Những bất cập, vướng mắc khi sáp nhập xóm, xã

Là địa phương rẻo cao biên giới của tỉnh Nghệ An, huyện Kỳ Sơn có diện tích rộng trên 2.000 km2, với 78.000 dân phân bổ trên 21 xã, thị trấn. Trong số 193 khối, bản của huyện, theo quy định có 36 khối, bản phải tiến hành sáp nhập. Tuy vậy, mới chỉ có 9 bản đảm bảo các điều kiện để tiến hành sáp nhập vào bản liền kề, còn lại 27 bản không đảm bảo các điều kiện để sáp nhập vào các bản liền kề, do đặc điểm địa hình, khoảng cách địa lý, dân tộc, phong tục, tập quán khác nhau và đặc biệt là giao thông đi lại khó khăn.

Theo Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Kỳ Sơn Lầu Bá Thái cho biết: Trong 36 bản phải sáp nhập, có 27 bản do khoảng cách địa lý quá xa, 2 bản cách nhau từ 4 – 15 km nên không thể sáp nhập được, có 9 bản còn lại có khoảng cách tương đối gần nhau, dự kiến sẽ sáp nhập 8 bản thành 4 bản và 1 bản lẻ còn lại sẽ nhập với bản đủ tiêu chí. Đến nay chỉ mới có cặp bản của xã Nậm Càn là bản Sơn Thành quy mô 19 hộ/103 khẩu sáp nhập với bản Huồi Nhao gồm 42 hộ/210 khẩu được người dân đồng tình, HĐND xã thông qua. Còn 6 cặp bản còn lại mặc dù huyện triển khai từ tháng 5/2019, các ban, ngành cấp huyện cùng các xã đến tuyên truyền, vận động người dân nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng tình của nhân dân.

Bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn ( Kỳ Sơn).
Bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn ( Kỳ Sơn).

Lý giải nguyên nhân, ông Lầu Bá Thái cho biết, các bản này trước đây vốn dĩ là 1 bản nhưng do mâu thuẫn về dòng họ nên tách ra làm 2 bản và khác biệt nhau về phong tục, tập quán nên nay sáp nhập thành một bản là rất khó khăn, do tư tưởng dòng họ ăn sâu vào tiềm thức, hơn nữa trình độ dân trí còn hạn chế nên rất khó hoà nhập giữa các dòng họ. Bên cạnh đó, địa hình đồi núi cao, nếu sáp nhập lại việc quản lý, sinh hoạt cộng đồng của bản gặp rất nhiều khó khăn, nên khi triển khai lấy ý kiến của người dân không đồng tình sáp nhập.

Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hoè khẳng định: Quan điểm chỉ đạo của huyện là tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, trong đó vận động trưởng dòng họ, người có uy tín để lan tỏa, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời, huyện kiến nghị với tỉnh đối với  những bản có vị trí địa lý khoảng cách quá xa có thể xem xét yếu tố đặc thù không phải sáp nhập.

Khó khăn của huyện Kỳ Sơn cũng là khó khăn chung của địa phương miền núi cao, gặp nhiều trở ngại trong đó địa hình chia cắt, đi lại khó khăn, dân cư phân bố rải rác. Bí thư Chi bộ bản Na Bè, xã Xá Lượng (huyện Tương Dương) Lô Văn Nghệ cho biết: Bản Na Bè (dân tộc Khơ mú) dự kiến sẽ sáp nhập với bản Hợp Thành (dân tộc Mông), chủ trương sáp nhập bản đã được tuyên truyền đến từng hộ dân, đa phần nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, khó khăn nhất là sau khi sáp nhập là một bản có hai dân tộc, văn hoá, phong tục khác nhau rất khó tạo sự đồng thuận, như trong bầu chọn cán bộ bản cũng như thực hiện một số chủ trương, chính sách.

Cán bộ xã Xá Lượng, Tương Dương rà soát phương án nhập các thôn, bản.
Cán bộ xã Xá Lượng, Tương Dương rà soát phương án nhập các thôn, bản.

Bên cạnh những khó khăn khách quan nêu trên, theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Quốc Chung thì: “Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa tích cực, chủ động trong quá trình triển khai thực hiện sáp nhập. Một số cán bộ xóm do tâm lý dao động, chuẩn bị sáp nhập không mặn mà với công việc, không tích cực trong tuyên truyền, vận động nhân dân, thậm chí còn có tư tưởng vận động trái chiều, không muốn sáp nhập thôn, xóm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai”.

Cũng chính vì những khó khăn, vướng mắc trên mà trong đợt 1 này, toàn tỉnh vẫn còn 7/21 huyện, thành, thị chưa hoàn thành các thủ tục để trình HĐND tỉnh xem xét tại kỳ họp lần này (diễn ra từ 10 – 12/7/2019).

7 đơn vị cấp huyện chưa trình HĐND tỉnh xem xét việc sáp nhập xóm trong đợt 1 đó là các huyện: Nghi Lộc, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Tương Dương, thành phố Vinh và thị xã Hoàng Mai.

Bản Lau xã Thạch Giám (Tương Dương).
Bản Lau xã Thạch Giám (Tương Dương).

Nghi Kiều là xã miền núi của huyện Nghi Lộc, diện tích 33 km2, với 33% dân số là giáo dân, theo quy định, xã sẽ sáp nhập từ 27 xóm xuống còn 13 xóm, một số xóm sau sáp nhập có sự xen lẫn giữa lương – giáo. Chủ tịch UBND xã Nghi Kiều Hoàng Đình Phương nhận định: “Các xóm có phong tục, tập quán khác nhau, địa hình miền núi diện tích lớn (có xóm trên 300 ha), nên sau khi sáp nhập rất khó khăn cho công tác quản lý. Lo ngại nhất của địa phương là sau khi sáp nhập không tìm ra cán bộ xóm, bởi dân số đông, địa hình rộng, nhất là những xóm sau sáp nhập có lương – giáo, phong tục, tập quán khác nhau. Trong khi theo quy định mới, mỗi đơn vị xóm chỉ được 3 chức danh có phụ cấp là bí thư chi bộ, xóm trưởng và trưởng ban công tác Mặt trận với mức phụ cấp là 4,5 triệu đồng/xóm, chia bình quân chỉ có 1,5 triệu đồng/người/tháng. Với mức phụ cấp này rất khó tìm người làm cán bộ xóm; đó là chưa tính đến do tính cục bộ khi bầu các chức danh này”.

Một vấn đề nữa đặt ra là việc sử dụng cơ sở vật chất sau khi sáp nhập, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân các xóm đều đã đóng góp xây dựng nhà văn hóa, nhưng những nhà văn hóa này chỉ phù hợp với quy mô xóm cũ, tổ chức xây mới nhà văn hóa khi sáp nhập các xóm là rất khó vì phải có diện tích phù hợp, trong khi hầu hết các xóm đã quy hoạch chia đất hết cho dân và người dân. Hơn nữa dân vừa mới đóng góp xong rất khó huy động đóng góp lần nữa.

Xóm mới sáp nhập số dân gấp 2- 3 lần, mỗi khi xóm có họp xóm thì không đủ chỗ ngồi, còn sinh hoạt theo cụm dân cư khó tạo sự đồng thuận thống nhất. Do đó, việc lựa chọn nhà văn hóa nào làm điểm trung tâm của xóm cũng là vấn đề rất khó. Rồi việc bổ sung điều chỉnh hương ước, quy ước các xóm sau sáp nhập cũng hết sức cần thiết vì trước đó các xóm cũ đều có quy ước, hương ước riêng, sau sáp nhập cần phải có quy ước, hương ước mới cho phù hợp.

Cấp xóm là vậy, hiện nay các địa phương thuộc diện sáp nhập cấp xã cũng đang rất lúng túng. Trên khảo sát tình hình thực tế, huyện Nghi Lộc đề ra phương án sáp nhập 2 xã Nghi Hợp và Nghi Khánh. Theo Chủ tịch HĐND huyện, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nghi Lộc Nguyễn Bá Châu chia sẻ: “Khi tiến hành sáp nhập xã sẽ nảy sinh một số khó khăn, trước hết là tư tưởng dao động của cán bộ, đảng viên và nhân dân vì mỗi địa phương có phong tục cũng như điều kiện phát triển kinh tế khác nhau. Khó nhất là giải quyết bài toán cán bộ dôi dư. Bởi nếu sáp nhập lại thành một xã sẽ có 42 cán bộ, công chức, trong khi đó theo quy định mỗi xã có từ 21 – 23 cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, 2 xã này đều đạt chuẩn nông thôn mới nên các trụ sở đều đã được đầu tư xây dựng khang trang, mặt khác trong quá trình xây dựng nông thôn mới các địa phương vẫn còn nợ một số công trình”.

