SLNA chả ngại chi, chỉ ngại… tây

(Baonghean.vn) - Kể từ khi lên chuyên, SLNA vốn được coi là “mát tay” trong việc ký hợp đồng với cầu thủ ngoại. Nhưng đáng nói là dần dà, những đội bóng dư dả tiền bạc đã khuynh đảo thị trường chuyển nhượng cầu thủ, khiến cho những đội bóng nghèo như SLNA rơi vào thế rượt đuổi, thua cuộc.

Nhiều người biết và luôn tin tưởng SLNA luôn sản sinh những lứa cầu thủ chất lượng ở các tuyến, trong đó có hàng thủ, nhất là vị trí trung vệ. Những Huy Hoàng, Quế Ngọc Hải…luôn không chỉ là trụ cột ở CLB mà còn ở cả ĐTQG. Mặc dù vậy, SLNA vẫn gặp vô vàn khó khăn khi đối đầu với các CLB “tậu” được những ngoại binh “khủng”, không chỉ 3 cầu thủ trên sân mà còn có thêm một ngoại binh nhập tịch.

15 phút cuối trận luôn là những thử thách cân não đối với hàng thủ và cả đội bóng. Dù Huy Hoàng có đeo bám, bật nhảy hết cỡ…, dù Ngọc Hải có là “chuyên gia bắt tây” thì mọi sự cũng sẽ nhanh chóng an bài mỗi khi Achilefu (Nam Định) hay Samson (Hà Nội T&T) có cơ hội và họ sẽ chiến thắng bằng một cú bật cao đánh đầu hay một cú rướn siêu hạng để xử lý bóng gọn ghẽ.

Đội hình B của SLNA là sự có mặt của các ngoại binh như Peter, Gustavo và Soseh. Ảnh tư liệu Xuân Thủy
Đội hình B của SLNA là sự có mặt của các ngoại binh như Peter, Gustavo và Soseh. Ảnh tư liệu Xuân Thủy
Đó là lý do vì sao SLNA trong suốt thời gian qua phải chú tâm đến vị trí trung vệ ngoại, từ Alphonse (2005-2006), Memovic (2019) hay hiện nay là Santos (2020)
Rõ ràng vị trí trung vệ ngoại chất lượng sẽ giúp hàng thủ SLNA giải quyết những tình huống bóng bổng, những cuộc đua sức một mất một còn và vô số tình huống khác cần đến sức mạnh, sự dẻo dai, độ tập trung trong suốt trận đấu.
Nhưng khi giải quyết được vị trí chốt chặn trước cầu môn thì riêng với SLNA sẽ phải chấp nhận thiếu một vị trí ở tuyến giữa hoặc ở tuyến trên tùy theo tình hình lực lượng của đội bóng.
Nếu ký được hợp đồng với những cầu thủ chất lượng như Kyembe  (ghi bàn thắng ngay trận đầu tiên trên sân Hàng Đẫy), Batambuze, Hector… chơi bùng nổ ở tuyến giữa, hay như Olaha thủy chung mới đây thì khỏi cần bàn thêm. Vấn đề muôn thuở của SLNA là “tiền nào, của nấy”, nhiều cầu thủ ngoại đã phải xách vali chuyển đội sớm vì không đáp ứng yêu cầu, còn phần lớn là từ “viên ngọc thô”, sau khi hòa nhập với SLNA, được tinh chỉnh, mài dũa thì mùa tới, chính đội bóng lại không đủ sức đáp ứng yêu cầu kinh phí của họ. Và đội bóng lại phải loay hoay đi tìm nhân tố mới, tiềm năng mới như một vòng tròn nhọc nhằn, yếu thế.
Buổi thi đấu nội bộ ngay trong sân cỏ nhân tạo của đại bản doanh đội bóng SLNA. Ảnh tư liệu Xuân Thủy
Buổi thi đấu nội bộ ngay trong sân cỏ nhân tạo của đại bản doanh đội bóng SLNA. Ảnh tư liệu Xuân Thủy
Mùa giải V.League 2020 mới đi qua 2 trận đầu tiên, vì thế việc đánh giá chất lượng các ngoại binh SLNA e chưa thể chính xác. Nhưng 2 trận đấu với đối thủ không phải là đội mạnh mà 2 ngoại binh được giao nhiệm vụ săn bàn A. Sosseh và P. Onyekachi chưa ghi được bàn thắng nào dễ để người hâm mộ đặt ra dấu hỏi về chất lượng thực sự của họ so với những gì được nói trong…lý lịch? Trong khi đó, việc SLNA qua 2 trận chưa để thủng lưới rõ ràng có công sức của trung vệ G.Santos, dù chỉ có may mắn thì SLNA mới không bị thủng lưới trước các đối thủ trung bình nói trên.
Vẫn biết các thế hệ cầu thủ SLNA luôn vào trận với đầy đủ màu cờ sắc áo nhưng việc lâu nay luôn ở ngoài top 3 V. Laegue cho thấy sự “đuối sức” thực sự của đội bóng. Dù không hiếm các cầu thủ nội tài năng nhưng rõ ràng, nguồn lực thua sút thiếu các ngoại binh chất lượng đã khiến cho đội bóng nhiều phen ngỡ thắng đến nơi mà lại thua phút cuối, nhiều pha bị thủng lưới “ai cũng hiểu, chỉ… bảng tỷ số là không hiểu”…
Vậy nên mới có ý rằng, SLNA lâu nay “chả ngại chi, chỉ ngại…tây”!

Tin mới