Sớm di dời 158 hộ bị ảnh hưởng môi trường do Nhà máy xi măng Sông Lam

(Baonghean.vn) - Đây là nội dung được UBND huyện Đô Lương kiến nghị tại cuộc làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh sáng 4/9.
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh Thanh Lê
Sáng 4/9, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh có cuộc làm việc với huyện Đô Lương về việc thi hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường GPMB để thực hiện các dự án trên địa bàn. Ảnh: Thanh Lê

Thời gian qua, huyện Đô Lương đã thu hút nhiều công trình, dự án, trong đó có các dự án trọng điểm như: Dự án nhà máy xi măng sông Lam và các công trình phụ trợ phục vụ cho nhà máy xi măng sông Lam tại xã Bài Sơn; dự án đường giao thông nối đường N5 khu kinh tế Đông Nam đến xã Hòa Sơn; dự án khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc,…

Từ năm 2016 đến tháng 6/2018, UBND huyện đã thu hồi và phê duyệt phương án cho 3.199 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng, với tổng diện tích thu hồi 110,39 ha, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ là trên 131,2 tỷ đồng.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Mão thông tin cử tri
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Mão phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê

Trong quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ GPMB để thực hiện các dự án trên địa bàn huyện phát sinh một số đơn thư, phản ánh kiến nghị.

Theo đó, từ đầu năm 2016 đến nay, huyện Đô Lương tiếp nhận 33 đơn liên quan đến công tác GPMB, trong đó 15 vụ việc kiến nghị, 9 vụ việc phản ánh, 2 vụ việc khiếu nại, không có đơn thư tố cáo.

Các kiến nghị, phản ánh khiếu nại của công dân được UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, ngành đơn vị có liên quan giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất.

Phát biểu tại cuộc làm việc, ông Hồ Xuân Bảy - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh kiêm Trưởng ban tiếp công dân tỉnh cho biết: Một trong những vấn đề người dân Đô Lương quan tâm kiến nghị là ảnh hưởng môi trường từ hoạt động của Nhà máy xi măng sông Lam. Người dân đề nghị bố trí tái định cư chuyển dân đi chỗ ở khác. Nguyện vọng người dân là chính đáng.

Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh lưu ý huyện Đô Lương cần phân loại đơn thư chính xác để giao trách nhiệm và chuyển đến các cơ quan, ban, ngành liên quan giải quyết kịp thời nội dung công dân phản ánh.

Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh đề nghị huyện cần phân loại chính xác đơn thư. Ảnh Thanh Lê
Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hồ Xuân Bảy đề nghị huyện Đô Lương cần phân loại chính xác đơn thư. Ảnh Thanh Lê

Làm rõ nội dung này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Hoàng Văn Hiệp cho biết: Vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường GPMB trên địa bàn đó là kiến nghị của các hộ dân về tác động môi trường của Nhà máy xi măng sông Lam, theo đó có hiện tượng nước chảy tràn ra khu dân cư và đồng ruộng, tiếng ồn, khói bụi, ô nhiễm do vận chuyển nguyên liệu phục vụ sản xuất của nhà máy xi măng.

Ông Hiệp cho biết: Theo tiêu chí đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, chỉ có 32 hộ dân chịu tác động của dự án do nằm trong phạm vi bán kính an toàn cách khu vực lò nung 900 mét, cách hàng rào công trình 600 mét. Tuy nhiên, trên thực tế, theo thống kê của UBND huyện Đô Lương, có tới 158 hộ dân bị ảnh hưởng của tác động môi trường bởi hoạt động của Nhà máy xi măng sông Lam.

Cho biết các hộ dân này đã đề nghị nhiều lần được di dời ra khỏi khu vực ô nhiễm song đây là vấn đề vượt quá thẩm quyền của huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương nói: Huyện đã thành lập đoàn kiểm tra, kiến nghị lên UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có phương án di dời các hộ dân này.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Hoàng Văn Hiệp phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh Thanh Lê
Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Hoàng Văn Hiệp phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê
Kết luận tại cuộc làm việc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền ghi nhận, đánh giá cao công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của huyện Đô Lương về công tác thu hồi đất, GPMB để triển khai các dự án.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị huyện Đô Lương quan tâm đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân; hoàn thiện bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Huyện Đô Lương cần thực hiện đầy đủ các quy trình, công khai, dân chủ trong công tác thu hồi đất, GPMB.
Quy trình xử lý đơn thư cần thực hiện chặt chẽ từ phân loại, phân công đơn vị xử lý, theo dõi quá trình xử lý; đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng xử lý đơn thư; cùng đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát việc xử lý đơn thư.

Tin mới