Duy* (SN1995) - nhân viên tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Minh Khai (TP. Vinh) đôi khi vẫn hay được những người làm cùng gọi đùa bằng cái tên “sinh viên giả” của Trường Đại học Vinh.
“Thi vấn đáp bằng tiếng Anh, em rất hồi hộp, phát âm không chuẩn khiến em càng tự ti, căng thẳng không thi nói tốt. Nhưng nói gì thì nói, lần thi tới đây em phải ôn lại để lấy cho bằng được cái bằng B1 rồi còn nộp xét lấy bằng tốt nghiệp. Chứ hiện tại chưa có bằng, muốn tìm một công việc ổn định hơn cũng khó” - Duy tâm sự.
Sinh viên cần chủ động hơn trong việc học ngoại ngữ, như thực hành, các tình huống giao tiếp với người nước ngoài. Ảnh: Chu Thanh |
Không nợ môn, tiếng Anh tốt, thậm chí là thi đạt bằng C1 nhưng Linh* cùng khóa với Duy vẫn chưa được xét tốt nghiệp vì không thi được bằng B1 tiếng Pháp. Là sinh viên học hệ tiếng Anh chính quy, bên cạnh quy định đạt bằng C1 tiếng Anh, nhà trường còn yêu cầu sinh viên phải có bằng B1 tiếng Pháp để ra trường.
Vấn đề của Linh cũng xuất phát từ đây. Theo chương trình học, tiếng Pháp được nhà trường đưa vào bắt đầu từ kỳ 3 của năm 2 và sinh viên chỉ phải học tiếng Pháp 1, tiếng Pháp 2 trong kỳ 3 và 4. Thế nên, đến thời điểm thi lấy bằng B1 tiếng Pháp vào năm 4, do kiến thức “rơi rớt” nhiều nên Linh không đạt được 50/100 điểm và phải chờ thi lại lần sau.
Cần sự chủ động của sinh viênTheo PGS.TS Ngô Đình Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, bắt đầu từ khóa 54 trở đi, tất cả sinh viên của Trường Đại học Vinh khi tốt nghiệp đều phải chuẩn đầu ra, ít nhất là có bằng ngoại ngữ trình độ bậc 3/6 (tương đương trình độ B1 theo khung tham chiếu châu Âu). Cụ thể, hiện nhà trường đang đặt ra 2 mức độ yêu cầu với sinh viên: Các sinh viên học hệ không chuyên ngành tiếng Anh thì chỉ cần đạt trình độ bậc 3/6; Các sinh viên học hệ tiếng Anh chính quy thì phải đạt được tối thiểu bậc 5/6 (tương đương trình độ C1 theo khung tham chiếu châu Âu) và có bằng B1 tiếng Pháp. Trên thực tế, ở Trường Đại học Vinh đã có trường hợp sinh viên phải thi đến lần thứ 5 mới có được bằng tiếng Anh và đủ điều kiện để xét tốt nghiệp ra trường.
Nhằm tạo điều kiện tối đa cho sinh viên ra trường, đồng thời đảm bảo chất lượng đầu ra, Trường Đại học Vinh chia làm 3 đợt xét tốt nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, đợt xét tốt nghiệp lần 1 cũng chỉ đạt tỷ lệ 65 -70%. Số còn lại chưa được xét tốt nghiệp, theo PGS.TS Ngô Đình Phương, ngoài các sinh viên bị thiếu môn, nợ môn và một số lý do khác thì số lượng không nhỏ là sinh viên thiếu chứng chỉ ngoại ngữ.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho rằng, các sinh viên đến từ vùng nông thôn, vùng khó khăn thường gặp khó khăn trong việc học, thi ngoại ngữ mà trong trường hợp này là học tiếng Anh. Nguyên nhân là do việc học tiếng Anh của các sinh viên khi còn đang theo học các trường THPT chưa bài bản, hiệu quả chưa cao.
Tiếng Anh trong trường Đại học đang được đẩy mạnh. Ảnh: Chu Thanh |
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế, yêu cầu về ngoại ngữ đang ngày càng trở nên thiết yếu, mở ra nhiều cánh cửa tương lai cho giới trẻ. Với xu thế này, việc quy định chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ là một điều tất yếu, thiết thực.
Thế nhưng, để nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ trong trường đại học không phải là điều dễ dàng, khi mà quá trình đổi mới phương pháp đào tạo vẫn là điều nan giải. Đó là chưa tính đến việc giảng dạy trong các trường đại học, các khoa không chuyên ngữ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; không ít bạn sinh viên trẻ vẫn còn thờ ơ, ý thức chưa cao trong việc tự rèn luyện khả năng ngoại ngữ cho bản thân… Và trong lúc chờ tìm ra giải pháp thì câu chuyện sinh viên chật vật ra trường vì thiếu bằng ngoại ngữ, chắc vẫn sẽ được xướng lên thường xuyên hơn trong thời gian tới.
* Tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu.