Sạt lở núi 'uy hiếp' nhiều điểm trường ở vùng cao Nghệ An

(Baonghean.vn) -Dù mùa mưa chỉ mới bắt đầu, nhưng nhiều điểm trường ở các huyện vùng cao Nghệ An đang bị sạt lở uy hiếp. Có điểm thậm chí không dám tiếp tục tổ chức việc dạy, phải chuyển qua học ở bản khác cách xa hàng km.

Tai họa từ đỉnh núi

Hơn một tuần nay, các giáo viên cũng như phụ huynh ở bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp (Tương Dương), vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ lở núi. Những tảng đá lớn lăn từ trên đỉnh núi suýt đè nát cả điểm trường mầm non của bản, đến nay vẫn chưa được dọn dẹp, nằm ngổn ngang bên đường.

Xã Tam Hợp có 5 điểm trường mầm non, trong đó điểm trường ở bản Xốp Nặm là điểm chính, vừa là nơi cho các em trong bản học còn là nơi giáo viên thường tập trung làm việc. Điểm trường nằm lọt thỏm dưới chân núi Khe Tương cao sừng sững, với độ dốc khá lớn. Tối 8/9, sau trận mưa lớn, hàng loạt tảng đá lớn nhỏ lăn từ trên đỉnh núi xuống, làm sập luôn bờ rào của điểm trường.

Gạch đá ngổn ngang ở điểm chính của Trường mầm non Tam Hợp. Ảnh: TH
Gạch đá ngổn ngang ở điểm chính của Trường mầm non Tam Hợp. Ảnh: TH

“Lúc đó cũng may buổi tối, không có ai ở đó. Và cũng may là tảng đá này lăn trúng vào bờ rào, chỉ lệch hơn một mét thôi có lẽ có tòa nhà đã sập luôn rồi”, một giáo viên của điểm trường sinh sống cạnh đó kể.

Theo người dân trong bản, đây không phải lần đầu họ chứng kiến cảnh tượng này. Tại ngọn núi này đã nhiều lần xảy ra những lần sạt lở đất, đá khiến tài sản người dân, điểm trường học bị hư hại, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của các hộ dân nơi đây. Cứ đến mùa mưa, họ lại phải sống trong bất an, lo sợ đất, đá từ trên núi rơi xuống vùi lấp.

Tảng đá lăn xuống suýt xé nát cả phòng học. Ảnh: TH
Tảng đá lăn xuống suýt xé nát cả phòng học. Ảnh: TH

Theo lãnh đạo xã Tam Hợp, bản Xốp Nặm có 19 hộ với 80 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, so với mặt bằng chung thì vẫn còn nhiều khó khăn. "Địa hình nơi ở của các hộ dân là rất dốc, đồi đá trên cao rất phức tạp. Cứ hễ mùa mưa, lũ đến là người dân nơi đây sống trong bất an, thấp thỏm, lo sợ. Như tình trạng sạt lở đất đá vào điểm trường mầm non của bản vừa rồi là "hồi chuông" cảnh báo. Hiểm nguy luôn rình rập các hộ dân sinh sống dưới chân núi Khe Tương. Chúng tôi rất sợ xảy ra thảm cảnh đất đá từ núi đổ sập", ông Lê Hồng Thái - Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp nói.

Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhân dân luôn đề xuất ý kiến được di dời khỏi khu vực này, tuy nhiên, kinh phí là vấn đề khó khăn của địa phương, cần sự hỗ trợ từ cấp trên. Để phòng tránh nguy cơ có thể xảy ra đối với giáo viên, học sinh, năm học 2021-2022, xã Tam Hợp đã chủ động cùng với nhà trường di chuyển các em điểm trường Mầm non Xốp Nặm lên bản Văng Môn, cách đó 3,5km để học.

Phụ huynh làm kè tạm bằng tre ngăn sạt lở ở điểm trường tiểu học Lưu Phong, xã Lưu Kiền. Ảnh: TH
Phụ huynh làm kè tạm bằng tre ngăn sạt lở ở điểm trường Tiểu học Lưu Phong, xã Lưu Kiền. Ảnh: TH

Theo cô Nguyễn Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Tam Hợp, điểm trường Xốp Nặm có 26 cháu, về mùa mưa bão, nỗi lo đất, đá từ trên núi sạt xuống luôn thường trực khiến giáo viên, phụ huynh rất bất an. Đã nhiều năm qua, cứ hễ trời mưa lớn, để đề phòng sạt lở, đã nhiều lần bà con trong bản phải ôm đồ, bế con chạy cả đêm.

Điểm trường có tuổi thọ… 1 tháng

Điểm Trường Mầm non bản Cánh (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn), nằm lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc. Bị bao vây bởi những chuồng lợn của người dân trong bản, cô và trò ở đây thường xuyên bị hành hạ bởi mùi hôi thối. Chật chội, ẩm thấp, lại nằm giữa đường, người dân thường đi thả bò qua lại nên rất bất cập.

