Sớm xác minh, làm rõ những hồ sơ thương binh bị cho là giả mạo

(Baonghean) - Trong 336 bộ hồ sơ bị đình chỉ trợ cấp, đã có 59 thương bệnh binh được khôi phục chế độ. Hiện vẫn còn 277 bộ hồ sơ chưa cung cấp được các thủ tục cần thiết theo yêu cầu của Ban thanh tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và sẽ phải nộp lại cho ngân sách số tiền đã được hưởng. Tuy nhiên trong số đó có 61 thương binh có hoàn cảnh éo le, nghèo khó hoặc đã từ trần nên sẽ được miễn việc truy thu.

» Hành trình đòi danh dự của các cựu binh bị đình chỉ chế độ

» 'Thật giả lẫn lộn' trong thực hiện chính sách thương binh


Trong số những thương binh không bị truy thu là ông Nguyễn Văn Hứa ở xóm 5, xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu), ông Hứa từng được hưởng chế độ từ năm 2001 cho đến thời điểm đình chỉ tháng 8/2016. Hiện nay gia đình khó khăn, bản thân ông ngoài thương tật đang mang trong mình với kết quả giám định trước đình chỉ là 40%, thì từ hơn hai năm nay ông còn phải sống trong cảnh mù loà. Do đó trong bản báo cáo trình Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về đối tượng phải truy thu không có tên ông.

Ông Nguyễn Văn Hứa giơ cánh tay vẫn còn mảnh kim khí khiến mỗi khi trái gió trở trời ông luôn cảm thấy đau nhức và không bao giờ ông có thể giơ thẳng cánh tay. Ảnh: N.H
Ông Nguyễn Văn Hứa giơ cánh tay vẫn còn mảnh kim khí khiến mỗi khi trái gió trở trời ông luôn cảm thấy đau nhức và không bao giờ ông có thể giơ thẳng. Ảnh: N.H

Ông Nguyễn Văn Hứa đi bộ đội năm 1974 tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Ninh tại Đại đội 2 – Tiểu đoàn 4 - Trung đoàn 270 – Sư đoàn 314 – thuộc Quân khu 4. Khi đang chiến đấu tại Bãi Sỏi – Châu Thành – Tây Ninh, ông bị thương vào cánh tay khi gánh cơm ra hào công sự cho đồng đội vào tháng 8 năm 1974.

Trong câu chuyện, ông cho biết: “Khi biết mình là 1 trong 18 đối tượng bị đình chỉ chế độ thương binh tôi rất sốc, và khi biết lý do, danh sách bộ đội nhập ngũ tại Sư đoàn 341, nơi tôi đầu quân, tên tôi bị ghi chồng với tên một đồng chí khác, dù mù loà nhưng tôi đã cùng với các đồng chí bị đình chỉ ra tận Bộ để đề nghị xem xét. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”. 

Giấy chừng thương được cho là chưa hợp lệ so với hồ sơ gốc lưu tại sư đoàn 341, lý do mà ông bị đình chỉ trợ cấp. Ảnh:  NVCC
Giấy chừng thương được cho là chưa hợp lệ so với hồ sơ gốc lưu tại sư đoàn 341, lý do mà ông bị đình chỉ trợ cấp. Ảnh: NVCC

Ông Hứa cho biết, giờ trong cơ thể ông vẫn còn mảnh kim khí, vết mổ ở khuỷ tay mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức, cánh tay cũng không thể giơ thẳng. Đến nay ông không biết bản thân phải làm những gì, bởi những thủ tục cần thiết ông đã thực hiện đầy đủ.

Chế độ trợ cấp mà ông Hứa đã được hưởng trong nhiều đã bị đình chỉ vào tháng 8 /2016. Ảnh: NVCC
Chế độ trợ cấp mà ông Hứa đã được hưởng trong nhiều đã bị đình chỉ vào tháng 8 /2016. Ảnh: NVCC

“Khi bị thương, thời gian đang điều trị ở Bệnh viện Quân Y 105 tôi  bị tâm thần, không làm chủ được hành động nên đã để mất giấy tờ gốc, sau này để được xét chế độ thương bệnh binh theo Thông tư Số 18 – LĐTBXH/TT về Hướng dẫn thực hiện một số chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với người có công với cách mạng, tôi đã bổ sung đầy đủ các giấy tờ cần thiết trong đó có giấy chứng thương, thời gian nhập ngũ.

Thời điểm này bản thân tôi cũng không biết mình phải bổ sung chi tiết gì, chỉ mong cấp trên xác minh hoặc giám định lại” , ông Hứa cho biết.

Nằm trong danh sách 18 thương binh bị đình chỉ trợ cấp hàng tháng ở huyện Quỳnh Lưu dành cho thương bệnh binh, có ông Hồ Văn Lợi, nay đã được phục hồi chế độ thương bệnh binh, ông Lợi có thời gian nhập ngũ và địa điểm nhập ngũ cùng với ông Hứa, tuy nhiên sau khi bị dừng, vì còn khoẻ nên ông đã ngay lập tức ra tận sư đoàn để xin được xem lại danh sách, và sau khi bổ sung được đầy đủ “chứng lý”, tháng 9 năm 2017 ông Lợi đã được phục hồi lại chế độ thương bệnh binh.

