Sớm hình thành điểm trình diễn bảo tồn đa dạng sinh học ở Pù Mát

Lần thứ nhất tôi được tận mắt nhìn thấy, chúng chỉ như những con mèo ngoan, con có trọng lượng lớn nhất là 2,9kg, con nhỏ nhất chỉ khoảng 3,5kg. 3 tháng sau khi chúng tôi trở lại, chúng đã có trọng lượng từ 25kg- 30kg. Chúng cứ như được thổi để lớn vậy. Chúng chính là 7 cá thể hổ đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Vườn Quốc gia Pù Mát (Con Cuông).

7 chú hổ này đến với Trung tâm cứu hộ động vật, Vườn Quốc gia Pù Mát một cách đầy may mắn. Chúng là tang chứng của một vụ án buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm do Công an Nghệ An thực hiện. Ngày 1/8/2021, khi đến Trung tâm cứu hộ, 7 cá thể hổ này kiệt sức, khả năng tử vong cao do đói khát trong quá trình vận chuyển. Thế rồi, nhờ sự phối hợp, hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (SVW), sự chăm sóc rất kịp thời của đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm, những cá thể hổ đã hồi phục một cách thần kỳ. Và như đã nói, đến thời điểm này (12/2021) cá thể lớn nhất nặng hơn 30kg.

4 trong số 7 cá thể hổ đang được chăm sóc bảo vệ tại Trung tâm.
4 trong số 7 cá thể hổ đang được chăm sóc bảo vệ tại Trung tâm.

Anh Nguyễn Văn Tuấn – cán bộ Trung tâm cứu hộ động vật, người trực tiếp chăm sóc 7 cá thể hổ cho biết, theo nhu cầu, lượng thức ăn của loài hổ nặng bằng 10% trọng lượng cơ thể của chúng. Thực đơn chính của chúng gồm: thịt bò, thịt gà và thịt thỏ. Nếu là thịt bò, một con hổ có trọng lượng 30kg sẽ ăn 3kg/ngày; còn nếu là thịt gà là khoảng hơn 4kg và thịt thỏ là 5-6kg. Điều này tuỳ vào lượng calo của thức ăn. Bên cạnh đó, thức ăn của chúng còn được trộn với một loại bột canxi nhằm tạo sự phát triển và vững chắc cho hệ xương.

Trong lần thứ hai chúng tôi đến thăm, những con hổ đã cho thấy sức vóc của loài được mệnh danh là chúa tể sơn lâm. Tuy nhiên, do được các cán bộ, nhân viên Trung tâm cứu hộ cứu chữa, chăm sóc, nuôi dưỡng từ khi còn rất nhỏ nên chúng không tỏ ra hung tợn, xa lạ với con người. Mặc dù vậy, như anh Nguyễn Văn Tuấn cho biết, chúng vẫn là động vật ăn thịt, là thú hoang nên cần phải đảm bảo sự an toàn và khoảng cách cần thiết.

Anh Nguyễn Văn Tuấn - người trực tiếp chăm sóc hổ; Chuồng nuôi hổ.
Anh Nguyễn Văn Tuấn - người trực tiếp chăm sóc hổ; Chuồng nuôi hổ.

7 cá thể hổ đang được nuôi trong khu chuồng dành cho loài tê tê. Chúng  được xác định là loài hổ Đông Dương –  ông Trần Xuân Cường – Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết, tuy nhiên hiện tại chưa thể xác định được nguồn gốc gen của chúng. Chúng được vận chuyển từ Lào vào Nghệ An và nhiều khả năng 7 cá thể hổ là kết quả của sự lai tạo pha tạp về chủng, cận huyết trong các trại chăn nuôi nên nguồn gen bị biến dạng và đánh mất bản năng tự nhiên. Chính vì vậy, không thể thả chúng về môi trường tự nhiên được nữa. Trọn đời chúng phải sống bằng sự cung cấp thức ăn, chăm sóc, bảo vệ của con người. Nói dí dỏm như một cán bộ Trung tâm cứu hộ động vật Pù Mát thì con người đang phải “nuôi báo cô” chúng cũng như nhiều loài thú lớn, thú nhỏ khác.

