Sẽ quy định cụ thể trường hợp cán bộ trẻ vượt cấp vào vị trí lãnh đạo

Theo Vụ trưởng Vụ 4, Ban Tổ chức Trung ương, sẽ có quy định cụ thể đối với những trường hợp cán bộ như thế nào thì được bố trí vượt cấp.

Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” trình Hội nghị Trung ương 7, khóa XII thu hút sự quan tâm của dư luận.

Đáng chú ý, đề án cũng đưa ra thảo luận liên quan đến việc đánh giá cán bộ sẽ gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ; ưu tiên người trẻ có tài vào vị trí lãnh đạo, kể cả vượt cấp.

Sẽ quy định cụ thể trường hợp cán bộ trẻ vượt cấp vào vị trí lãnh đạo ảnh 1
Ông Phạm Quang Hưng - Vụ trưởng Vụ 4 (Ban Tổ chức Trung ương).

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Phạm Quang Hưng - Vụ trưởng Vụ 4 (Vụ Các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương), Ban Tổ chức Trung ương cho biết, xuyên suốt Đề án về công tác cán bộ trình Hội nghị Trung ương lần này là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ràng buộc trách nhiệm, kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhưng đồng thời mở ra không gian, môi trường để tạo động lực cho cán bộ tiếp tục đổi mới và phát triển, nhất là cán bộ trẻ có năng lực, triển vọng. Đó là quan điểm, đồng thời cũng là trọng tâm của đề án lần này. Trên cơ sở đó, sau này sẽ có quy định cụ thể đối với những trường hợp như thế nào thì được bố trí vượt cấp.

Theo ông Phạm Quang Hưng, trên thực tiễn cũng đã có nhiều đồng chí được bố trí vượt cấp như ông Tô Huy Rứa – nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nhưng chúng ta lại chưa có những quy định cụ thể, chưa có đường lối chung, do đó khi bố trí, sắp xếp dễ bị tuần tự, quy chuẩn hóa, nhưng lại máy móc hình thức.

“Một mặt phải chống cho triệt để kiểu bổ nhiệm cán bộ “thần tốc”, nhưng một mặt cũng có những trường hợp “thần tốc” thực sự, là nhân tài. Vì vậy sắp tới Nghị quyết cũng đề ra chương trình chiến lược quốc gia về nhân tài để thu hút, tập hợp những người trong Đảng và ngoài Đảng, kể cả người nước ngoài quy tụ về phụng sự Tổ quốc. Làm sao tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, giao quyền cho họ để nắm giữ các vị trí của đất nước, đảm bảo sự chuyển giao vững chắc giữa các thế hệ” – ông Hưng cho biết.

Có thể trong tương lai, đất nước sẽ có nguyên thủ, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở tuổi 40, là những người toàn diện, nâng cao trình độ kiến thức về mọi mặt, rèn luyện qua thực tiễn và quan trọng được tín nhiệm trong Đảng, trong nhân dân, nếu chúng ta quan tâm chăm lo, đào tạo bồi dưỡng, kể cả bố trí vượt cấp.

Đảm bảo cơ cấu lãnh đạo 3 độ tuổi

Từ Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII đã đề ra trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ luôn đặt yêu cầu phải đảm bảo sự chuyển tiếp, liên tục, vững vàng giữa các thế hệ. Như vậy, trong cơ cấu cấp ủy hay cơ cấu lãnh đạo bao giờ cũng xây dựng cơ cấu 3 độ tuổi: cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc.

Tổng kết vừa qua cho thấy, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc chưa đạt yêu cầu. Lần này, Nghị quyết đặt ra mục tiêu rất cụ thể với tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ ở từng cấp. Cụ thể, cán bộ cấp chiến lược đề ra 15%; cán bộ lãnh đạo quản lý ở các Bộ, ban ngành, cơ quan Trung ương: 20-25%; lãnh đạo địa phương từ: 15-20%.

Theo Ban soạn thảo Đề án Trung ương 7 về công tác cán bộ, yêu cầu tất yếu của thực tiễn sẽ phải chuyển giao thế hệ giữa lớp cán bộ sinh ra, lớn lên trong chiến tranh, qua thời kỳ gian khó của đất nước với lớp cán bộ được sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong môi trường hòa bình, học tập, rèn luyện ở nhiều nước khác nhau trên thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ 4.0, phải có đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ đủ sức vươn lên để nhận lấy sức mạnh đó.

Một trong những yêu cầu là phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng nhân sinh quan cách mạng cho đội ngũ cán bộ nói chung, đặc biệt chăm sóc đội ngũ cán bộ trẻ, nhất là những người có năng lực, triển vọng.

Theo Ban soạn thảo, lần này đặt ra yêu cầu tổ chức sát hạch, kiểm tra chất lượng đầu vào công chức quốc gia, thực hiện trong phạm vi cả nước. Thông qua kiểm định chất lượng, các Bộ, ban ngành, địa phương tiến hành tuyển dụng, lựa chọn cán bộ từ nguồn đó, để tránh tiêu cực, huệ duệ, cánh hẩu.

Siết chặt, chuẩn hóa quy trình, quy định, bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương thì sẽ thay đổi tư duy con ông cháu cha, bè phái, cục bộ, song phải đảm bảo sự chuyển giao.

Do vậy, lần này đặt ra yêu cầu, nếu không đảm bảo cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ thì để trống, bố trí, bổ sung sau. Trên cơ sở đó phải đào tạo, bồi dưỡng cho bằng được, làm sao trong tất cả cơ cấu lãnh đạo phải có cơ cấu 3 độ tuổi.

“Hơn ai hết, chúng ta phải giao quyền, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch, chủ động từ xa, phát hiện cán bộ trẻ, kể cả vượt cấp thì mới có đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong tương lai, nhất là cán bộ chủ chốt trẻ hơn, chủ động hội nhập với thế giới. Đó cũng chính là yêu cầu khách quan, là xu thế phát triển trong giai đoạn mới”- Ban soạn thảo cho biết./.

Tin mới