Sau cổ phần hóa nông, lâm trường ở Nghệ An vẫn chưa có bước bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Việc thực hiện cổ phần hóa các nông, lâm trường trên địa bàn Nghệ An thời gian qua đã đem lại những kết quả khả quan, giữ được mức tăng trưởng khá, vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp được bảo toàn và phát triển. Tuy nhiên, vẫn đang còn những khó khăn cần sớm được tháo gỡ.
Trồng mía ở Công ty cổ phần Nông nghiệp Sông Con (Tân Kỳ). Ảnh: Văn Trường

Trồng mía ở Công ty cổ phần Nông nghiệp Sông Con (Tân Kỳ). Ảnh: Văn Trường

Những kết quả khả quan

Từ tháng 8/8/2018, Công ty cổ phần Nông nghiệp Sông Con thuộc xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ chính thức cổ phần hoá, trước đó công ty có tên gọi Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con. Sau khi cổ phần hoá, công ty đã sắp xếp lại được bộ máy quản lý, năng động, linh hoạt trong điều hành, chủ động trong khâu sử dụng đất, tổ chức sản xuất theo định hướng của công ty.

Nhờ vậy, việc sử dụng đất trên 2,1 ngàn ha đạt hiệu quả, cụ thể là với nhiệm vụ sản xuất chính 1.000 ha cao su, 500 ha mía, ngoài ra, còn phát triển thêm các ngành nghề chế biến cao su, dịch vụ vật tư nông nghiệp, dịch vụ kỹ thuật giống cây, con.

Công ty đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng, đầu tư kinh phí để cải tạo, xây dựng các kho xưởng vật tư, nhà máy chế biến mủ cao su, củng cố mạng lưới công tác dịch vụ. Điều phối, thu mua các sản phẩm như mía, cao su kịp thời, không còn tình trạng ứ đọng sản phẩm như trước đây. Doanh thu hàng năm của công ty đều đạt hơn 21 tỷ đồng (khi mới cổ phần hóa, chỉ đạt 12 tỷ đồng). Công ty đang tạo việc làm cho 28 cán bộ, công nhân viên, trên 549 nông hộ thực hiện hợp đồng giao khoán có việc làm và thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, sau cổ phần hóa vẫn còn những khó khăn đặt ra như: Công ty chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vì vậy, chưa thể thực hiện dồn điền, đổi thửa để quy hoạch sử dụng đất hợp lý, một số diện tích đất canh tác còn manh mún. Đồng thời, gây nên khó khăn trong việc chuyển mục đích từ hợp đồng giao khoán đối với các nông hộ sang hợp đồng thuê đất lâu dài, để các nông hộ yên tâm đầu tư sản xuất.

Phát triển cây cao su ở Công ty TNHH MTV cà phê - cao su Nghệ An thuộc huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Văn Trường

Phát triển cây cao su ở Công ty TNHH MTV cà phê - cao su Nghệ An thuộc huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Văn Trường

Công ty cổ phần Nông công nghiệp 3/2 xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp cũng được cổ phần hóa từ tháng 10/2018. Việc cổ phần hóa đã tạo ra luồng sinh khí mới. Công ty làm ăn có lãi, cổ tức doanh nghiệp cũng như quy mô lao động, đời sống công nhân viên của công ty ngày càng tăng cao, nộp ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể là năm 2018 doanh thu đạt 18 tỷ đồng, năm 2021 doanh thu tăng lên 34 tỷ đồng. Công ty tạo việc làm ổn định cho 21 cán bộ, công nhân viên và 470 nông hộ nhận khoán.

Đại diện Công ty cổ phần Nông công nghiệp 3/2 cho biết thêm: Tổng diện tích đất của công ty quản lý là 1.700 ha, trong đó, tập trung chủ yếu 3 cây trồng chính gồm chè, cao su, mía. Ngoài việc chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đầu tư thâm canh cho các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày.

Công ty nâng cao công tác quản lý trong việc tiêu thụ sản phẩm. Như trước khi chưa cổ phần quản lý thì xuất hiện tình trạng “chảy máu” cao su, một số nơi bán cao su ra ngoài với giá rẻ... Hiện nay, công ty đã trực tiếp kịp thời thu mua cao su, chè, gắn với mở rộng xưởng sản xuất và trồng mới...

