Sáng đạo lý đền ơn đáp nghĩa

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi dịp tháng Bảy hằng năm, khắp nơi trên địa bàn tỉnh lại rộn ràng không khí đền ơn đáp nghĩa, với những hoạt động thiết thực giúp người có công vơi bớt nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần.

Đầm ấm những bữa cơm chung

Nhà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bảy ở thôn 4, xã Tường Sơn (Anh Sơn) mấy hôm nay ấm áp vui tươi bội phần bởi Đoàn Thanh niên xã thường xuyên có mặt để quét dọn nấu nướng, vui vầy cùng mẹ. Mẹ Nguyễn Thị Bảy có chồng là liệt sỹ Nguyễn Công San, hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Mẹ nay tuổi cao sức yếu nhưng chỉ ở một mình. Chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã đăng ký nuôi dưỡng chăm sóc mẹ từ nhiều năm nay và việc lui tới động viên mẹ hằng tuần, hằng tháng đã như là việc làm thường xuyên, ĐVTN ở đây như con cháu trong nhà.
Không chỉ tại huyện Anh Sơn, tháng Bảy này, các cơ sở đoàn tại các huyện Con Cuông, Đô Lương, Nghĩa Đàn... cũng đã có những bữa cơm yêu thương đầm ấm với các gia đình có công neo đơn, già cả và có cuộc sống còn khó khăn. Ảnh: ĐVCC
Những bữa cơm yêu thương đầm ấm với các gia đình có công neo đơn, già cả và có cuộc sống còn khó khăn tại Nghệ An. Ảnh: CTV

Đại diện Đoàn xã Long Sơn cho biết: “Ngoài hoạt động chăm sóc diễn ra thường xuyên, năm nay chúng tôi triển khai thêm hoạt động “Bữa cơm yêu thương” để cùng những người trong gia đình thương binh, liệt sỹ được hưởng bầu không khí đầm ấm gia đình, như khắc cốt ghi tâm rằng mỗi ngày tháng Bảy chúng ta một lần nữa phải nhớ đến giá trị của hòa bình, phải nhớ đến có được hôm nay cha anh ta đã phải đổi cả máu xương; những mẹ già, người vợ mỏi mắt chờ chồng, con”.

Không chỉ xã Long Sơn mà hầu hết các cơ sở đoàn trên địa bàn huyện Anh Sơn đều triển khai những chương trình thiết thực nhân dịp tháng Bảy. Anh Thái Doãn Quỳnh - Bí thư Huyện đoàn Anh Sơn cho biết: Chương trình “Bữa cơm yêu thương” được Huyện đoàn phát động và được triển khai đồng loạt vào dịp ngày Thương binh - Liệt sỹ. Các cơ sở đoàn đã tổ chức 21 bữa cơm ấm áp tới các gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn. Khi kế hoạch được triển khai, mỗi một cán bộ, ĐVTN đều nhận thấy được vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc đóng góp sức trẻ báo đáp lại những cống hiến, hy sinh mất mát của thế hệ cha anh đã đi trước.

a

Không chỉ tại huyện Anh Sơn, tháng Bảy này, các cơ sở đoàn tại các huyện Con Cuông, Đô Lương, Nghĩa Đàn... cũng đã có những bữa cơm yêu thương đầm ấm với các gia đình có công neo đơn, già cả và có cuộc sống còn khó khăn. Trong những bữa cơm vui vẻ ấm cúng đó, cả ĐVTN và thân nhân liệt sỹ, thương bệnh binh đều cảm thấy ấm áp, sẻ chia. “Điều quan trọng là chúng ta đã mang đến cho các mẹ, các bác những ân tình, tình cảm và sự sẻ chia của bầu không khí gia đình. Điều này giúp thế hệ trẻ được khơi dậy tinh thần yêu nước, tri ân. Đối với các gia đình chính sách họ cảm thấy ấm lòng, và luôn cảm nhận thế hệ hôm nay không bao giờ quên công lao của những vị tiền bối đã vì độc lập, vì hòa bình mà không tiếc máu xương”, anh Cao Xuân Thảo - Trưởng Ban phong trào Tỉnh đoàn cho hay.

Mỗi tổ chức một chương trình tri ân ý nghĩa

Những ngày cuối tháng Bảy tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An, chúng tôi được cảm nhận bầu không khí tươi vui ấm áp lạ thường. Ngay từ sáng sớm, cán bộ Cục Hậu cần QK4 đã cùng đến đây để thăm hỏi sẻ chia bằng những hoạt động thiết thực. 62 thương binh nặng ở Trung tâm nay cũng đã ở độ tuổi xưa nay hiếm; họ được Đảng và Nhà nước chăm sóc để giúp vơi bớt nỗi đau chiến tranh. Thế nên, hơn ai hết họ hiểu được giá trị của niềm vui sum họp, niềm vui gặp gỡ giữa các thế hệ người lính trên quê hương Bác Hồ.

