Sống bằng hàng Tàu?

Sáng chủ nhật uống càphê với một ông bạn trong lĩnh vực điện thắp sáng. Nhắc đến sự kiện Khaisilk tráo lận hàng Trung Quốc thành hàng Việt, ông bạn buông một câu dửng dưng: Ôi trời, chuyện đó có gì đâu mà dư luận làm toáng lên. Làm ngành điện tôi biết, bây giờ thị trường toàn xài đồ của Trung Quốc. Từ cái bóng đèn, dây cáp, con ốc vít…, lớn nhỏ đều là hàng Trung Quốc…

Không liệt kê chi tiết từng thương hiệu Trung Quốc trong lĩnh vực chiếu sáng, nhưng ông bạn kể các dự án khu dân cư, nhà cao tầng, đường sá, cầu cống… hiện đều chuộng thiết bị Trung Quốc. Một bóng đèn cao áp công suất 100 – 250W, gồm bóng, kích tụ, vỏ pha nếu nhập của Trung Quốc chỉ có giá khoảng 1 triệu đồng;

Còn mua của các nước trong khối ASEAN đắt gấp rưỡi. Tương tự, thiết bị chiếu sáng nội thất, chẳng hạn như bóng đèn LED của Trung Quốc cũng đang “đánh bật” các tên tuổi của Việt Nam như Điện Quang, Rạng Đông... ra khỏi các toà nhà.

Hành tây, hành tím, tỏi Trung Quốc chiếm gọn những phân khúc nhà hàng, bếp ăn tập thể tại Việt Nam, nhờ giá rẻ. Giờ đến thời người Việt ta sống bằng hàng Tàu?
Hành tây, hành tím, tỏi Trung Quốc chiếm gọn những phân khúc nhà hàng, bếp ăn tập thể tại Việt Nam, nhờ giá rẻ. Giờ đến thời người Việt ta sống bằng hàng Tàu?

Mới đây, một người bạn tên T, nhân viên kinh doanh nông sản của một công ty Trung Quốc có trụ sở ở quận 4 “khoe” mỗi tháng bán được 15 – 17 container hành tây Trung Quốc ở hai chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức, TP.HCM. 

Điều đáng nói là công ty Trung Quốc này chỉ mới mở văn phòng kinh doanh ở Việt Nam được tám tháng, nhưng họ đã nhanh chóng chiếm lĩnh được sản lượng hành tây, càrốt, tỏi, củ hành tím ở hai chợ này, chỉ với một phương châm: mua hàng tận ruộng ở Trung Quốc giá rẻ, để bán tại chợ đầu mối ở Việt Nam với giá cạnh tranh.

Thường, theo T, công ty Trung Quốc sẽ mua hành tây dạng xô tại ruộng với giá dao động chỉ khoảng 1.000 đồng/kg, sau đó thuê xe chở sang các cửa khẩu ở Việt Nam phân loại rồi chở về hai chợ đầu mối trên. Cứ 4g sáng, với vai trò nhân viên kinh doanh, T lại chạy xe máy tới chợ đầu mối nhận hàng, rồi giao lại cho các tiểu thương với giá trung bình 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Mùa này hành tây Đà Lạt chưa vào vụ (từ giữa tháng 11 trở đi mới có) nên hành tây Trung Quốc đang thống lĩnh thị trường Việt Nam, T tiết lộ. Không chỉ có hành tây, từ rất lâu rồi càrốt, tỏi, hành tím, bắp cải trắng, xúp lơ xanh (bao lưới), dưa lưới… Trung Quốc cũng tràn ngập thị trường. Ông Nguyễn Minh Nhật, một đầu mối (Q.7) chuyên lấy hàng nông sản từ chợ Bình Điền về giao cho các nhà hàng, quán ăn, quán càphê nói: đa phần nông sản Trung Quốc được phân khúc bếp ăn tập thể chuộng vì mẫu mã đẹp, to và giá rẻ.

“Hầu hết các bếp ăn lớn đều sử dụng càrốt, hành tây, hành tím hay củ tỏi Trung Quốc, chứ ít khi xài sản phẩm nội địa”, ông Nhật khẳng định.

