Sáng chế vì cộng đồng của hai nam sinh vùng biển

(Baonghean) - Hàng ngày, thấy những ngư dân trong làng thường thiếu thốn nước ngọt trong những chuyến ra khơi, 2 học sinh THCS ở huyện Diễn Châu ấp ủ chế tạo máy chưng cất nước ngọt chỉ với những dụng cụ đơn giản.

Sản phẩm chưng cất nước mặn thành nước ngọt của Ngô Thành Đạt và Nguyễn Tiến Dũng (cùng 15 tuổi)  học sinh lớp 9 Trường THCS Diễn Hải (Diễn Châu) đã gặt hái được  rất nhiều giải thưởng, mới đây nhất là giải Nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng do Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Nghệ An, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh đoàn tổ chức. 

Cùng sống ở ngôi làng nghèo ven biển thuộc xã Diễn Hải, Đạt và Dũng thường chứng kiến cảnh người dân sống chật vật vì thiếu thốn nước ngọt, Đạt và Dũng ấp ủ sáng chế ra một loại máy có thể chưng cất nước mặn thành nước ngọt để các ngư dân sử dụng ngay trên tàu. Vận dụng những kiến thức đã học ở trường, Đạt và Dũng bắt đầu thử làm nóng nước biển, qua quá trình bay hơi theo nguyên lý bốc hơi của chất lỏng để lấy nước ngọt.

Dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Đình Hoà - Giáo viên bộ môn Vật lý, Trường THCS Diễn Hải, 2 nam sinh đã phác họa sơ đồ hoạt động của thiết bị. Khi đã hoàn thành sơ đồ, hai em được thầy Hoà hướng dẫn cách chế tạo các thiết bị theo các công đoạn. Những ngày sau đó, 3 thầy trò mày mò, thử nghiệm hàng chục lần trên bãi biển để chưng cất nước biển thành nước ngọt. “Các dụng cụ chủ yếu bọn em nhặt ở nhà, phần lớn là phế liệu. Gần 3 tháng thì bọn em làm xong máy này” - Đạt nói.

Em Ngô Thành Đạt giới thiệu mô hình máy chưng cất nước ngọt từ nước mặn.
Em Ngô Thành Đạt giới thiệu mô hình máy chưng cất nước ngọt từ nước mặn. Ảnh: Tiến Hùng

Giới thiệu về cách thức vận hành của máy, Đạt cho hay, khi đổ nước biển vào bình bảo ôn, nước sẽ chảy xuống các ống đồng đặt dưới các tấm kính, bức xạ mặt trời chiếu vào ống đồng làm nước nóng lên tạo thành một vòng đối lưu của chất lỏng trong ống. Nước nóng đi lên, còn nước lạnh đi xuống. Quá trình như vậy xảy ra liên tục… làm nhiệt độ của nước trong bình bảo ôn liên tục tăng lên. Thông qua van nhiệt tự động được cài ở 600 độ C, van tự động xả nước xuống buồng nóng của bình chưng cất. Khi ánh sáng mặt trời chiếu qua thấu kính hội tụ làm bằng nước thì trở thành chùm sáng hội tụ chiếu vào buồng nóng, cộng thêm hiện tượng bức xạ mặt trời, nên nhiệt độ nước biển trong buồng nóng tiếp tục tăng cao. 

“Qua hệ thống guồng quay làm diện tích bề mặt của nước trong buồng nóng tăng lên, nước không chỉ bay hơi ở trên mặt thoáng mà bay hơi ở phần nước bám vào màng lưới của guồng quay. Do đó, tốc độ bay hơi của nước diễn ra nhanh hơn. Lúc này, nhờ máy hút hơi nên đã hút hơi nước nóng từ buồng nóng cho đi sang buồng lạnh thông qua ống đồng, khi hơi nước nóng sang buồng lạnh gặp lạnh, ngưng tụ tạo ra nước ngọt. Khi nước nóng trong bình bảo ôn xả hết thì máy bơm 1 hoạt động và bơm nước đã được làm nóng từ bình lạnh của hệ thống chưng cất lên bình bảo ôn và tiếp tục lại diễn ra chu trình chưng cất nước” -  Đạt nói và cho hay, mỗi ngày máy có thể chưng cất được gần 10 lít nước, đủ dùng cho các thành viên trên một chuyến tàu.

Sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu dễ kiếm, giá thành rẻ, dễ chế tạo và có khả năng ứng dụng rộng rãi, thân thiện với môi trường. Cũng do hệ thống hoạt động liên hoàn, theo một chu trình khép kín nên có thể hoạt động được nhiều thời gian trong ngày. Người dân hoàn toàn chủ động nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Với mô hình hiện tại nặng chừng 20kg, cứ 10 lít nước biển sau khi chưng cất sẽ cho khoảng 6 lít nước ngọt.

Với sản phẩm này, Đạt và Dũng đã đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi Sáng tạo khoa học – kỹ thuật cấp Quốc gia năm 2016 – 2017. Trong khi đó, các cuộc thi cấp huyện và cấp tỉnh, Dũng và Đạt đều giành giải Nhất. Thầy Võ Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Diễn Hải cho biết, nhà trường rất tự hào với những sản phẩm mang tính sáng tạo của học sinh. Nhà trường cũng tạo điều kiện hết mức để đồng hành cùng giáo viên, học sinh nhằm khơi dậy tư duy sáng tạo, trong mỗi em. 

Trường THCS Diễn Hải là ngôi trường duy nhất trong cả nước 3 năm liền đạt giải trong Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật Quốc gia. Mặc dù không có điều kiện tốt để nghiên cứu, nhưng với niềm đam mê, học sinh Trường THCS Diễn Hải đã có những sáng chế độc đáo, đầy hữu ích. Những sáng kiến ấy đều xuất phát từ thực tế khó khăn của người dân vùng biển Diễn Hải. Trước sản phẩm của Đạt và Dũng, trong 2 năm học vừa qua, Trường THCS Diễn Hải cũng có hai sản phẩm là "Khai thác năng lượng mặt trời bằng động cơ đốt ngoài" của 2 em Đậu Văn Thuận, Nguyễn Ngọc Chính đạt giải Nhì và sản phẩm "Khai thác năng lượng xanh phục vụ người dân vùng biển" của 2 em Lê Minh Hoàng và Nguyễn Xuân Kỳ cũng đạt giải Khuyến khích tại Kỳ thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia.

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới