Sau mưa lũ, chuột hoành hành phá nát đồng ruộng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Lũ tràn về, nước dâng, những vùng đồng thấp nước ngập trũng, chuột dồn về những chân ruộng cao, phá hoại hoa màu. Chuột phá nát những thửa ngô đang ngậm sữa, đào bới tứ tung những ruộng lạc đang kỳ chắc hạt, cắn đổ những gốc cà, luống cải bắp…
Bà Nguyễn Thị Nga xót xa khi thửa ngô lại bị chuột tàn phá. Ảnh: Thanh Phúc

Bà Nguyễn Thị Nga xót xa khi thửa ngô lại bị chuột tàn phá. Ảnh: Thanh Phúc

Nhà làm 4 sào ngô, trong đó 1 sào ngô nếp và 3 sào ngô lai, sau khi nước rút, bà Nguyễn Thị Nga (xóm Hợp Tân, xã Thượng Tân Lộc, Nam Đàn) tranh thủ ra thăm đồng. “1 sào ngô nếp chuột cắn đổ cây, bông ăn còn trơ lại mỗi lõi, mất khoảng 50%, do đó phải bẻ bán non với giá 10.000 đồng/chục, bằng một nửa giá thị trường. Xót của nhất là 3 sào ngô lai, chuột cũng phá cho tan nát, bông nào to, hạt đã chắc là chuột cắn hết, loại ngô này, phải chờ đến khi bông ngô khô áo, già thì mới thu hoạch được. Từ giờ đến lúc đó, phải mất 1 tháng nữa, đà này thì đến khi thu hoạch sẽ chẳng còn bông nào”.

Chuột cắn đổ cây, ăn hết hạt còn trơ lại lõi ngô. Ảnh: Thanh Phúc

Chuột cắn đổ cây, ăn hết hạt còn trơ lại lõi ngô. Ảnh: Thanh Phúc

Không riêng gì bà Nga, hàng trăm ha ngô lai và hàng chục sào ngô nếp trên đồng bãi vùng 5 nam (Nam Đàn) đều bị chuột tàn phá nặng nề. Những thửa bị nhẹ, chuột cũng đã cắn nát mất 30% bông, thửa bị nặng lên đến 60-70%. “2 sào ngô lai, đầu tư không ít chi phí, nào tiền làm đất, nào giống, nào phân lân. Như năm nay, ngô bông to, dài, dày hạt, dự kiến năng suất đạt 3 tạ/sào, tính ra khoảng 3 triệu đồng. Vậy mà, chưa kịp mừng vì ngô được mùa thì mưa lũ ập về, ruộng ngập nhẹ, cây ngô không gãy đổ nhưng lại bị chuột tàn phá. Gần 1 sào ngô, chuột cắn nham nhở, cây gãy phải thu hoạch non về làm thức ăn cho bò, coi như mất trắng 3 triệu đồng”, chị Nguyễn Thị Cầm, một hộ dân trồng ngô ở vùng đồng Gia Nện (xã Thượng Tân Lộc) buồn bã.

Đối với diện tích ngô nếp, bà con phải thu hoạch, bán non với giá rẻ tránh chuột phá hoại. Ảnh: Thanh Phúc

Đối với diện tích ngô nếp, bà con phải thu hoạch, bán non với giá rẻ tránh chuột phá hoại. Ảnh: Thanh Phúc

Theo thống kê, toàn xã Thượng Tân Lộc hiện có 180ha ngô lai, 15ha sắn, 30ha lạc chưa thu hoạch. “Đợt lũ vừa qua, Thượng Tân Lộc một số diện tích ngập úng nặng, phần lớn ở phía ngoài sông. Riêng phía trong, một phần ngập, diện tích trên đất cao cưỡng thì nước rút nhanh, ít bị thiệt hại do lũ. Song, khi các cánh đồng khác nước ngập băng, chuột dồn về chỗ cao trú ẩn, tìm kiếm thức ăn. Do đó, dù không bị thiệt hại do mưa lũ thì toàn bộ diện tích này lại bị chuột hoành hành, cắn phá, nhiều diện tích bị chuột phá hoại lên đến 70%”.

