Sâu sát lắng nghe, giải quyết vướng mắc vì quyền lợi của người dân

(Baonghean.vn) - Với việc phát huy dân chủ, các cấp ở huyện Quỳ Châu đã lựa chọn ưu tiên trọng điểm để đối thoại, làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cá nhân. Nhờ đó, nhiều lĩnh vực được người dân đồng tình, ủng hộ, giải quyết cơ bản những vướng mắc, băn khoăn của nhân dân.

Lắng nghe nguyện vọng người dân

Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Hiếu, đoạn qua thị trấn Tân Lạc và xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu nhằm chống sạt lở đất, chống lũ, bảo vệ đất và nhà ở cho 11 bản xã Châu Hạnh và 2 khối của thị trấn Tân Lạc với 1.213 hộ dân; bảo vệ mố cầu Kẻ Bọn (trên Quốc lộ 48). Tuyến kè có chiều dài khoảng 5,7 km với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng được khởi công vào đầu năm 2019. Đây là công trình mang ý nghĩa rất lớn và quan trọng thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của huyện Quỳ Châu.

Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Hiếu, đoạn qua Thị trấn Tân Lạc, là công trình được giải phóng mặt bằng nhanh của huyện Quỳ Châu. Ảnh: Thanh Lê
Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Hiếu, đoạn qua thị trấn Tân Lạc, là công trình được giải phóng mặt bằng nhanh của huyện Quỳ Châu. Ảnh: Thanh Lê

Công trình được thi công với sự đồng thuận, hiến đất của người dân khi không có kinh phí bồi thường. Để công trình được triển khai, trước đó, huyện Quỳ Châu đã tập trung rà soát, tuyên truyền vận động người dân hiến đất, hiến cây để giải phóng mặt bằng thi công. UBND huyện đã tổ chức đối thoại trực tiếp với các hộ dân, đưa ra phương án đảm bảo có lợi nhất cho người dân trên cơ sở các quy định của Nhà nước, đồng thời tuyên truyền, giải thích cụ thể, rõ ràng, vận động dân hiến đất…

Ngay sau đó, một số hộ dân đã hiến một số diện tích để khởi công đảm bảo tiến độ đề ra (là công trình bàn giao mặt bằng nhanh nhất). Đồng thời huyện Quỳ Châu đã biểu dương và khen thưởng các hộ gia đình chung sức, hiến tặng đất đai để cùng với huyện thi công công trình này.

Còn tại xã biên giới Châu Phong có hơn 97% là đồng bào dân tộc thiểu số, xác định tầm quan trọng của việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các bước, quy trình của công tác tiếp xúc đối thoại, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, định kỳ của cấp ủy, chính quyền. Thông qua đó phát huy dân chủ của người dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Một buổi sinh hoạt câu lạc bộ người cao tuổi sống vui sống khỏe của xã Châu Phong (Quỳ Châu). Ảnh tư liệu: Mỹ Hà
Một buổi sinh hoạt  câu lạc bộ người cao tuổi sống vui sống khỏe của xã Châu Phong (Quỳ Châu). Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Châu Phong Lương Văn Hiếu chia sẻ, qua tiếp xúc đối thoại trực tiếp của cấp ủy, chính quyền được lắng nghe người dân bày tỏ suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng trước các vấn đề bức xúc, lo lắng trong xã hội và liên quan đến lợi ích chính đáng của nhân dân, đồng thời đã ghi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để kịp thời xử lý, giải quyết các kiến nghị, phản ánh từ cơ sở. Khó khăn của địa phương là nhiều thôn bản chưa có điện. Trước đây chưa sáp nhập xã có 19 bản thì mới 5 bản có điện. Đây là vấn đề được người dân quan tâm phản ánh kiến nghị. Thông qua đối thoại người dân bày tỏ nguyện vọng chính đáng, xã đã tiếp thu, tổng hợp gửi đến các cấp có thẩm quyền giải quyết. Tin vui là theo lộ trình đến cuối năm 2020 các bản trong xã sẽ có điện thắp sáng.

Giải quyết vấn đề dư luận quan tâm

Quỳ Châu có 12 xã, thị trấn, 146 khối, bản (sau sáp nhập còn 84), trong đó 10/12 xã thuộc khu vực III, 39 bản chưa có điện; hộ nghèo trên 20%, trình độ dân trí không đồng đều, điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập thấp so với bình quân chung của tỉnh và vùng miền Tây Nghệ An… Bên cạnh đó, là các vấn đề như: thiên tai, dịch bệnh, môi trường, an toàn thực phẩm, tệ nạn xã hội, việc làm cho lao động nông thôn, đất sản xuất, tiến độ một số công trình chậm; quản lý đất đai, tài nguyên chưa tốt,... Tất cả đã tác động đến tư tưởng, đời sống, tạo nên băn khoăn, lo lắng của một số hộ dân, nảy sinh đơn thư kiến nghị, khiếu nại trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, gây khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Từ tình hình trên, huyện tập trung lãnh đạo thực hiện trọng tâm “Năm Dân vận chính quyền”, “Cải cách hành chính”, tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh.

Lãnh đạo tỉnh, huyện Quỳ Châu trao đổi với người dân xã Châu Phong. Ảnh: Thanh Lê
Lãnh đạo tỉnh, huyện Quỳ Châu trao đổi với người dân xã Châu Phong. Ảnh: Thanh Lê

Theo đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung đối thoại trực tiếp trên các lĩnh vực như: xây dựng hệ thống chính trị, quản lý đất đai, tài nguyên, bồi thường GPMB tái định cư, thực hiện các cơ chế chính sách… Điển hình như đối thoại về việc tháo dỡ, di dời 96 lò đốt than thủ công (Châu Bình); về giải tỏa công trình xây dựng trái phép; tranh chấp đất rừng của 8 hộ dân bản Tằn (Châu Hội), giải phóng mặt bằng công trình kè sông Hiếu, đoạn qua thị trấn Tân Lạc; vụ việc chặt phá rừng tại các xã Châu Phong, Châu Thuận; đối thoại việc giao đất gắn với giao rừng theo hình thức xã hội hóa... Qua đối thoại trực tiếp tại cơ sở, đến nay huyện đã cơ bản giải quyết, xử lý dứt điểm các vấn đề vướng mắc, các kiến nghị, đề xuất được xem xét giải quyết, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu Nguyễn Thanh Hoài cho biết, qua mỗi lần tổ chức, chất lượng và hiệu quả các cuộc tiếp xúc, đối thoại không ngừng được nâng lên. Tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại, lãnh đạo huyện đã trực tiếp nắm bắt và giải quyết được nhiều vấn đề nhân dân quan tâm. Thông qua đối thoại đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức và cả ý thức của người dân trong tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ngoài các cuộc tiếp công dân định kỳ, chính quyền các cấp tăng cường việc tổ chức đối thoại trực tiếp, nhất là những cuộc đối thoại đột xuất, để nhân dân có điều kiện, cơ hội nói lên tâm tư, nguyện vọng, hay phản ánh những vấn đề bức xúc, còn tồn tại trong các khu dân cư. Việc giải quyết những phản ánh, kiến nghị được thực hiện đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Đồng thời, đảm bảo thời gian trả lời ý kiến của người dân đúng định kỳ, hợp lý, hợp tình - đồng chí Nguyễn Thanh Hoài nhấn mạnh.

Thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu). Ảnh tư liệu: Kế Kiên
Thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu). Ảnh tư liệu: Kế Kiên

Tin mới