Vài năm trước, sau nhiều lần đề nghị, chính quyền đã quyết định xây trường mới, ở một địa điểm khác. Dự án với tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng. “Khi nhận được thông tin, cả giáo viên lẫn phụ huynh trong bản ai cũng mừng vì không phải học ở cái điểm chật chội này nữa”, một giáo viên kể.

Điểm trường mầm non Bản Cánh, xã Tà Cạ được đưa vào dạy học một tháng phải bỏ vì sạt lở. Ảnh: Tiến Hùng
Điểm trường Mầm non Bản Cánh, xã Tà Cạ được đưa vào dạy học một tháng phải bỏ vì sạt lở. Ảnh: Tiến Hùng

Ngày khai giảng năm học trước, cũng là ngày đầu tiên các em được học ở điểm trường mới. Các giáo viên chung tay suốt nhiều ngày để sửa sang, thêm nhiều chi tiết để phù hợp với một điểm trường mầm non. Tuy nhiên, hơn một tháng sau ngày khai trường, các em đành phải quay lại chỗ cũ để tiếp tục học.

Hiện nay, chính quyền đã xây thêm một điểm trường mới, nằm trên núi cao. Ảnh: TH
Hiện nay, chính quyền đã xây thêm một điểm trường mới, nằm trên núi cao. Ảnh: TH

“Chỉ học ở đó được một tháng thì bắt đầu bị sạt lở, đất đá từ trên đỉnh núi tràn xuống. Các phụ huynh trong bản cũng lo lắng nên không ai đồng ý cho con mình học đó nữa, đành phải chuyển về chỗ cũ. Rất tiếc công sức giáo viên sửa sang, làm thêm nhiều hạng mục vui chơi cho các em”, cô Đào Thị Kim Oanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tà Cạ nói và cho hay, hiện nay chính quyền đã xây một điểm trường khác cho các em mầm non ở bản Cánh, nhưng chưa xong. Tuy nhiên, do thiếu mặt bằng, điểm trường mới cũng xây ngay trên triền núi. Vì thế, không ai dám chắc tuổi thọ của điểm trường sẽ được bao lâu nếu lại bị sạt lở. 

Đất đá trụt xuống uy hiếp điểm trường tiểu học Lưu Phong, xã Lưu Kiền. Ảnh: TH
Đất đá trụt xuống uy hiếp điểm trường Tiểu học Lưu Phong, xã Lưu Kiền. Ảnh: TH

Trong khi đó, tại điểm Trường Tiểu học Lưu Phong (xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương), cô và trò cũng đang phải học trong sự thấp thỏm vì sạt lở. Điểm trường này có hơn 40 học sinh trong bản theo học, từ lớp 1 đến lớp 4. Các phòng học nằm dựa lưng vào núi, đã bị đất đá bồi lấp cao hơn một mét. Cứ sau mỗi trận mưa lớn, giáo viên và phụ huynh lại phải mất cả ngày để dọn dẹp hàng chục khối đất đá từ trên đổ xuống. Theo ông Nguyễn Đình Hùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Lưu Kiền, phía trên đỉnh núi xuất hiện nhiều vết nứt, nên dạy học phía dưới cũng rất lo lắng.

Bờ kè bằng tre như thế này là không đủ để ngăn sạt lở. Vì thế, mỗi lần mưa xuống, nhà trường đành phải cho các em nghỉ học. Ảnh: TH
Bờ kè bằng tre như thế này là không đủ để ngăn sạt lở. Vì thế, mỗi lần mưa xuống, nhà trường đành phải cho các em nghỉ học. Ảnh: TH

Hồi đầu năm, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và huyện Tương Dương đã đến kiểm tra, sau đó hứa làm bờ kè để bảo vệ ngôi trường. Nhưng đến nay, năm học mới đã bắt đầu mà bờ kè vẫn chưa thấy đâu. Phụ huynh trong bản vẫn phải vào rừng chặt tre, làm bờ kè tạm. “Cả giáo viên cũng như phụ huynh rất mong mỏi được quan tâm. Mùa mưa bão đã đến gần rồi, thật sự rất lo lắng. Như mỗi năm, mỗi lần có mưa, chúng tôi đành phải cho các em ở điểm trường này nghỉ học ở nhà”, thầy Hùng nói.

Ông Kha Văn Lập - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết, trên địa bàn huyện, ngoài 2 điểm trường ở Tam Hợp và Lưu Kiền, còn một số điểm trường khác ở xã Mai Sơn, Yên Tĩnh cũng bị sạt lở uy hiếp. Mặc dù năm nay mùa mưa còn đang bắt đầu...

Tin mới