Nhiều diện tích cà pháo của người dân Nam Anh bị chuột cắn ngang gốc. Ảnh: Thanh Phúc

Nhiều diện tích cà pháo của người dân Nam Anh bị chuột cắn ngang gốc. Ảnh: Thanh Phúc

Chiều muộn, trên cánh đồng màu xã Nam Anh, rất nhiều người dân ra đồng để thu gom chuột đã đặt bẫy từ chiều hôm qua. “Chỉ qua một đêm mà xung quanh chân ruộng của gia đình đã thu được 20 con chuột dính bẫy. Gần 1 sào cà đang ra trái non mà bị cắn phá hết. Không chỉ cắn trái mà chuột còn đào cả gốc, gây chết cây”, ông Hoàng Văn Chương (xóm 5, xã Nam Anh) cho biết.

Hiện nay, sau lũ, ở nhiều địa phương trong tỉnh, chuột đang hoành hành, phá hoại cây trồng vụ Đông. Đặc biệt là những địa phương làm vụ Đông sớm, khi cây trồng bắt đầu cho thu hoạch thì chuột cắn phá, gây thiệt hại nặng nề.

Người dân Nam Anh ra đồng thu gom chuột dính bẫy. Trên chân ruộng của mình, sau một đêm, ông Hoàng Văn Chương thu được 20 con chuột dính bẫy. Ảnh: Thanh Phúc

Người dân Nam Anh ra đồng thu gom chuột dính bẫy. Trên chân ruộng của mình, sau một đêm, ông Hoàng Văn Chương thu được 20 con chuột dính bẫy. Ảnh: Thanh Phúc

Để phòng trừ chuột, các địa phương đã phát động phong trào toàn dân ra quân diệt chuột; nhiều địa phương trích kinh phí hỗ trợ bà con mua chế phẩm diệt chuột sinh học; hỗ trợ bẫy diệt chuột bán nguyệt cho bà con; nhiều địa phương tổ chức thu mua đuôi chuột…

“Mặc dù trước mùa mưa lũ, địa phương đã ra quân diệt chuột bảo vệ mùa màng song sau mưa lớn kéo dài, chuột vẫn dồn về khá nhiều, gây hại trên các cánh đồng vùng màu. Hiện, chúng tôi đang triển khai các phương án diệt chuột bằng bẫy, bằng đào ổ chuột, bằng thuốc…; trình xin huyện cấp kinh phí hỗ trợ nông dân diệt chuột để bảo vệ cây trồng vụ Đông. Sắp tới, khi nắng lên, nước rút, đất khô, để xuống giống an toàn thì phải ngăn chặn chuột phá hoại”, ông Nguyễn Đình Thế, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn cho biết.

Ra quân diệt chuột ở xã Nghi Trường (Nghi Lộc). Ảnh: Thanh Phúc

Ra quân diệt chuột ở xã Nghi Trường (Nghi Lộc). Ảnh: Thanh Phúc

Theo Thạc sỹ Phan Duy Hải - Phó Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, để diệt chuột hiệu quả cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Những ruộng gần làng, gần đường, gần khu nghĩa trang thường xuyên bị chuột gây hại nặng cần phát quang bụi rậm, gò đống để chuột không còn nơi trú ngụ; kết hợp quây rào nilon, bẫy chuột bằng các loại bẫy hoặc tổ chức đào hang, đổ nước, hun khói, xông bằng hơi đất đèn, soi đèn. Khuyến khích người dân nuôi mèo, bảo vệ các loài thiên địch của chuột như rắn, các loài chim. Bên cạnh đó, khi sử dụng biện pháp hóa học thì chú ý chỉ sử dụng loại thuốc có trong danh mục như Biorat, Rat-K 2%, Ranpart 2%D, Rat-Kill 2%DD...

Thu gom chuột để chôn lấp, đảm bảo an toàn cho động vật nuôi, môi trường và sức khỏe của người dân. Ảnh: Thanh Phúc

Thu gom chuột để chôn lấp, đảm bảo an toàn cho động vật nuôi, môi trường và sức khỏe của người dân. Ảnh: Thanh Phúc

Tuy nhiên, khi đánh thuốc chuột cần thông báo rộng trong khu dân cư và tổ chức thu gom mồi thừa, xác chuột cũng phải được chôn lấp cẩn thận để an toàn cho động vật nuôi, môi trường và sức khỏe của người dân. Tuyệt đối không được sử dụng điện để diệt chuột”./.

Tin mới