Sáng nay 27/10, Quốc hội thảo luận về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Nghệ An

(Baonghean.vn) - Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng với 6 cơ chế, chính sách; tỉnh Thừa Thiên Huế 6 cơ chế, chính sách; tỉnh Nghệ An 6 cơ chế, chính sách và tỉnh Thanh Hóa 8 cơ chế, chính sách.

Trong chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 27/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về các dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

Phiên thảo luận chiều 26/10 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Phiên thảo luận chiều 26/10 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 26, Thông báo số 55 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết số 54 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghị quyết số 58 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Cụ thể, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng với 6 cơ chế, chính sách; tỉnh Thừa Thiên Huế 6 cơ chế, chính sách, tỉnh Nghệ An 6 cơ chế, chính sách và tỉnh Thanh Hóa 8 cơ chế, chính sách.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Dự thảo các Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng dựa trên 5 quan điểm. Trước hết là phù hợp với đường lối, phương hướng, nhiệm vụ phát triển của các địa phương đã được nêu tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và đảm bảo tính khả thi; đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với các quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể trong các quy định pháp luật hiện hành; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố trong cả nước có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị.
Cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền; gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo; phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền của địa phương; đồng thời đảm bảo nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của các địa phương.

Trong chương trình sáng nay, sau khi nghe các đại biểu thảo luận trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tin mới