Sẻ chia – đôi khi chỉ cần im lặng

Một lần, tôi đi viếng đám tang một cậu thanh niên yểu mệnh. Cậu mới 29, cưới vợ chưa đầy 1 năm. Trong ngày Noel, cậu ra nhà bạn ăn mừng lễ thì  không may bị tai nạn. Vợ chồng cậu đang mong chờ đứa con nối dõi cho cả dòng họ. Năm ngoái vừa hớn hở đi đám cưới thì năm nay sửng sốt dự đám tang. Đám tang ấy, chỉ cần nghĩ tới đủ để khiến người ta ngậm ngùi. Không ít người đến, nắm tay người vợ trẻ, ôm bờ vai gầy khòm của người cha già, nhìn di ảnh, thắp hương xong thì ra một góc vắng vắng ngồi sụt sùi thương cảm, không muốn nói gì, không biết nói gì.

Nhưng không phải ai cũng thế, sau lưng tôi, vài cô gái trẻ bạn của người vợ trẻ vẫn vào ra, cắn hạt dưa tanh tách, chuyện trò: “Anh Q. bị tông hồi nào?… Tuốt trên xa lộ mà sao nhà mày biết?… Trời ơi, container cán ngang thì còn gì là người nữa… Vậy là chết đói còn gì nữa, đã đi ra đến nhà bạn anh đâu…”.

Cô vợ, chẳng biết có phải vì thần kinh lúc ấy đã hóa đá rồi không, vẫn có thể rạch ròi, bình tĩnh trả lời từng câu hỏi. Kể cả những câu hỏi không biết xếp vào thang ý thức giao tiếp nào khi tò mò hỏi về tình trạng của người chồng lúc gặp tai nạn.

Một vài người lớn tuổi cảm thấy nóng mặt, muốn cáu, nhưng ai nấy đều kìm lại vì không muốn nặng lời có thể khiến kinh động tới người vừa ra đi lẫn những người ở lại. Chị tôi nói: “Con bé vợ còn trẻ quá…”. Người vợ và những người bạn tuổi mới ngoài hai mươi. Cách đó chỉ vài bước chân là người cha già nua đang ngồi bần thần. Ông không chảy nước mắt được nữa. Nước mắt đã khô cạn rồi. Trưa qua, khi nghe tin con bị tai nạn, ông đòi đến gặp con lần cuối. Không ai dám cho đến vì cảnh tượng quá thương tâm. Cảnh tượng thương tâm ấy bây giờ được mang ra chuyện trò hồn nhiên trong đám tang, bởi những cô gái 9X còn rất trẻ.

Nhiều đám tang cũng gặp tình trạng tương tự như thế. Không chỉ đám tang của những người chết trẻ, và những lời sẻ chia vô tâm cũng không phải chỉ ở những người còn trẻ. Những chia sẻ khiến người ta không biết trả lời làm sao. Mà mời những kẻ hiếu kì ấy đi đi hay im lặng không nói gì thì kể cũng ngại, vì với văn hóa Việt, dù sao đi nữa, nghĩa tử cũng là nghĩa tận, đến với nhau trong lúc tang gia là điều đáng quý.

* * * * *

“Sự chia sẻ” sáng nay khiến cô bạn của tôi muốn điên tiết. Bạn kể, hồi bạn làm “hòn vọng phu”, ở nhà nuôi con nhỏ cho chồng đi học ở Mỹ. Ngày bạn sinh đứa thứ 2, chồng bận học, ở xa không thu xếp về đươc, bạn bè đồng nghiệp thân quen thường xuyên nhào vô chia sẻ. Có những lời chia sẻ không biết có thể xếp vào thể loại nào: “Tội nghiệp quá à! Sao đi đẻ mà chồng không về? Gặp mình chắc mình chết vì tủi thân!” “Bạn mạnh mẽ quá à. Gặp mà là mình, mình không cho chồng mình đi đâu. Vì vợ chồng mình đi đâu cũng phải có nhau….!” “Bạn xoay sở làm sao, với đồng lương còm, mà chồng thì đi học?”. Bạn thật thà kể rằng bên cạnh công việc chuyên môn, bạn còn thu vén thời gian học làm bánh, làm chè, nấu khô bò, khô gà… đủ loại buôn bán online vừa cho vui, vừa có thêm thu nhập nuôi con thì lại nghe tặc lưỡi: “Mình phục bạn quá à. Như nhà mình phải một tháng xài ba mươi mấy triệu. Chồng mình lo hết à, chứ mình không phải vất vả như bạn!”.

Cô bạn không may rơi vào hoàn cảnh gia đình lục đục, có người nhân danh bạn bè nhào vô quan tâm: “Vậy rồi con cái bạn làm sao? Có ai chu cấp cho nó không?”. Bạn nói mẹ con bạn ổn, gia đình dàn xếp với nhau để không ảnh hưởng gì tới lũ trẻ thì cô bạn rầu rầu: “Nhỏ bạn mình hồi xưa ly hôn, đầu tiên chồng nó chu cấp, sau chồng nó có vợ là không đưa một xu. Mình lo cho bạn quá!”…

Bạn tôi vốn là cô gái cá tính, không dễ gì lung lay, bận tâm với miệng lưỡi thiên hạ (dù được trá hình là sự quan tâm), sáng nay vẫn phải thốt lên có vẻ như chua ngoa trên FB của mình: “Đời tôi, tôi sống nha”.

Cuộc sống này cần biết mấy sự chia sẻ, nhưng quả thực, có những sự chia sẻ mà giá trị của nó thua rất xa sự im lặng. Trước những sự chia sẻ vô giá trị ấy – thậm chí còn có thể kéo người khác xuống dốc không phanh thì tốt hơn hết hãy thà như đừng quen.

Tôi thích nốt lặng trong khuông nhạc. Nó là quãng nghỉ để âm thanh sau đó cất lên dày dặn hơn, tha thiết hơn. Đôi khi nốt lặng khiến người nghe xúc động rơi nước mắt.

Và trong dòng chảy cuộc sống này, vẫn cần nhiều hơn những nốt lặng. Đến với nhau, có khi chỉ cần nhìn thật sâu vào mắt, nói với bạn mình rằng, mày ổn chứ? Và trao một nụ cười nhẹ để bạn biết mình chỉ mong chờ có vậy thôi. Bạn muốn chia sẻ gì thì mình sẽ nghe, muốn hỏi gì thì mình lại nói. Nếu tinh ý, có khi còn nhận ra rất nhiều câu hỏi trong cuộc sống này thực ra cũng chẳng cần câu trả lời đâu, mà chỉ là để cần có ai đó ngồi lắng nghe mình hỏi. Vậy thôi. Mà có khi chẳng cần nghe ai hỏi ai, chỉ cần một cái ôm khi người bạn của mình đang chênh vênh giữa dòng đời này đã là đủ ấm.

Tôi nhớ tới Trịnh, khi ông viết: “Trong âm nhạc có những dấu lặng, tức dấu nghỉ không có âm thanh, nếu không có những dấu lặng đó thì là một tai họa. Âm nhạc mà không có khoảng cách im lặng thì chẳng qua đó là sự rối loạn mà thôi”. “Có những sự có mặt của bạn bè tương đương với một dấu lặng trong âm nhạc, nên sự có mặt đó thường có khả năng mang đến cho ta sự thoải mái, thảnh thơi tựa hồ như là niềm hoan lạc. Đó là những trường hợp ta không cần phải đối phó, không cần phải lấp đầy khoảng trống bằng câu chuyện gắng gượng và nhạt nhẽo.” Trong rất  nhiều trường hợp, chỉ cần im lặng – sự vô thanh, có khi lại là âm thanh giá trị nhất trong mọi âm thanh, đó là triết lí mà nhiều người biết  được nhưng chưa chắc rằng ai cũng hiểu khi sự tò mò vẫn lên ngôi.