Sợ lấy vợ, người đàn ông Bình Thuận hai lần hủy hôn trước giờ đón dâu

Ngày cưới, anh Bình thuê khách sạn ở, cắt hết liên lạc, mặc cô dâu và người nhà đi tìm khắp nơi.

Nhắc đến câu chuyện đột ngột hủy hôn của anh Bình xảy ra vào năm 2017 và năm 2011, những người dân ở xã Hàm Cường, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận đến giờ vẫn không khỏi bàn tán xôn xao mỗi khi có dịp ngồi lại. Họ gán cho người đàn ông ấy rất nhiều biệt danh vô cùng nhạy cảm. Còn anh Bình, dù cảm thấy có lỗi với hai người con gái mà mình từng yêu, tôn trọng nhưng lại không muốn họ khổ khi bước vào cuộc sống làm vợ.

Anh Bình to khỏe, đẹp trai, là lái xe khách đường dài. Năm 2009, anh yêu chị Thắm làm thợ may (lúc đó 21 tuổi). Tình yêu của họ được hai gia đình rất ủng hộ. Bạn bè ai cũng bảo họ xứng đôi.

Sau hai năm tìm hiểu, họ quyết định tổ chức đám cưới khi anh Bình 31 tuổi. Ngày cưới được chọn là vào ngày kỷ niệm họ quen nhau, dịp lễ giáng sinh. Hai họ thống nhất sẽ tổ chức tiệc ở nhà gái, nhà trai và làm lễ nhà thờ. Chị Thắm rất hạnh phúc khi cùng bạn trai đi chụp hình cưới, đặt thiệp, nhà hàng và mời bạn bè, họ hàng hai bên. 

Sợ lấy vợ, người đàn ông Bình Thuận hai lần hủy hôn trước giờ đón dâu ảnh 1

Anh Bình luôn cảm thấy có lỗi với bố mẹ, chị Thắm và chị Lan, vì đã làm mất niềm tin ở họ. Ảnh: P.T.

Mọi thứ đã chuẩn bị xong, nhà trai chuẩn bị lên nhà gái dự lễ đính hôn (ngay trước ngày thành hôn ở nhà trai) thì anh Bình mất tích không lý do. Chị Thắm cùng gia đình chồng tương lai đi tìm khắp nơi nhưng vô vọng. Bố mẹ anh phải gọi cho từng khách mời xin lỗi. Cho đến khi biết tin ngày đặc biệt của mình bị hủy, anh Bình mới trở về, thông báo không muốn làm chú rể.

Dù rất buồn nhưng bố mẹ anh tôn trọng quyết định của con trai. Hơn một năm sau, chị Thắm cũng có người mới, còn anh vẫn ở vậy. Một lần chở khách từ Bình Thuận vào TP HCM, anh Bình quen chị Lan ít hơn 9 tuổi, khác huyện. Biết tin con trai có người mới, bố mẹ anh rất vui. Ông bà đã chắc mẩm lần này sẽ có cháu ẵm bồng.

Song, cũng như lần trước, anh Bình đột ngột bỏ nhà đi khi chỉ còn một ngày nữa là chị Lan về làm dâu. Sau hơn 3 tháng không liên lạc được với chú rể, nhà gái sang trả sính lễ. Hai gia đình thông gia hụt từ đó trở nên thù hằn, miệt thị nhau.

Anh Bình tâm sự, cả hai lần trốn làm chú rể anh đều rất buồn, dằn vặt và đắn đo rất nhiều. “Tôi không đi đâu cả. Tôi thuê khách sạn ở và tắt hết thông tin liên lạc. Ở đó, tôi rất cô đơn, tự trách mình vì đã làm liên lụy đến bố mẹ, bạn gái. Cả Thắm và Lan đều là những cô gái tốt, yêu và chung thủy với tôi. Tôi không muốn mình là chồng mà để người phụ nữ phải khổ, phải sống với vỏ bọc, có chồng cũng như không”, anh Bình tâm sự.

Hóa ra, ở tuổi 25 anh nhận ra mình rất thích trang điểm, để tóc dài, mặc đồ con gái và thích gần gũi người đồng giới, nhưng lại không dám thể hiện vì sợ bị dị nghị, sợ bố mẹ buồn. “Yêu Thắm và Lan, tôi rất khát khao có một đám cưới, rồi có con, ngày ngày được vợ chăm sóc. Vậy nhưng, khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, tôi lại không thắng nổi bản tính trong con người mình. Tôi là một người đàn ông rất đáng trách và khốn nạn khi hủy hoại tuổi xuân, lòng tin của hai cô gái. Nhưng nếu sống mà cứ lừa dối, tôi không làm được”, anh Bình nói. 

"Bây giờ, tôi không dám nhìn lại bạn bè, người thân và gặp lại hai cô ấy. Tôi rất sợ gặp phải ánh mắt thù oán của hai cô ấy nhìn mình. Tôi nợ một lời xin lỗi", anh Bình trải lòng.

Giáo sư Vũ Gia Hiền, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa Du lịch cho rằng, việc hủy hôn của anh Bình là rất đặc biệt và có hệ thống. Đây là trường hợp đầu tiên xảy ra. 

Theo giáo sư, anh Bình là người đồng tính không rõ nét (mới biểu hiện), vì thế thường có tâm lý sợ. Những người này vừa muốn có tình yêu với cả nam và nữ. Khi yêu, họ luôn khát khao được sống chung với bạn gái, vì thế, quá trình chuẩn bị cho đám cưới họ rất háo hức. Tuy nhiên, khi ngày chung đôi chuẩn bị diễn ra thì họ sợ phải đối mặt với sự thật nên tìm cách trốn tránh và phải một mình dằn vặt.

Theo ông Hiền, với những người phải hủy hôn vì lý do bất đắc dĩ như anh Bình thì hãy mạnh mẽ vượt qua và việc làm đầu tiên là gửi lời xin lỗi đến gia đình, bạn bè và chính người mà mình để họ đặt niềm tin. "Có rất nhiều lý do dẫn đến một đám cưới bị hủy, nhưng lý do của anh Bình là không ai muốn và không chỉ là nỗi đau của người bị nhận tin mà cả của người đưa ra quyết định. Tốt nhất, anh Bình nên nói sự thật và đối diện với nó để không có chuyện tương tự xảy ra một lần nữa", Giáo sư Hiền nói.

* Tên nhân vật đã thay đổi.

Tin mới