Sông Lam Nghệ An: Bài học từ những trận thua tức tưởi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Kết thúc lượt đi V-League 1-2022, Sông Lam Nghệ An với 6 trận thắng, 2 trận hòa và 4 trận thua, giành được 20 điểm, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đặt ra từ đầu mùa là vươn lên top 3 trong bảng xếp hạng tạm thời.

Đây là một kết quả đáng phấn khởi, nhất là so với mùa giải trước và so với truyền thống của đội bóng. Nhưng nếu so với kỳ vọng, so với thực lực hiện có và mong mỏi của đông đảo người hâm mộ, Sông Lam Nghệ An có thể đạt kết quả tốt hơn, ít nhất nhìn từ 3 trận thua ở giai đoạn lượt đi và những điều đáng nói từ các trận đấu này.

Sông Lam Nghệ An có thể đạt kết quả tốt hơn ở giai đoạn lượt về. Ảnh tư liệu

Sông Lam Nghệ An có thể đạt kết quả tốt hơn ở giai đoạn lượt về. Ảnh tư liệu

4 trận thua của Sông Lam Nghệ An diễn ra trên sân nhà trước Topenland Bình Định (1-2) và trên sân khách trước SHB Đà Nẵng (1-3), Hà Nội FC (1-2), Viettel (0-2). Mỗi trận thua vừa nêu đều có nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau nhưng đều có chung một diễn biến là 2 trận dẫn trước (Topenland Bình Định, bàn thắng của Ngọc Hải, Hà Nội FC với bàn thắng của Olaha) nhưng sau đó để thua ngược như mọi người đều biết, do việc Văn Khánh rời sân ngoài ý muốn và Olaha bị thẻ đỏ. 3 trận thua trước SHB Đà Nẵng, Hà Nội FC và Viettel đều diễn ra khi Sông Lam Nghệ An vốn có thế trận tốt, chơi ép sân nhưng bị dính đòn hồi mã thương lợi hại của đối thủ.

Trận thua trên sân nhà trước Topenland Bình Định có thể do nguyên nhân từ thuyền trưởng đến lực lượng còn mới mẻ, mong manh trước đoàn quân số má của đội bóng nhà giàu mới nổi, nên dễ dàng được chia sẻ. Nhưng những trận thua còn lại đều do trước hết là lỗi cá nhân (Olaha, Bá Sang trong trận gặp Hà Nội FC chẳng hạn) nhưng chủ yếu là lỗi hệ thống, lỗi nhiều người, trong đó quan trọng nhất là lỗi từ chiến thuật, đọc trận đấu của BHL đội bóng, là nơi cần được mổ xẻ nhiều nhất để có bước đi vững chắc hơn trong giai đoạn lượt về.

Hãy nhớ lại 2 trận đấu trên sân khách Hòa Xuân và Hàng Đẫy trước SHB Đà Nẵng và Viettel để thấy Sông Lam Nghệ An thua không chỉ vì lực lượng mà cả sức mạnh của tư duy từ băng ghế chỉ đạo. Sông Lam Nghệ An đều ép sân hoặc do đối thủ chủ động nhường sân nhưng hoàn toàn bế tắc trước hàng thủ kín kẽ, chơi thấp mà đối thủ giăng ra. Sông Lam Nghệ An thời điểm đó chưa lường hết sự nguy hiểm của các cầu thủ trẻ lứa U19 của Đà Nẵng như Phi Hoàng, Đình Duy là một lẽ, nhưng cái chính là Huy Hoàng cùng Văn Quyến, Như Thuật lại quá non trẻ so với một Thanh Hùng từng trải, để rồi hàng thủ Sông Lam Nghệ An luôn dâng cao, luôn không thể theo kịp các đường chuyền vượt tuyến để các cầu thủ trẻ đua sức, phối hợp, dứt điểm, khiến Văn Khánh trở nên tệ hại hơn bao giờ hết bên cạnh sự mong manh, nhạy cảm với chấn thương.