Về điều này ông Đặng Minh Hoài – Phó Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Quỳnh Lưu cho hay: “Tất cả 18 người bị đình chỉ chúng tôi đều không biết lý do của từng người một, Phòng chỉ nhận được thông báo của cấp trên tạm dừng chi trả chế độ vì các bộ hồ sơ này cần phải bổ sung một số chi tiết, và các đối tượng cũng đã được Ban Chỉ huy Quân sự huyện hướng dẫn cách bổ sung. Thế nhưng đến nay, chúng tôi cũng chỉ nhận được quyết định phục hồi lại cho 5 thương binh”. 

Tại huyện Nghi Lộc có 11 đối tượng bị đình chỉ chi trả trợ cấp chế độ thương bệnh binh, tuy nhiên đến nay có 9 người đã được phục hồi chế độ. Ông Dũng - Phó trưởng phòng LĐ,TB&XH cho biết: “Ngoài hai đối tượng có dính đến vụ làm hồ sơ thương binh giả tại xã Nghi Long thì đến tháng 7 vừa qua huyện đã thực hiện truy lĩnh đủ cho 9 người.

Hiện Nghi Lộc không phải truy thu đối tượng nào”. Khi được hỏi vì sao huyện có nhiều đối tượng được phục hồi trong khi có những địa phương khác tỷ lệ này lại thấp, ông Dũng cho hay: “Sau khi có danh sách bị đình chỉ chúng tôi đã phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện hướng dẫn các bác về lại đơn vị cũ để chứng thực lại danh sách nhập ngũ, sau khi có được danh sách bổ sung cần thiết chúng tôi có đơn đệ trình để các bác được hưởng lại chính sách”.

Theo báo cáo của Sở LĐ,TB&XH,  trong 59 đối tượng được khôi phục, có 30 đối tượng đã bổ sung được tài liệu chứng thương như lý lịch quân nhân, quyết định phục viên... hoặc văn bản của đơn vị xác nhận có bị thương (kèm theo bản sao danh sách quân nhân bị thương được đơn vị xác nhận). 29 đối tượng được Bộ Tư lệnh Quân khu 4 kiểm tra xác minh lại có tên trong danh sách bị thương của đơn vị  và được thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đồng ý khôi phục trợ cấp tại Công văn số  347/ TTr – NCC ngày 16/6/2017.

Cũng theo Sở LĐ – TB & XH thì số tiền phải truy thu lớn lên đến 31,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, các cấp chính quyền chỉ mới thu hồi được 13 đối tượng với hơn 1 tỷ đồng trong đó TP. Vinh thu được gần 600 triệu đồng, Hưng Nguyên thu được hơn 550 triệu đồng. Hiện nay theo thống kê của Sở còn 267 đối tượng phải thu hồi với tổng số tiền lên đến hơn 30 tỷ đồng. Địa phương có đối tượng phải truy thu nhiều nhất là thành phố Vinh với 108 người, Hưng Nguyên 45 người, Đô Lương 19 người, Diễn Châu 15 người, Quỳnh Lưu 9 người.

Theo kết quả rà soát, phân loại đối tượng thì các cấp chính quyền phải thu hồi 201 đối tượng với số tiền hơn 22 tỷ đồng. Còn lại 61 người có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, đã từ trần, 5 người đã di chuyển khỏi nơi cư trú nên không có khả năng truy thu. 

Ông Đặng Minh Hoài – Phó trưởng phòng LĐTB & XH huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Về khả năng truy thu một số đối tượng trên địa bàn đang bị đình chỉ  (có trong danh sách của Sở) sẽ rất khó thực hiện bởi những đối tượng này đều có gia cảnh không khấm khá gì, có người còn bệnh tật, đau ốm. Chúng tôi cũng mong muốn các bác bổ sung được các chứng cứ khớp với hồ sơ gốc để được phục hồi chế độ.”.

Tuy nhiên theo báo cáo sau thanh tra của Sở LĐ,TB&XH, đối với những đối tượng có khả năng và phải truy thu thì tiến hành thực hiện ngay việc thu hồi. Đối với những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật tiếp tục tuyên truyền, đôn đốc đối tượng  nộp số tiền đã hưởng sai theo quy định. Đồng thời chính quyền địa phương phải tổ chức họp xem xét hoàn cảnh đối tượng. Không tiến hành truy thu đối với các đối tượng đã từ trần; các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, những đối tượng thuộc diện hộ nghèo đang gặp nhiều khó khăn.

Về điều này ông Nguyễn Đăng Dương - Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho rằng: “Dù việc truy thu được xác định là khó khăn vì thực tế có nhiều đối tượng không chấp nhận kết quả bị đình chỉ, nhưng đã là kết luận của thanh tra thì phải thực thi. Đối với những đối tượng đang mong muốn được xác minh và giám định lại chúng tôi vẫn sẽ chờ đến hết năm nay”.

Khôi Nguyên -  Hiến Tùng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới