Sắp xếp các đơn vị hành chính: Cả nước giảm 560 xã và 6 huyện

(Baonghean.vn) - Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, đến thời điểm này đã có 42/45 tỉnh, thành gửi hồ sơ đề án chi tiết việc sắp xếp đơn vị hành chính đến Bộ Nội vụ.
Theo Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cả nước có 19 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp. Tuy nhiên, các tỉnh, thành đề nghị chỉ sắp xếp 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 10 huyện còn lại chưa sắp xếp đợt này (4 huyện đặc thù như Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cồn Cổ, Tân Phú Đông có vị trí địa lý đặc thù nên không thể sắp xếp được với huyện liền kề). Mặt khác, tỉnh Quảng Ninh đề nghị sắp xếp huyện thuộc diện khuyến khích là Hoàng Bồ với TP Hạ Long.
Thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết, qua sắp xếp cả nước đã giảm được 6 huyện, trong đó tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện, Quảng Ngãi giảm 1 huyện, Hòa Bình giảm 1 huyện, Quảng Ninh giảm 1 huyện. Các tỉnh Yên Bái, Điện Biên cũng điều chỉnh đơn vị hành chính cấp huyện nhưng không giảm được số huyện.
Huyện Nghi Lộc(Nghệ An) sẽ tiến hành sáp nhập xã Nghi Hợp và xã Nghi Khánh. Ảnh minh họa: Sách Nguyễn
Huyện Nghi Lộc (Nghệ An) sẽ tiến hành sáp nhập xã Nghi Hợp và xã Nghi Khánh, xã mới sẽ có tên là Khánh Hợp. Ảnh minh họa: Sách Nguyễn
Về cấp xã, cả nước có 1.054 đơn vị hành chính cấp xã đã sắp xếp, trong đó có 546 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 111 đơn vị thuộc diện khuyến khích và 397 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp. Sau sắp xếp, Bộ Nội vụ dự kiến sẽ giảm 560 xã, trong đó Hòa Bình giảm 59 xã, Cao Bằng giảm 38 xã, Phú Thọ giảm 52 xã, Hà Tĩnh giảm 46 xã, Thanh Hóa giảm 76 xã…
Theo dự kiến, sau khi hoàn thành việc sắp xếp, Nghệ An còn lại 460 xã, giảm 20 xã; toàn tỉnh 5.884 xóm, thôn, khối, trong đó có 3.708 đơn vị thuộc diện sáp nhập, sau khi sáp nhập sẽ giảm 1.991 đơn vị, còn lại 3.983 xóm, thôn, khối bản.
Bộ Nội vụ đánh giá các địa phương đã tập trung vào việc sáp nhập nguyên trạng đơn vị hành chính cấp huyện, xã để vừa đạt mục tiêu làm giảm số lượng đơn vị hành chính, vừa tăng quy mô diện tích tự nhiên và dân số đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp. Bộ Nội vụ cho biết, việc sắp xếp, giải quyết cán bộ công chức dôi dư được cụ thể hóa trong từng đề án của mỗi địa phương. Từ tinh giản biên chế, cho thôi việc, chờ nghỉ hưu, đến bố trí sang địa bàn khác, tất cả các phương án đều được thảo luận, trao đổi kỹ trước khi trình lên Chính phủ để trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các địa phương cần căn cứ vào đề án đã được phê duyệt để giải quyết, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp.

Tin mới