Chủ nhà hàng HB ở làng đại học, quận Thủ Đức, TP.HCM không ngần ngại tiết lộ mỗi ngày sử dụng ít nhất 20kg tỏi tươi, 15kg hành tây, 10kg hành tím của… Trung Quốc. “Tỏi, hành tím trồng trong nước loại nào cũng trên 50.000 đồng/kg mà củ lại nhỏ xíu, khó chế biến, còn hàng Trung Quốc có quanh năm, giá rẻ phân nửa, củ to, đầu bếp dễ làm”, ông này so sánh.

Mới đây vụ Khaisilk bán khăn ’made in China’ xôn xao dư luận Việt Nam. Ảnh tư liệu
Mới đây vụ Khaisilk bán khăn ’made in China’ xôn xao dư luận Việt Nam. Ảnh tư liệu

Vào bất cứ quán phở Bắc nào, nếu chọn món tỏi xắt lát ngâm giấm trong cái hũ, thì đó cũng là tỏi Trung Quốc chứ không phải tỏi Việt Nam, vì lát tỏi to, dày trong khi hàng Việt bé tí tẹo.

Hàng chục năm nay, trung bình mỗi đêm, ba chợ đầu mối nông sản lớn nhất ở TP.HCM đều đặn tiếp nhận hàng trăm tấn rau củ, quả từ Trung Quốc. Từ đây, hàng lan toả, cắm rễ ở khắp các quận huyện, tỉnh, thành lân cận.

Sau thời gian bị dư luận lên tiếng, tuy hàng nông sản Trung Quốc đã thưa dần ở chợ lẻ, nhưng lại vẫn duy trì ở phân khúc bếp ăn tập thể, nơi sử dụng số lượng lớn hơn nhiều lần so với bếp ăn gia đình. Người tiêu dùng Việt, dù có tâm lý è dè, không trực tiếp mua nông sản Trung Quốc ở chợ lẻ về chế biến, nhưng khi vào nhà hàng, khách sạn, quán ăn, hay quán càphê vẫn phải dùng.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng xuất khẩu được nông sản sang Trung Quốc, như hàng thuỷ hải sản, trái cây, gạo, tiêu, điều, heo… nhưng xét toàn diện thì chúng ta vẫn thua về sản lượng lẫn cách tiếp cận so với họ. Cho đến thời điểm này, ngoài một số ít nông sản của Việt Nam như Vinamit, càphê Trung Nguyên… thiết lập được thương hiệu tại thị trường Trung Quốc,còn lại, hầu hết đều không có lý lịch tại thị trường đông dân này.

Chẳng hạn như mặt hàng gạo, Trung Quốc hiện tiêu thụ tới gần 40% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, nhưng theo các doanh nghiệp xuất khẩu, rất khó có thể tìm thấy sản phẩm gạo đóng gói sản xuất tại Việt Nam bán tại thị trường Trung Quốc.

Theo ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc tập đoàn Lộc Trời, các nhà nhập khẩu gạo Trung Quốc thường nhập gạo từ Việt Nam vì giá rẻ, chất lượng thấp… dùng để phối trộn với những loại gạo của họ hoặc gạo nhập từ các nước khác. Điều này khiến gạo Việt Nam dù xuất sang nhiều nhưng lại không có thương hiệu tại thị trường này. Gạo Việt luôn ở “kèo dưới” trong buôn bán với các nhà nhập khẩu Trung Quốc, nên xuất nhiều nhưng giá trị không cao.

Điểm qua như vậy để thấy, chuyện Khaisilk gian lận hàng Trung Quốc thành hàng Việt chỉ là bề nổi của tảng băng chìm hàng Trung Quốc đang ăn sâu, cắm rễ vào thị trường Việt Nam. Bây giờ, doanh nghiệp sản xuất ở bất cứ ngành nghề nào cũng đang có vẻ “hụt hơi” với hàng hoá Trung Quốc.

Theo Danviet

TIN LIÊN QUAN

Tin mới