Cũng như 7 cá thể hổ nói trên, hiện tại Trung tâm cứu hộ động vật, Vườn Quốc gia Pù Mát đang cứu hộ và chăm sóc suốt đời 44 cá thể của 14 loài, trong đó phần lớn có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.

Thực tế cho thấy, tại Trung tâm, động vật được tiếp nhận hàng năm cao nhất tập trung vào nhóm thú. Đặc biệt là năm 2019, số lượng động vật tiếp nhận lên đến 183 cá thể thì có tới 154 cá thể thuộc nhóm thú. 9 tháng đầu năm 2021 Trung tâm đã tiếp nhận 35 cá thể thì có tới 31 cá thể thuộc nhóm thú. Đối tượng động vật được tiếp nhận cứu hộ phần lớn là các loài nguy cấp, quý, hiếm. Trong 43 loài với hơn 600 cá thể được tiếp nhận từ năm 2016 đến này thì có tới 27 loài nguy cấp, quý, hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, như các loài: hổ, gấu ngựa, cáo lửa, rái cá vuốt bé, rái cá lông mượt, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, tê tê vùng, tê tê Java, rùa hộp trán vàng, rùa đất lớn, trăn gấm, rắn hổ mang…

Hai cá thể gấu ngựa được nuôi trọn đời tại Trung tâm cứu hộ (ảnh lớn); Hai con vượn má trắng; Rắn hổ mang chúa; Một cá thể tê tê cái vừa sinh con.
Hai cá thể gấu ngựa được nuôi trọn đời tại Trung tâm cứu hộ (ảnh lớn); Hai con vượn má trắng; Rắn hổ mang chúa; Một cá thể tê tê cái vừa sinh con.

Theo quy trình, động vật sau khi được cứu hộ đảm bảo sức khỏe sẽ được tái thả về môi trường tự nhiên. Trường hợp động vật được đánh giá khó tồn tại ngoài tự nhiên do đã được nuôi nhốt trong thời gian nhiều năm, đã mất bản năng tự kiếm ăn,  lẩn trốn khi gặp người sẽ được đề xuất tiếp tục cứu hộ hoặc chuyển giao cho cơ sở cứu hộ động vật khác. Từ năm 2016 đến tháng 9/2021, Trung tâm cứu hộ động vật Vườn quốc gia Pù Mát đã tái thả trở lại rừng tự nhiên 404 cá thể của 39 loài. Tuy nhiên với chiều hướng như thời gian gần đây, ngày càng nhiều có các loài quý hiếm nhưng mất bản năng tự nhiên được đưa về Vườn Quốc gia Pù Mát. Chúng phải nhận “gói” nuôi dưỡng trọn đời tại đây, nhưng với điều kiện cơ sở vật chất hiện có sẽ rất khó để đảm bảo an toàn cho người chăm sóc cũng như cho động vật.

Hình thành từ năm 1997 trên diện tích 1,5 ha, hiện tại trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, Vườn Quốc gia Pù mát đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chức năng tiếp nhận, cứu hộ, nghiên cứu khoa học, lưu giữ, bảo tồn nguồn gen động vật. Cơ sở vật chất, chuồng trại hiện rất khó đáp ứng các yêu cầu chữa trị, chăm sóc, cứu hộ động vật. Trong khi đó số lượng các loài thú được đưa về đây có chiều hướng tăng lên hàng năm. Ngay như 7 cá thể hổ nêu ở phần đầu hiện đang “ở nhờ” trong chuồng dành cho tê tê. Với cơ sở hạ tầng hiện tại, không đảm bảo điều kiện an toàn cho người chăm sóc cũng như việc chăm sóc các động vật.

Khu vực chăm sóc loài linh trưởng.
Khu vực chăm sóc loài linh trưởng.

Trước thực tế đó, mới đây Vườn Quốc gia Pù Mát đã đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương lập quy hoạch mở rộng khu cứu hộ thành cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học tại Phân khu Hành chính – Dịch vụ thuộc Vườn quốc gia Pù Mát (Mở rộng từ khu cứu hộ hiện có thuộc văn phòng Vườn quốc gia Pù Mát) với diện tích gần 10 ha. Bao gồm các hạng mục: khu cách ly cứu hộ động vật (Cứu hộ các nhóm loài thú ăn thịt, thú móng guốc, linh trưởng, bò sát…); khu nhân nuôi sinh sản bảo tồn một số loài thú nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ; khu nuôi bán hoang dã, khu trưng bày giáo dục bảo tồn. Trước mắt, Vườn đề nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí trong năm 2022 để xây dựng 1 khu chuồng cứu hộ các loài thú ăn thịt lớn như: hổ, báo, gấu… với diện tích 500m2, đảm bảo khả năng tiếp nhận cứu hộ 8 – 10 cá thể. Cùng với đó, xây dựng khu chuồng cứu hộ các loài linh trưởng, cầy, thú ăn thịt nhỏ… bị mất bản năng tự nhiên, không có khả năng tái thả trở lại rừng nhằm phục vụ công tác giáo dục môi trường và phúc lợi động vật với tổng diện tích 1.000 m2.

Theo Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát Trần Xuân Cường, việc quy hoạch mở rộng trung tâm thành cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được căn cứ trên Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ.  Mở rộng quy mô cơ sở cứu hộ động vật còn giải quyết được nhiều bài toán mà thực tiễn đặt ra: Đảm bảo cho hoạt động cứu hộ, chăm sóc, nuôi động vật hoang dã, quý hiếm; Tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, tìm kiếm, bảo tồn và phát triển nguồn gen động vật. Đặc biệt về lâu dài cần hướng tới phải hình thành điểm trình diễn bảo tồn (như là một vườn thú) phục vụ nhu cầu của người dân và du khách khi đến với huyện Con Cuông nói riêng và miền Tây Nghệ An nói chung. Và mục tiêu này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của tỉnh về xây dựng huyện Con Cuông trở thành đô thị theo hướng sinh thái bền vững.

Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về vấn đề quy hoạch cơ sở cứu hộ động vật.
Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về vấn đề quy hoạch cơ sở cứu hộ động vật.

Khi hình thành điểm trình diễn bảo tồn, số tiền thu được từ khách tham quan sẽ tái đầu tư, chăm sóc cho động vật, nhờ đó sẽ giảm một phần gánh nặng cho ngân sách. Xin nói thêm, chỉ tính riêng 7 cá thể hổ đang được chăm sóc ở Trung tâm cứu hộ động vật Vườn quốc gia Pù Mát, bình quân mỗi tháng chi phí mất hơn 120 triệu đồng. Và từ khi được cứu hộ đến nay vẫn đang được nuôi bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam – một tổ chức phi lợi nhuận về bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam. Và hệ thống chuồng nuôi tê tê mà các cá thể hổ đang “ở nhờ” cũng là do tổ chức này hỗ trợ xây dựng. Được biết, hiện nay, chủ trương quy hoạch mở rộng cơ sở cứu hộ động vật của Vườn Quốc gia Pù Mát đã được các sở, ngành chức năng đồng ý. Hy vọng trong một ngày không xa du khách đến miền Tây Nghệ An sẽ có thêm một điểm dừng chân hấp dẫn.

Sông Giăng và đại ngàn Pù Mát sẽ là một điểm dừng chân hấp dẫn ở miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: Sách Nguyễn
Sông Giăng và đại ngàn Pù Mát sẽ là một điểm dừng chân hấp dẫn ở miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: Sách Nguyễn