chính Thiếu uý Đinh Bạt Hoà sáng chế trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 2 ở Nghệ An. Với sự sáng tạo, cộng sự, từ tháng 5/2021, Thiếu uý Đinh Bạt Hoà đã cùng đồng đội lắp đặt được hơn 40 buồng khử khuẩn. Đến nay, phần lớn trong số đó đã được đưa vào sử dụng tại các đơn vị trong Bộ đội Biên phòng tỉnh, tại một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Có thói quen ghi nhật ký, trong quá trình hình thành và bắt tay vào sáng chế buồng khử khuẩn, người quân nhân trẻ tuổi đã ghi lại những cảm xúc của riêng mình. “Trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn ra, mình đã thấy được quá nhiều hình ảnh xúc động, chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt Nam, đặc biệt là đối với những đồng chí, đồng đội, những người đang ngày đêm căng mình bám trụ “ăn lán, ngủ rừng” nơi biên cương heo hút, gian khổ và đầy hiểm nguy. Và cũng như mình, họ đã xa gia đình đã rất lâu rồi chưa được về nhà… Trong lòng sao mà như có lửa đốt. Một nhân viên như mình có thể đóng góp có ích cho cộng đồng xã hội trong cuộc dập dịch này? Giá mà có một thiết bị không cần chạm tay vào bất cứ vật gì mà vẫn hạn chế được sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng xã hội”.

Là một cán bộ đoàn viên trẻ, được đào tạo về chuyên ngành điện máy, với khoảng thời gian 4 năm làm nhân viên máy kiêm phụ trách bộ phận điện của tàu Hải đội 2, Thiếu uý Đinh Bạt Hoà đã nghĩ đến việc chế tạo buồng khử khuẩn, rồi quyết tâm sẽ chế tạo thành công. Từ tháng 4/2021, ngoài thời gian làm việc tại đơn vị và trên tàu của mình, Đinh Bạt Hoà xin phép Ban Chỉ huy đơn vị tranh thủ thời gian vào ngày nghỉ, giờ nghỉ để đi khảo sát các loại vật liệu, các linh kiện điện tử phục vụ cho việc chế tạo buồng khử khuẩn.

Thế rồi cứ mỗi đêm người quân nhân trẻ tuổi lại âm thầm, lặng lẽ tự mình lên phương án, xây dựng kế hoạch và thiết kế chi tiết từng bộ phận của buồng khử khuẩn. Một đêm, hai đêm… có lúc thức đến 3 giờ sáng anh vẫn còn ngồi rà soát lại các chi tiết của từng bộ phận thiết bị. Sau 1 tuần, Thiếu uý Đinh Bạt Hoà đã hoàn chỉnh bản thiết kế, rồi chủ động đề xuất với cấp trên và nhận được sự cho phép, khuyến khích thực hiện.

Nhật ký viết: “Ngày 19/4/2021 máy được cho chạy thử, sau khi chạy thử đã phát hiện và khắc phục lại một số sự cố ban đầu và đưa vào sử dụng tại đơn vị. Một buồng khử khuẩn hoàn toàn tự động, người sử dụng không cần thao tác bấm nút khi bước vào. Máy sẽ nhận diện được khi có người bước vào là tự mở cửa, sau đó sẽ tự động phun sương. Chỉ trong 20 giây, vi khuẩn, vi rút bề mặt sẽ bị tiêu diệt… Ngày 16/5/2021 cả 4 anh em tổ lắp đặt được điều động và thành lập một tổ thợ chế tạo buồng khử khuẩn để cung cấp cho các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho các tổ chốt trên biên giới nhằm góp phần hỗ trợ ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng… Mình quá vui sướng, không lời nào tả hết?”.

Không chỉ có người lính mang quân hàm xanh Đinh Bạt Hoà khao khát được cống hiến, mà nhiều người trẻ trên khắp các miền quê cũng có chung tâm tư ấy. Từ thực tiễn đấu tranh chống “giặc Cô-vy”, trước những khó khăn hạn chế về cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ phòng chống dịch, họ cũng tự tay lắp đặt những buồng khử khuẩn, những chiếc máy rửa tay sát khuẩn tự động phục vụ cộng đồng.

