Sáng mãi cơ đồ

Lúc treo lá cờ Tổ quốc lên trước cổng nhà nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng Hai tháng Chín, tôi nghe đứa con trai năm nay 7 tuổi trao đổi với người chị họ hơn nó 3 tuổi:

– Chị có biết Quân đội nước ta khi thành lập có bao nhiêu người không?  – Chỉ có 34 người thôi – thằng bé trả lời trong khi cô chị ậm ừ.

– Vậy chị có biết trận đánh đầu tiên “bộ đội quân ta” bị thương như thế nào không?

… Chắc chị không biết! Quân ta chỉ có một người bị gãy ngón tay út còn quân địch bị tiêu diệt hai đồn bốt. Là đồn Phai Khắt với Nà Ngần đấy! Bộ đội ta giỏi không!

– Là ai nói cho em biết vậy? – Cô chị hỏi

– Là ông nội với ba chứ ai!

Tôi thấy lòng mình như có lửa ấm khi nghe những đứa trẻ đối đáp và cũng thấy thật tự hào khi mình được sinh ra, lớn lên trên xứ sở này, quê hương này, đất nước này.

Buổi lễ thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân. Ảnh: Tư liệu
Buổi lễ thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân. Ảnh: Tư liệu

Có lẽ muôn triệu trái tim đất Việt đều rất đỗi tự hào về lịch sử đất nước mình. Tự hào vì sự kiện ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được thành lập theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ chí Minh. Ban đầu tên gọi của lực lượng này là Đội Việt Nam giải phóng quân, nhưng tại thời điểm thành lập, thế và lực của ta chưa đủ mạnh nên theo chỉ thị của Bác Hồ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự, là đội tuyên truyền…, đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc…”.

Chỉ 3 ngày sau khi ra đời, ngày 25/12, toàn Đội dùng mưu tập kích chiếm trọn đồn Phai Khắt. Tiếp đó, ngày 26/12, Đội tập kích và diệt gọn đồn Nà Ngần của địch. Kết quả ta đã diệt 5 tên địch, bắt sống 34 tên khác, thu 34 súng cùng đạn dược và một số đồ quân dụng. Chiến thắng đầu tuy quy mô còn khiêm tốn nhưng có ý nghĩa lớn lao cả về quân sự và chính trị, tạo niềm tin mãnh liệt trong Đảng và quần chúng nhân dân về một đội quân sinh ra từ Nhân dân, nhờ Nhân dân mà trưởng thành, vì Nhân dân mà đấu tranh, hy sinh.

Quang cảnh ngày lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu
Quang cảnh ngày lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu

Chưa đầy một năm sau, từ đội quân khiêm tốn ban đầu, lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam đã cùng với quần chúng nhân dân trên khắp cả nước ào ào như thác lũ làm nên một Cách mạng Tháng Tám năm 1945 rung chuyển địa cầu. Để rồi sáng mồng Hai tháng Chín, trên “Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình/Muôn triệu tim chờ, chim cũng nín”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Người tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Cũng kể từ mùa Thu ấy, kỷ nguyên mới của dân tộc đã được mở ra – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Và xin dẫn lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ khai mạc Đại hội khóa XIII của Đảng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.