Chăm sóc thương binh nặng tại Trung tâm Chăm sóc thương, bệnh binh Nghệ An. Ảnh: Đức Anh
Chăm sóc thương binh nặng tại Trung tâm Chăm sóc thương, bệnh binh Nghệ An. Ảnh: Đức Anh
Đại diện tổ công tác Cục Hậu cần QK4 cho hay: “Suốt 1 năm nay, trừ những đợt dịch bệnh hoành hành, cứ ngày 27 hàng tháng là chúng tôi lại đến với các bác thương binh nặng nơi đây để giúp các bác vệ sinh phòng ở, nấu cơm, cắt tóc, tắm rửa, thực hiện các bài tập xoa bóp vật lý trị liệu. Nhiều bác cứ muốn kể chuyện thật nhiều về những năm tháng chiến tranh cam go ác liệt, về những thời khắc mong manh giữa sự sống và cái chết. Và tuyệt nhiên chúng tôi không thấy sự bi quan chán nản, dù bao nhiêu năm nay cơn đau luôn hành hạ các bác mỗi ngày...”. Dịp này, Cục Hậu cần cũng đã triển khai nhiều hoạt động như xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình người có công, thăm, tặng quà các gia đình chính sách...
Còn đối với Đảng ủy, chính quyền huyện Con Cuông, việc tri ân các thân nhân gia đình liệt sỹ, và những người có công với cách mạng khác được thực hiện đầy đủ, kịp thời, với tinh thần uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây. Việc tri ân cũng là dịp để giúp các thế hệ trẻ thêm tự hào về truyền thống cha anh mà trau dồi trong học tập và rèn luyện. Huyện Con Cuông hiện có gần 1.000 đối tượng được hưởng chế độ chính sách, trong đó có 517 liệt sỹ, 179 thương binh, 92 bệnh binh, hơn 2.000 hộ gia đình có công với cách mạng, 123 người bị nhiễm chất độc hóa học. Từ đầu năm đến nay, huyện tiếp tục giải quyết các trường hợp điều chỉnh, di chuyển, lập hồ sơ giải quyết công nhận người có công để những người thực sự có công với cách mạng được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhất là chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; cấp thẻ BHYT cho người có công, thân nhân người có công, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến...; chi trả trợ cấp mai táng phí cho các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng.
Ông Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Huyện ủy Con Cuông cho biết: “Công tác chăm sóc người có công được huyện Con Cuông xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong đảm bảo chính sách an sinh xã hội. Huyện đã thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng và có nhiều hoạt động ý nghĩa như: Vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa, sửa chữa nhà, chăm sóc thân nhân liệt sỹ già yếu neo đơn, giúp đỡ con liệt sỹ, thương binh, bệnh binh nặng, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...”.

Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 69.150 đối tượng người có công với cách mạng được hỗ trợ thường xuyên với với tổng kinh phí 133 tỷ đồng/tháng. Trong đó, có 30.576 thương binh; 9.636 bệnh binh; 73 mẹ VNAH; 14.321 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Năm 2020, Sở LĐ-TB&XH đã tiếp nhận, tham mưu giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho 9.956 trường hợp thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh. Các hoạt động tu sửa, xây nhà tình nghĩa cho người có công còn khó khăn được các tổ chức xã hội thực hiện thường xuyên.

Trong tháng Bảy này các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt tổ chức các hoạt động tri ân. Những hoạt động này đã tạo phong trào rộng khắp, sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Ngày 15/7, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 1760/LĐ-TB&XH về việc hướng dẫn tặng quà của Chủ tịch nước cho các đối tượng là người có công. Theo đó, ngoài các suất quà của Chủ tịch nước thì mỗi đơn vị, địa phương đều có những món quà hỗ trợ về tinh thần vật chất.

Đoàn Thanh niên Môn Sơn - Con Cuông tổ chức bữa cơm yêu thương động viên hộ gia đình thương binh Lương Văn Thủy - thương binh tại bản Làng Cằng. Ảnh: Bá Hậu
Đoàn Thanh niên Môn Sơn - Con Cuông tổ chức bữa cơm yêu thương động viên hộ gia đình thương binh Lương Văn Thủy - thương binh tại bản Làng Cằng. Ảnh: Bá Hậu

Bà Hồ Thị Châu Loan - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Dù điều kiện dịch bệnh, chúng ta không thể tổ chức các hoạt động tri ân tập trung đông người, nhưng vẫn tổ chức các đoàn thăm hỏi tới những gia đình có công với cách mạng già yếu, thương binh nặng. Dù chỉ là những món quà nhỏ nhưng qua đó sức mạnh tinh thần, nghĩa tri ân luôn được thắp sáng”. 

Tin mới