Bí thư Đoàn xã Thanh Dương (Thanh Chương) Nguyễn Sỹ Bảo nhớ lại, thời điểm tháng 5/2021, Bảo cùng 3 đoàn viên khác bắt tay vào việc sáng chế buồng khử khuẩn tự động cảm biến cân nặng, thì tình hình dịch Covid-19 ở Nghệ An đang diễn biến rất phức tạp, ngày càng lây lan ra nhiều huyện. Trước sự cấp bách trong công tác phòng chống, Bảo cùng các bạn của mình lòng như lửa đốt, mong muốn góp sức mình nhiều hơn nữa cùng bà con nhân dân nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh chết người này.

Qua tìm hiểu của mình, Bảo cho biết, thời điểm đó hầu hết các buồng khử khuẩn ở nơi khác sử dụng đều lắp đặt cảm biến nhiệt. Với môi trường thường xuyên ẩm ướt phía trong buồng máy, cảm biến nhiệt sẽ không được lâu bền. Trăn trở, tìm tòi, và Bảo cùng các bạn đã đến được với ý tưởng sản xuất buồng khử khuẩn bằng cảm biến cân nặng. Chỉ cần người bước lên vị trí khử khuẩn, sức nặng của người sẽ khởi động cảm biến vận hành máy hoạt động, không cần phải dùng tay bấm nút, hạn chế được tối đa tiếp xúc.

“Nghĩ là làm, chỉ trong khoảng 1 tuần đội chúng em với 4 bạn chủ chốt, cùng với sự hỗ trợ của các mạnh thường quân là con em xa quê, Đoàn xã Thanh Dương đã chế tạo thành công 3 buồng khử khuẩn, 5 máy sát khuẩn tay tự động để tặng các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn xã Thanh Dương và huyện Thanh Chương”, Nguyễn Sỹ Bảo cho biết. Một buồng khử khuẩn được Đoàn xã Thanh Dương tặng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thanh Chương, một buồng được lắp đặt tại Trạm y tế và UBND xã Thanh Dương. 5 máy rửa tay sát khuẩn tự động được lắp cảm biến hồng ngoại đã được tặng cho trạm y tế, các trường học trên địa bàn xã.

Khi hỏi về kỷ niệm nhớ nhất trong suốt quá trình sáng chế máy khử khuẩn của mình, Nguyễn Sỹ Bảo cho hay, ấy là niềm vui khi các buồng khử khuẩn, các máy rửa tay do bản thân và các “chiến hữu” mày mò chế tạo ra được sử dụng phục vụ các em học sinh xã nhà thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Hình ảnh các em thí sinh an tâm thực hiện các bước sát khuẩn trước khi vào cổng trường khiến Bảo cảm thấy hạnh phúc khi được cống hiến sức mình cho cộng đồng.

Anh Nguyễn Tư Hải Phong – Bí thư Huyện đoàn Thanh Chương cho hay, từ hiệu quả của các sáng chế của Đoàn xã Thanh Dương, các tổ chức đoàn của Thanh Chương cũng sôi sục khí thế, càng hăng hái hơn trong hoạt động phòng chống dịch bệnh. Ví như Đoàn xã Thanh Mỹ cũng bắt tay vào việc chế tạo buồng khử khuẩn đặt tại cơ sở y tế, các địa điểm tập trung đông người. Đến nay, các máy rửa tay sát khuẩn tự động do đoàn viên thanh niên tự tay chế tạo vẫn được sử dụng hữu hiệu ở nhiều địa phương của huyện Thanh Chương, đặc biệt giúp nhân dân nâng cao ý thức trong thực hiện “5K” của Bộ Y tế.

Không chỉ ở Thanh Chương, nhiều cá nhân, tổ chức ở các huyện Quỳnh Lưu, Quế Phong, Tân Kỳ… cũng tích cực tham gia sáng chế các buồng khử khuẩn, máy sát khuẩn tự động như nhóm giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Đồng 2, huyện Tân Kỳ chế tạo thành công 10 chiếc máy rửa tay sát khuẩn tự động phục vụ cho giáo viên và học sinh.

Bác sỹ Võ Hoài Nam sáng chế máy rửa tay sát khuẩn tự động.
Bác sỹ Võ Hoài Nam sáng chế máy rửa tay sát khuẩn tự động.

Bác sỹ Võ Hoài Nam ở Trung tâm Y tế huyện Quế Phong chế tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động giá rẻ phục vụ nhân dân đến khám tại trạm và trao tặng cho các chốt phòng dịch của huyện. Bác sỹ Nam cho biết, nguyên lý hoạt động của máy giống hệt vòi rửa tay tự động ở các khách sạn, nhà hàng, khi đưa tay vào vòi, “mắt” cảm biến nhận, truyền tín hiệu, đóng rơ-le chạy máy bơm, đồng thời mở van điện từ cho nước khử khuẩn chảy ra. Khi đưa tay ra khỏi vị trí vòi thì bơm van điện từ cùng tắt nên rất tiết kiệm dung dịch rửa tay. Theo bộc bạch của vị bác sỹ tâm huyết này, việc chế tạo máy sát khuẩn tự động xuất phát từ mong ước được góp thêm một phần công sức của mình vào công cuộc chống lại dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện Quế Phong.