Sớm tháo gỡ vướng mắc

Đến thời điểm này, Công ty TNHH MTV cà phê - cao su Nghệ An vẫn chưa cổ phần quản lý xong. Công ty này hiện có 1.861 cán bộ, công nhân viên, hơn 3.400 hộ nhận khoán đất. Ngành nghề chính của công ty là đầu tư sản xuất, kinh doanh cây công nghiệp (cao su, cà phê), cây ăn quả, mía… Công ty đã hoàn thành việc rà soát quỹ đất, xác định ranh giới, hoàn thiện hồ sơ ranh giới, mốc giới và sớm hoàn thành việc xây dựng phương án sử dụng đất. Xây dựng phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất theo Nghị định 167 CP (hoàn thành 3/2018) trình Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt.

Đại diện Công ty TNHH MTV cà phê - cao su Nghệ An cho biết thêm: Việc cổ phần quản lý còn chậm là do đơn vị quản lý diện tích đất đai rộng lớn (4.015 ha) nên công tác lập bảng xác nhận đường ranh giới sử dụng đất, hoàn thiện hồ sơ ranh giới của công ty gặp nhiều khó khăn. Việc ký xác nhận vào hồ sơ ranh giới đối với các tổ chức, cá nhân và địa phương có đất giáp ranh với đất thuộc đơn vị mất nhiều thời gian để hoàn thành.

Sau cổ phần hóa, cơ sở hạ tầng của Công ty cổ phần Nông công nghiệp 3/2 (Quỳ Hợp) vẫn khó khăn. Ảnh: Văn Trường

Sau cổ phần hóa, cơ sở hạ tầng của Công ty cổ phần Nông công nghiệp 3/2 (Quỳ Hợp) vẫn khó khăn. Ảnh: Văn Trường

Để tháo gỡ khó khăn, công ty này đang đề xuất UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo đơn vị tư vấn lập phương án sử dụng đất, đo đạc, lập bản đồ địa chính, chi tiết đến từng thửa đất cho từng hộ nhận khoán và bàn giao tài liệu đến việc lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, bản đồ địa chính... và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty theo đúng quy định. Hiện tại, công ty đang tập trung hoàn thành phương án xác định giá trị doanh nghiệp, phương án sử dụng lao động và xây dựng phương án cổ phần hóa, cố gắng hoàn thành công tác cổ phần hóa trong năm 2022.

Căn cứ Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, Nghệ An đã thực hiện cổ phần hóa 3/4 doanh nghiệp thuộc ngành Nông nghiệp là Công ty CP Nông nghiệp Sông Con (Tân Kỳ), Công ty CP Nông công nghiệp 3/2 (Quỳ Hợp), Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An. Còn Công ty TNHH MTV cà phê - cao su Nghệ An đang tiến hành cổ phần hoá, quá trình triển khai gặp khó khăn.

Xưởng chế biến cao su của Công ty TNHH MTV cà phê - cao su Nghệ An hiện đang cần được nâng cấp. Ảnh: Văn Trường.

Xưởng chế biến cao su của Công ty TNHH MTV cà phê - cao su Nghệ An hiện đang cần được nâng cấp. Ảnh: Văn Trường.

Ông Hoàng Trọng Kỷ - Phó phòng Tổ chức Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Thực hiện cổ phần hóa các nông, lâm trường, các cổ đông góp vốn theo hình thức cổ phần, được hưởng lợi cũng như chịu trách nhiệm rủi ro về cổ phần của mình đóng góp. Các công ty hoạt động theo cơ chế thị trường và Luật Doanh nghiệp. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nông, lâm trường sau khi chuyển đổi sang công ty cổ phần đều khá khả quan.

Tuy nhiên, mới chỉ tăng ở doanh thu, còn lợi nhuận và số nộp ngân sách chưa tăng trưởng như kỳ vọng. Sau khi chuyển đổi, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, mô hình sản xuất chưa có sự đổi mới, chưa thu hút được lao động có trình độ về làm việc. Đặc biệt, mảng nông nghiệp thường chịu rủi ro về khí hậu, thời tiết, biến động giá cả thị trường... nên việc tìm kiếm nguồn vốn để tái đầu tư gặp nhiều khó khăn...

Tin mới