Sớm giải quyết vấn đề khan hiếm vắc-xin

(Baonghean) - Tiêm chủng là nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Vì thế, tất cả quốc gia trên thế giới nỗ lực hết mình nhằm bảo đảm luôn có đủ vắc-xin để trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Nước ta chưa phải là một quốc gia giàu có, nhưng Nhà nước luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho trẻ nào cũng được tiêm chủng đầy đủ theo quy định của ngành Y tế. Thế nhưng, thời gian qua có hiện tượng trẻ không được tiêm chủng đúng thời hạn. Lý do là nguồn vắc-xin loại 6 trong 1 diện tiêm chủng dịch vụ chứ không phải dành cho tiêm chủng mở rộng quá khan hiếm.
Sở dĩ nói như vậy là vì trong mấy ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10 ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác diễn ra cảnh các ông bố, bà mẹ xếp hàng, chen lấn, xô đẩy, giành chỗ từ tờ mờ sáng để đăng ký danh sách tiêm chủng vắc-xin 6 trong 1 cho con cháu mình. Thế nhưng, không phải tất cả đều được đáp ứng. Vì nhu cầu lớn mà nguồn cung vắc-xin thì hạn hẹp. Như ở điểm tiêm chủng thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội) hôm trước nhập về 500 liều vắc-xin 6 trong 1 đến trưa hôm sau đã hết veo, và chỉ thỏa mãn được phân nửa số người đang xếp hàng. Từ đó suy ra, lượng vắc-xin nói trên hiện chỉ đáp ứng được nửa nhu cầu. Nhiều người đã phải đôn đáo ngược xuôi, cậy nhờ hết bệnh viện này đến các điểm tiêm chủng khác, thế nhưng vẫn không có nổi vắc-xin để tiêm chủng cho con đành chấp nhận chờ đợi và dẫn đến tiêm chủng muộn so với thời gian theo quy định và nhiều trẻ đến lịch tiêm chủng nhưng chưa có thuốc về nên còn chờ đợi đến 6, 7 tháng. Thậm chí là 1 năm vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Trong khi đó, theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới và Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trẻ từ tháng thứ 2 cần phải tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh ho gà, bại liệt, viêm não do vi khuẩn, vì từ 2 tháng tuổi trở lên kháng thể truyền từ mẹ đã hết, cần tiêm để đảm bảo phòng bệnh. Theo các chuyên gia y tế, thời điểm tiêm chủng là rất quan trọng. Vì thế, không nên trông chờ vào vắc-xin dịch vụ, bản chất thì hai loại thuốc miễn dịch và bảo vệ như nhau. Thông thường, sau 2 tháng em bé hết khả năng miễn dịch từ mẹ truyền sang con, thì lúc đó có khả năng bị nhiễm bệnh ho gà thì nên tiêm vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván luôn. Nếu phụ huynh cứ chờ đến 4, 5 tháng mới tiêm thì trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao. Thế nhưng, bất chấp tất cả những khuyến cáo đó, người dân vẫn không mấy mặn mà với tiêm chủng mở rộng mà kiên quyết chờ vắc-xin dịch vụ 6 trong 1. Thậm chí có khi chờ đợi một mũi tiêm mất cả năm trời. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đã có một số trẻ tử vong sau khi đi tiêm chủng mở rộng dẫn đến  tâm lý sợ vắc-xin quinvaxem trong chương trình tiêm chủng này. Còn vì sao nguồn cung vắc-xin dịch vụ lại khan hiếm như vậy thì dư luận đã mổ xẻ nhiều rồi mà đến nay vẫn vậy!
Việc giải trình, làm rõ nguyên nhân khan hiếm vắc-xin tiêm chủng 6 trong 1 có thể chờ đợi được, nhưng không thể để kéo dài tình trạng khan hiếm vắc-xin được nữa. Bài học từ dịch sởi bùng phát trong diện rộng xảy ra hồi đầu năm đã cho thấy việc bỏ bê tiêm chủng, tiêm chủng không đúng thời hạn theo quy định ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như thế nào. Vì tính mạng và sức khỏe của trẻ em, ngành Y tế và các cơ quan có liên quan cần tập trung tháo gỡ vấn đề khan hiếm vắc-xin 6 trong 1. Việc này, giải quyết càng sớm càng tốt.
Duy Hương

Tin mới