Để tiết kiệm chi phí, anh đã tận dụng những thiết bị vật tư cũ, chỉ đặt mua các thiết bị cảm ứng. Vì vậy, chi phí chế tạo một máy rửa tay khử khuẩn tự động chỉ khoảng 700 nghìn đồng. Sau khi hoàn thiện máy, bác sỹ Nam đã trao tặng 2 máy cho các chốt kiểm dịch trên địa bàn huyện, còn 1 máy được đặt tại Trung tâm Y tế huyện Quế Phong để y, bác sĩ, người bệnh và người nhà bệnh nhân có thể rửa tay khử khuẩn, phòng bệnh, đặc biệt là phòng chống Covid-19.

Thầy và trò Trường THPT Tân Kỳ sáng chế nước rửa tay sát khuẩn. Ảnh: Mỹ Hà
Thầy và trò Trường THPT Tân Kỳ sáng chế nước rửa tay sát khuẩn. Ảnh: Mỹ Hà

Không chỉ sáng chế ra các loại máy móc hỗ trợ công tác phòng chống dịch, nhiều người còn trăn trở sáng chế các loại dung dịch sát khuẩn, một trong những loại vật tư y tế không thể thiếu trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Ví như 3 đoàn viên xã Hưng Nghĩa (Hưng Nguyên), dẫn đầu là Phó Bí thư Đoàn xã Hưng Nghĩa Phan Thị Sao đã thực hiện các thí nghiệm sáng chế thành công dung dịch sát khuẩn theo công thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Với ưu thế được học tập về ngành Hoá học, các cựu sinh viên của quê hương Hưng Nghĩa đã phát huy kiến thức mình học được chế tạo dung dịch sát khuẩn tặng người dân trên địa bàn xã, góp thêm cùng cộng đồng nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Phan Thị Sao cho biết, thành phần chính của dung dịch gồm Etanol, Hydro peroxide, nước cất và tinh dầu sả, chanh. Dung dịch đã được các thạc sỹ chuyên ngành kiểm tra, đánh giá thấy có tính sát khuẩn cao, an toàn cho sức khỏe người dùng.

Không chỉ có bộ đội, bác sỹ, đoàn viên thanh niên mới có khao khát cống hiến, mà ngay cả các em học sinh cũng tham gia vào “cuộc chiến” đặc biệt này. Tháng 3/2020, khi Nghệ An bước vào cao điểm giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 lần thứ nhất, thầy giáo Hoàng Đăng Cường – giáo viên dạy Hóa học Trường THPT Tân Kỳ chủ trì việc thực hiện sản xuất dung dịch sát khuẩn theo công thức của Tổ chức y tế thế giới, sử dụng các nguyên liệu dễ mua, dễ kiếm nên giá thành thấp, giúp tiết kiệm được chi phí. Điều đáng nói, từ phong trào ở Trường THPT Tân Kỳ, dần dần việc tự chế tạo dung dịch sát khuẩn đã lan toả đến hàng chục trường học trên địa bàn tỉnh. Sự vào cuộc của các nhà trường cũng đã góp phần quan trọng giúp cho việc phòng chống dịch Covid – 19 đạt hiệu quả cao hơn ở các địa phương.

Những sáng chế ấy, tuy không phải lớn lao, nhưng đã thể hiện được nỗi trăn trở, niềm khát khao cống hiến của những người như Thiếu uý Đinh Bạt Hoà, bác sỹ Võ Hoài Nam, hay các em học sinh… Tất cả đều là những cống hiến có ý nghĩa, có sức mạnh lan toả, cổ vũ cả cộng đồng xã hội cùng chung tay, đoàn kết một lòng trong phòng chống đại dịch, như lời người quân nhân biên phòng đã viết, “dẫu biết rằng, cũng chỉ một phần đóng góp dù nhiều hay ít, dù nhỏ hay lớn, thì tất cả đều là tấm lòng sâu nặng, là sự gửi gắm niềm tin của mỗi người vào ngày mai đất nước sẽ bình yên, đẩy lùi dịch bệnh”.