Số người tự nguyện hiến tạng ở Việt Nam tăng mạnh

Năm 2018, sau việc bé Hải An hiến giác mạc, số người đăng ký hiến mô tạng ở Việt Nam tăng vọt, chiếm một phần ba tổng số người hiến trong cả 5 năm.

Đến nay, tổng số người đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não lên đến 19.300. Họ được hướng dẫn, tiếp nhận bởi Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia. 

Trung tâm bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2013, chỉ có 5 người, trong bối cảnh nền y học nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu về ghép tạng, ông Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm cho biết tại lễ kỷ niệm thành lập, sáng 29/11.

Trước đây, quan niệm về hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam còn rất hạn chế. Khi nhắc tới chuyện cho một phần thân thể sau khi qua đời, nhiều người còn hồ nghi và sợ hãi. Năm 2014, sau một năm hoạt động, Trung tâm chỉ vận động được hơn 200 người đăng ký hiến tặng mô, tạng. Những người này chủ yếu là lãnh đạo, cán bộ của chính trung tâm và một số y bác sĩ.

Số người tự nguyện hiến tạng ở Việt Nam tăng mạnh ảnh 1

Câu chuyện bé Hải An hiến giác mạc lan tỏa giúp mọi người hiểu hơn về ý nghĩa của việc hiến tạng.

Năm 2017, trung tâm vận động thêm được nhiều người tiếp cận với chuyện hiến tặng mô/tạng và đưa tổng số người đăng ký hiến tặng lên tới 12.000 người. Tuy nhiên việc vận động trên diện rộng còn rất khó khăn, do hiểu biết và quan niệm của công chúng. 

Sự kiện bé Hải An hiến giác mạc hồi đầu năm nay đã gây xúc động cho toàn xã hội. Hiệu ứng từ câu chuyện của mẹ con bé đã thôi thúc nhiều người hiến tặng như thiếu tá Lê Hải Ninh, bé Vân Nhi, anh Nguyễn Ngọc Khiêm... Bé Hải An 7 tuổi ở Hà Nội, bị u não và qua đời tháng 2 năm nay, đã hiến giác mạc và cứu được mắt cho 2 người bệnh. 

Từ sau bé Hải An, hơn 7.300 người đã tự nguyện đến Trung tâm để ghi tên vào danh sách sẵn sàng hiến tặng mô/tạng khi chết hoặc chết não. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá cao nỗ lực, thành công của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia trong 5 năm qua. Ông hy vọng người dân thấu hiểu rằng hiến mô, tạng là việc làm nhân đạo, góp phần cứu người bệnh hiểm nghèo.

Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã hợp tác với Tổng công ty Hàng không Việt Nam phối hợp vận chuyển tạng miễn phí, tạo điều kiện để các y bác sĩ sử dụng các chuyến bay kịp thời, đưa mô, tạng đến với người bệnh cần được cứu. 

Tính đến 31/8, cả nước có 3.378 ca ghép tạng. Trong đó có 3.223 ca ghép thận, 125 ca ghép gan, 26 ca ghép tim, 1 ca ghép khối thận - tụy, 1 ca ghép khối tim - phổi và 2 ca ghép phổi. Đặc biệt, trong các ca ghép này có đến 6 ca là điều phối tạng xuyên Việt.

Tin mới