Sáng tạo không gian diễn xướng mới cho ví, giặm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Từ xưa  hầu như khắp mọi miền quê xứ Nghệ, không phân biệt đẳng cấp tôn giáo, trai gái trẻ già, trí giả hay bình dân, ai cũng có thể hát được dân ca xứ Nghệ và có thể ứng tác ngẫu hứng...
Một tiết mục giao duyên trong không gian diễn xướng mới được tổ chức ở Quảng trường Hồ Chí Minh. Ảnh: tư liệu

Một tiết mục giao duyên trong không gian diễn xướng mới được tổ chức ở Quảng trường Hồ Chí Minh. Ảnh: tư liệu

Dân ca ví, giặm gắn liền với không gian lao động nên từ xưa, không gian diễn xướng thường là ở những làng nghề thủ công, nơi người lao động trong lúc làm việc có thể ứng tác để vơi bớt mệt nhọc; cũng là nơi những văn nhân nho sĩ cũng có thể lui tới để chơi trò “thầy gà”. Chính vì vậy, ví, giặm vốn không chỉ phổ cập trong tầng lớp bình dân mà còn phổ cập trong tầng lớp trí thức.

Màn đối đáp trong không gian diễn xướng mô phỏng làng nghề xưa. Ảnh tư liệu của Minh Quân

Màn đối đáp trong không gian diễn xướng mô phỏng làng nghề xưa. Ảnh tư liệu của Minh Quân

“Ngày trước, hát ví, giặm có khi một làn điệu người ta chơi từ chập choạng tối đến nửa canh một mới ra về”, nhạc sĩ Thanh Lưu - nguyên Trưởng đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh cho biết. Đặc biệt, trong các cuộc hát “thầy gà” thường ra vế đối thanh mà tục, tục mà thanh để chọc ghẹo gây cười, có khi ngẫm mãi mới thấy cái cười thật sâu cay, ý vị. Thế nên cái hay, cái vui và cái hấp dẫn nó nằm ở đó, và chỉ có ví, giặm mới chuyên chở được hết cái sâu cay, dí dỏm của việc đối đáp.

Cũng theo nhạc sĩ Thanh Lưu: “Thông qua những câu dân ca như ví, giặm được đối đáp, ứng tác, người ta bộc lộ những nỗi niềm sâu kín, những uẩn khúc cuộc đời; hoặc thuật lại những chuyện thường nhật trong xã hội, trong làng, xã. Vì thế, dân ca ví, giặm phần nào thể hiện sứ mệnh chuyên chở đời sống xã hội. Cuộc sống quanh ta vui vẻ, an yên thì ta hát những lời ca hân hoan, ngược lại thì ta có những lời kém vui, thậm chí oán trách”...

Khung cảnh trên bến dưới thuyền thường được tái hiện để mô phỏng các không gian diễn xướng xưa. Ảnh tư liệu

Khung cảnh trên bến dưới thuyền thường được tái hiện để mô phỏng các không gian diễn xướng xưa. Ảnh tư liệu

Thế nhưng, với thế sự hiện nay làng quê xứ Nghệ mất dần những làng nghề. Ví, giặm không còn chỗ để trưng trổ những tinh tế. Người mê ví, giặm không còn chỗ chơi. Nhưng điều quan trọng hơn, trong thời đại 4.0, với nhiều cách thức và phương tiện giải trí thì ví, giặm ít nhiều không còn được nhiều thế hệ chọn làm trò vui như ngày xưa. Nên, không gian cho ví, giặm vốn đã ít, nay lại càng trở nên hiếm hoi. “Vì thế, chúng ta ngày càng phải trăn trở để tìm cách sáng tạo ra những không gian diễn xướng phù hợp với thời đại” - NSND Hồng Lựu cho biết.

Việc sáng tạo không gian diễn xướng mới cũng chính là cách bổ sung thêm vào kho tàng dân ca xứ Nghệ những trò lời mới. “Cũng cần phải nói rằng bấy lâu chúng ta đang ăn sẵn vốn cổ của cha ông. Có chăng chúng ta chỉ mới viết được lời mới dựa trên những làn điệu cổ chứ chưa có được những không gian diễn xướng mới mẻ, từ đó có những sáng tạo mới cho dân ca ví, giặm”, NSND Hồng Lựu nói.

Cũng theo Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu: “Thời gian gần đây, qua tìm hiểu thực tiễn nhiều vùng di sản trên cả nước cũng như thế giới họ đều xây dựng được những sân khấu thực cảnh để di sản có đất diễn, đất sống và được sống khỏe. Từ đó việc nhân lên những vốn cổ quý hay những sáng tạo mới được phát huy và lan tỏa mạnh mẽ. Bởi đặc tính của ví, giặm không hề có bài hát độc lập, nó là sự đối đáp và ứng tác để đối đáp. Nếu không có không gian ứng tác thơ văn thì chúng ta mãi mãi ăn sẵn của cha ông, không thể bổ sung vào trò lời, những tinh túy của thời đại. Hơn nữa nếu chúng ta nghiên cứu dân ca sâu thì biết, bản thân nó là một cuốn biên niên sử, là biểu hiện của tính dân tộc và thời đại. Nếu không tiếp tục sáng tạo thì sứ mệnh viết tiếp của chúng ta chưa hoàn thành”.

Đối đáp tại không gian diễn xướng mới. Ảnh: Minh Quân

Đối đáp tại không gian diễn xướng mới. Ảnh: Minh Quân

Nhưng để có được không gian diễn xướng phù hợp dài hơi, ổn định và thu hút, đó không phải là điều dễ làm, và làm được ngay. Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An sau nhiều lần nghiên cứu, lấy ý kiến của giới chuyên gia và những nhà văn hóa, đã tổ chức được trên dưới 10 buổi “thầy gà” ở Quảng trường Hồ Chí Minh với thực cảnh là không gian làng nghề xưa. Đáng mừng là bước đầu đã có được những thành công trong việc thu hút các nhân sĩ tham gia, có người không tới được thì ra vế đối để bà con đối theo. Ví như Nhà giáo Ưu tú Vương Long (Nam Đàn), nhà thơ Tùng Bách ở TP. Vinh, nhà văn Cao Xuân Thưởng ở Diễn Châu, nhà thơ Vân Anh ở TP. Vinh. Đặc biệt nhà thơ Thạch Quỳ, lúc sinh thời, khi đang ở giai đoạn điều trị bệnh nặng, ông cũng ra vế đối và ứng tác các vế đối với bà con ngay tại không gian diễn xướng mới này.

Trong một buổi chơi, vế đối ra rằng: “Quảng trường điện sáng giăng giăng/ Ra đi mẹ dặn mần răng em mồ”. Đối lại: “Đến nay dưới tượng Bác Hồ/ Không yêu xin chớ giả vờ rằng yêu”. Hay: “Anh like thấy em trên face/ Mà dừ chộ chắc em ngoảnh mặt em làm ngơ/ Điện thoại ơi điện thoại hỡi điện thoại hời/ Anh quăng lắc vô bụi, anh nỏ muốn rờ đến nơi”... Không khí của những câu đối cứ thế rôm rả khi người này xin đối, người kia xin đối, có người đối chưa chuẩn hôm sau lại muốn đối lại cho chỉnh hơn.

Lãnh đạo và nhân dân cùng tham gia ứng tác trong không gian diễn xướng tại Quảng trường Hồ Chí Minh được tổ chức đầu tháng 12/2022. Ảnh: Minh Quân

Lãnh đạo và nhân dân cùng tham gia ứng tác trong không gian diễn xướng tại Quảng trường Hồ Chí Minh được tổ chức đầu tháng 12/2022. Ảnh: Minh Quân

Cũng cần phải nói thêm, từ những năm 2007, không gian diễn xướng được Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh lúc đó là Trung tâm Bảo tồn dân ca ví, giặm đã tìm cách phục dựng ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Điển hình là ví phường vải, ví phường nón, ví đò đưa ở rất nhiều làng quê nơi có các làng nghề quay tơ dệt vải, làm nón. Vì thế, hơn bao giờ hết ví, giặm cần được lan tỏa thật mạnh mẽ bằng cách đưa nó về cho nhân dân, cho đời sống. “Muốn làm được như vậy, mỗi làng, xã cần ý thức nơi mình ở là một không gian văn hóa ví giặm, mỗi người dân phải là một diễn viên. Chúng ta cần đầu tư một cách có trách nhiệm, sâu và rộng, để ví, giặm được trả về đúng với ý nghĩa và sứ mệnh của nó”, bà Quách Thị Cường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An nêu ý kiến./.

Tin mới