Sau khi uống rượu bao lâu thì được lái xe?

(Baonghean.vn) - Thời gian từ lúc uống rượu đến khi kiểm tra để ra được xét nghiệm âm tính thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố như lượng, loại rượu mình uống, sức khỏe của từng người, nồng độ rượu mình uống, uống càng nhiều thì nồng độ càng cao.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), về mặt khoa học, bất kể nồng độ cồn ở mức nào, kể cả nồng độ thấp thì cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến thần kinh.

Với quy định hiện nay, người điều khiển phương tiện giao thông dù là ôtô, xe máy, xe đạp, tàu, thuyền, máy bay... nếu uống rượu trước hoặc trong khi điều khiển phương tiện đều bị phạt, thì cách đối phó tích cực nhất là xác định tâm thế "đã uống rượu, bia thì không lái xe".

Ảnh minh họa. Đ.C
Ảnh minh họa. Đ.C
Còn về việc “sau khi uống rượu, bia bao lâu thì nồng độ cồn không còn trong máu?”, bác sĩ Nguyên cho rằng, đây là câu hỏi rất khó trả lời chính xác. Vì thời gian từ lúc uống rượu đến khi kiểm tra để ra được xét nghiệm âm tính thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố như lượng, loại rượu mình uống, sức khỏe của từng người, nồng độ rượu mình uống, uống càng nhiều thì nồng độ càng cao.
“Hấp thu nhanh nhất là rượu 20 độ. Với những trường hợp khác như uống lúc đói thì hấp thu rượu càng nhanh, khi có thức ăn thì hấp thu chậm hơn. Cơ thể người mà cứ uống kéo dài, uống triền miên thì rượu tồn tại trong người sẽ lâu hơn. Một số trường hợp cá biệt thì phụ thuộc vào sức khỏe cơ thể, cũng sẽ ảnh hưởng đến thời gian nồng độ cồn có trong máu. Không ai giống ai cả.
Chúng ta phải cẩn thận, vì có những người uống rượu tối hôm trước mà tối hôm sau vẫn còn dương tính trong máu và hơi thở. Cách tốt nhất là hạn chế tối đa số lần uống rượu, hạn chế tối đa lượng rượu chúng ta uống. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người”- bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Ngoài rượu, nhiều thức ăn khác cũng chứa ethanol
Bác sĩ Trung tâm Chống độc cũng cảnh báo, hiện các thức ăn hay một số loại quả lên men cũng có thể có ethanol trong đó. Socola, thuốc siro cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng, họng... một số đồ uống cũng có thể có một lượng ethanol.
“Nhưng người dân hoàn toàn yên tâm, các đồng chí công an có quy trình làm việc xét nghiệm sàng lọc ban đầu, nếu cần có thể xét nghiệm lần 2. Ở một số nước, test sàng lọc ban đầu, nếu dương tính họ sẽ làm bước 2.
Ảnh minh họa. Đ.C
Ảnh minh họa. Đ.C
Ở Việt Nam, tôi được biết là cũng làm như vậy. Chúng ta lưu ý rằng nếu không may ăn phải những đồ ăn, thức uống có ethanol thì ít nhất nên đợi 15- 30 phút mới tham gia giao thông, vì nếu không may kiểm tra vẫn sẽ có một chút ethanol trong hơi thở”- bác sĩ Nguyên đưa ra cảnh báo.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đăng Đức - Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thì cho rằng, về cơ bản rượu là chất độc cho cơ thể. Chúng ta đã lạm dụng rượu hàng nghìn năm nay. Đối với người trẻ, thì rượu làm ức chế thần kinh, dễ dẫn đến biến chứng do bị ngộ độc rượu cấp tính, đặc biệt là hạ đường huyết. Nếu uống nhiều thì bị tổn thương não, như não bị teo đi.
“Với người trẻ, chắc chắn là phải tránh xa, vì cả cuộc đời ở phía trước, làm sao để não không bị tổn thương sớm, phải tránh xa con đường nghiện ngập. Chúng ta càng hạn chế sử dụng rượu càng sớm càng tốt”- bác sĩ Đức nhấn mạnh.

Nồng độ cồn trong máu bao nhiêu thì bị xử phạt?

Khoản 8, Điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau: Điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như quy định về mức xử phạt với người điều khiển ôtô, xe máy có nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở vượt quá giới hạn như sau:

Điều 5: Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở;

8. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;

9. Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;

Điều 6: quy định xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:

6. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Tin mới