Cán bộ xã Nghi Hoa (Nghi Lộc) trao đổi với người dân; Cán bộ xã Diễn Lộc (Diễn Châu) giải quyết TTHC cho người dân; Cán bộ xã Khánh Sơn (Nam Đàn) tham quan mô hình kinh tế vườn đồi của người dân.
Cán bộ xã Nghi Hoa (Nghi Lộc) trao đổi với người dân; Cán bộ xã Diễn Lộc (Diễn Châu) giải quyết TTHC cho người dân; Cán bộ xã Khánh Sơn (Nam Đàn) tham quan mô hình kinh tế vườn đồi của người dân.

Đó cũng là thực trạng chung của các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh thuộc diện phải sáp nhập trong giai đoạn 2019 – 2021. Như ở huyện Hưng Nguyên – địa phương có số xã phải sáp nhập nhiều nhất tỉnh với 7 xã: Hưng Thắng, Hưng Tiến, Hưng Xá, Hưng Nhân, Hưng Phú, Hưng Khánh, Hưng Lam có 2 tiêu chí dân số và diện tích dưới 50%. “Theo kế hoạch của huyện, xã Hưng Nhân sẽ sáp nhập với xã Hưng Châu. Hiện xã có 21 cán bộ, công chức, khi nghe thông tin sáp nhập xã, tư tưởng cán bộ phân tâm không biết sáp nhập ai đi ai ở. Mới đây, xã cử một số cán bộ trẻ trong diện quy hoạch, có trình độ, năng lực đi đào tạo nâng cao trình độ nhưng do tâm lý dao động không mặn mà tham gia” – Bí thư Đảng ủy xã Hưng Nhân Trần Công Hoan cho biết.

Theo Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên Hoàng Văn Phi, việc sáp nhập xóm ở huyện Hưng Nguyên cơ bản đã ổn, nhưng việc sáp nhập xã là cả một vấn đề lớn, nếu không cẩn thận sẽ không thực hiện được. Ví như, ở Hưng Nguyên để đảm bảo tiêu chí theo quy định thì có nơi phải 4 xã nhập làm 1. Bây giờ các xã đã về đích nông thôn mới, cơ sở vật chất thiết chế văn hóa như: Đài tưởng niệm liệt sỹ, trạm xá, trường học, trụ sở… mỗi xã đều đã rất khang trang, đầu tư rất nhiều chi phí, giờ sáp nhập sẽ xử lý như thế nào? Rồi cán bộ xã sau khi sáp nhập sẽ ra sao, 2 xã nhập 1 mình còn xử lý được chứ 4 xã nhập 1 thì số dôi dư rất nhiều, anh em lại đều có nguyện vọng được làm việc, được cống hiến. Trong khi đó, hiện nay, Trung ương cũng chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết cụ thể về việc bố trí sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính.

Cán bộ khối 8, thị trấn Hưng Nguyên trao đổi với lãnh đạo thị trấn về công tác làm đường giao thông.
Cán bộ khối 8, thị trấn Hưng Nguyên trao đổi với lãnh đạo thị trấn về công tác làm đường giao thông.

Ngay tại diễn đàn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua, đại biểu của đoàn Nghệ An Hoàng Thị Thu Trang (Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn) đã phát biểu: “Uống trà xanh người ta cũng nói, đi làm đồng người ta cũng nói. Xuống địa phương, bao giờ số cán bộ thuộc diện xã, xóm sáp nhập cũng hỏi chế độ, chính sách với cán bộ dôi dư thế nào. Về mặt nguyên tắc, chúng tôi không có cơ sở nào để nói với cán bộ là chế độ, chính sách là thế này hay thế kia. Đây là một trong những trăn trở, băn khoăn nhiều nhất, và cản trở lớn ở những xóm, xã hiện chưa đạt kết quả về sáp nhập”.

(Còn nữa)