Và dù Huy Hoàng có khẳng định nếu Viettel có Hoàng Đức hay mọi nhẽ thì Sông Lam Nghệ An đã có Xuân Mạnh mạnh mẽ, lên chân, nhưng trên thực tế vài năm lại đây cho thấy Hoàng Đức mang trong mình đẳng cấp châu lục, là người chuyển trạng thái ổn định nhất, xuất sắc nhất, người biết chuyền bóng lợi hại, biết kết thúc gọn ghẽ hơn ai hết của bóng đá Việt. Trong khi đó, Viettel chủ động nhường sân, bẫy Sông Lam Nghệ An dâng cao như kiểu họ nhìn rõ cách SHB Đà Nẵng từng làm tốt, thì không chỉ Hoàng Đức mà cả Mạnh Dũng hay bất cứ hậu vệ nào cũng đều biết cách nhanh chóng chuyền bóng ra sau hàng thủ đội khách để Geovane tinh quái và khéo léo tìm đến, gây khó cho Ngọc Hải và Văn Hoàng. Nghĩa là cả đội đều thuộc bài do HLV đề ra, để rồi họ thực hiện một cách thống nhất, xuyên suốt và giành kết quả mỹ mãn như chúng ta đã thấy.

Sau trận thua tức tưởi, khó nuốt trôi trước Viettel, Huy Hoàng nói về nguyên nhân “hàng thủ thiếu tập trung” là điều không sai vì điều này lặp đi lặp lại không chỉ trong một trận thua. Nhưng phải chăng, lỗi trước hết là ở BHL khi họ không chịu nhìn lại, nhìn ra bài học từ trận thua SHB Đà Nẵng trước đó. Ai cũng biết SLNA có truyền thống chơi phòng ngự-phản công và chỉ hay, chỉ sắc khi chơi đúng tinh thần đó.

Cũng như ĐT Việt Nam, khi được đối thủ nhường sân, họ sẽ phải chơi trái sở trường nên gặp vô vàn khó khăn, bế tắc, mất phương hướng. Sông Lam Nghệ An cũng ở vào tình thế tương tự nhưng không kịp rút ra bài học, không có giải pháp tương kế, tựu kế để “bắt bài ngược” trước đối thủ. Khi Ban huấn luyện không sửa sai, tung nhiều cầu thủ trẻ vào sân thì sự nôn nóng, sơ hở càng lộ rõ. Điều này sẽ ảnh hưởng về sau khi những Nam Hải, Xuân Tiến, Văn Cường… càng vào sân, đội bóng càng thua trận, cảm hứng được chơi bóng, được thi thố thật khó mà tốt lên so với các đối thủ như Phi Hoàng, Đình Duy, Mạnh Dũng…

Hàng công của Sông Lam Nghệ An gặp khó khăn trong trận gặp Viettel khi chủ nhà sử dụng số đông cầu thủ trước cầu môn Nguyên Mạnh. Ảnh tư liệu: Chung Lê
Hàng công của Sông Lam Nghệ An gặp khó khăn trong trận gặp Viettel khi chủ nhà sử dụng số đông cầu thủ trước cầu môn Nguyên Mạnh. Ảnh tư liệu: Chung Lê

Tất nhiên, điều cần nói nhất lúc này là Sông Lam Nghệ An có lực lượng ổn, tiềm năng, ngoại binh tốt nhưng vẫn phải trông cậy quá nhiều vào Văn Đức, Xuân Mạnh, trong khi họ cần được đồng đội hỗ trợ, san sẻ, gánh vác nhiều hơn. Cũng cần phải thừa nhận Sông Lam Nghệ An hiện không có tài năng thực sự cỡ Hoàng Đức, trẻ cỡ Phi Hoàng hay ngoại binh như Geovane, Rimario… để có thể tạo đột biến trong từng trận đấu. Trong tay Huy Hoàng chỉ có vậy, chỉ “liệu cơm gắp mắm” chống chèo để lấy điểm từ những đội yếu, khá, chấp nhận trắng tay trước các đội mạnh mà thôi. Vấn đề là phải kịp thời rút kinh nghiệm, bài học để không “sa bẫy” đối thủ, giảm thiểu những sai sót cá nhân và lỗi hệ thống từng mắc phải, thì chuyện top 3 sẽ sớm đạt và vượt ở giai đoạn lượt về, dù mọi việc luôn biến động khó lường, khó dự đoán.

Tin mới