Sông Lam Nghệ An: Nghịch lý của một niềm tự hào

(Baonghean.vn) - Nhiều cầu thủ trưởng thành từ SLNA, ra đi và trở thành những ngôi sao hàng đầu của bóng đá Việt Nam, có đóng góp lớn cho các đội bóng mới cũng như ĐTQG, còn thành tích SLNA thì xuống dốc nhanh chóng.

Ra đi để thành đạt

Thuở xưa, thủ môn Dương Hồng Sơn chia tay SLNA và trở thành cầu thủ thành đạt hàng đầu của bóng đá xứ Nghệ sau nhiều năm đeo tấm băng thủ quân CLB Hà Nội. Lần lượt Lê Công Vinh sau khi chia tay SLNA đã đi vào huyền thoại của bóng đá Việt Nam.

Đây là 2 cầu thủ có nhiều đóng góp cho ĐT Việt Nam trong chức vô địch tại AFF Cup 2008. Và dĩ nhiên, họ cũng là những cầu thủ giàu có, thành đạt hàng đầu. Sau đó, trung vệ Nguyễn Minh Đức, Cao Xuân Thắng cũng là những cầu thủ giàu lên từ những bản hợp đồng bom tấn.

Tiền vệ Trọng Hoàng chia tay SLNA đã đoạt 2 chức vô địch V.League, 1 Cúp QG và 1 Siêu Cúp QG. Trong màu áo ĐTQG, Trọng Hoàng vẫn là gương mặt được yêu thích nhất.

Các cầu thủ khác như Hoàng Thịnh, Phi Sơn, Ngọc Hải đều thể hiện được đẳng cấp, trình độ của mình trong màu áo các CLB mới. Ở đội bóng mới, họ không chỉ được hưởng lương, thưởng và lót tay từ 2-3 tỷ đồng/ mùa mà còn gặt hái được những danh hiệu khác nhau.

Nguyễn Trọng Hoàng (SLNA) và tiền đạo Lê Công Vinh hay nhiều những cầu thủ rời SLNA đều thành danh và giàu có. Trung Kiên
Nguyễn Trọng Hoàng (SLNA) và tiền đạo Lê Công Vinh hay nhiều những cầu thủ rời SLNA đều thành danh và giàu có. Ảnh: Trung Kiên

Đặc biệt, Quế Ngọc Hải vẫn là niềm tự hào của SLNA khi anh đang là thủ quân ĐTQG Việt Nam, cùng đội tuyển gặt hái những thành công tại AFF Cup 2018, Asian Cup 2019. Cầu thủ SLNA không chỉ được đào tạo cơ bản, có kỹ năng chơi bóng tốt mà điều quan trọng nhất là lối chơi máu lửa, giàu tinh thần chiến đấu, không ngại va chạm.

Điều này luôn được thể hiện trong bất kỳ thời điểm, giai đoạn nào của bóng đá Việt Nam. Chính những khán giả trung lập và khó tính nhất cũng phải thừa nhận, SLNA chính là đội bóng có công tác đào tạo trẻ tốt và là nơi sản sinh ra những cầu thủ tốt nhất cho ĐTQG. Nhưng thành tích đội tuyển đi lên, thì nhìn về SLNA lại khiến CĐV xứ Nghệ chạnh lòng.

Thành tích đi xuống

Niềm tự hào đó sau nhiều năm đã thực sự trở thành mối lo của các CĐV xứ Nghệ. Từ một đội bóng luôn sản sinh ra nhiều cầu thủ giỏi, năm nào cũng phải chạy đôn, chạy đáo để giữ chân các cầu thủ do chính mình đào tạo ra. Không có cầu thủ giỏi, thành tích của SLNA trầy trật, đi xuống tại V.League.

Trong 3 năm (2011, 2012 và 2013), thành tích của SLNA dưới thời HLV Hữu Thắng luôn nằm trong nhóm tranh huy chương hoặc khiêm tốn nhất là tốp 5 tại V.League 2014.

Quế Ngọc Hải là sản phẩm tiêu biểu của lò SLNA. Ảnh: Trung Kiên
Quế Ngọc Hải là sản phẩm tiêu biểu của lò SLNA. Ảnh: Trung Kiên

Mùa 2015, khi Lê Công Vinh đã cập B. Bình Dương trong phần cuối sự nghiệp, SLNA dựa vào một lứa cầu thủ trẻ vào độ chín sinh năm 1992, 1993 như Ngô Hoàng Thịnh, Quế Ngọc Hải, Phạm Mạnh Hùng, Hồ Khắc Ngọc, Trần Đình Hoàng vẫn chỉ xếp thứ 7 chung cuộc.

Và điều gì đến cũng đã đến, khi Hoàng Thịnh và Đình Đồng rời SLNA đến với Thanh Hóa năm 2016, đội bóng xứ Nghệ chỉ cán đích ở vị trí thứ 9. Năm 2017, thầy trò HLV Nguyễn Đức Thắng chỉ xếp ở vị trí thứ 8, đoạt chức vô địch Cúp QG vào cuối mùa và chia tay Trần Phi Sơn.

Trong 5 năm gần đây nhất, lần hiếm hoi SLNA lọt vào tốp 5, đứng ở vị trí thứ 4 chung cuộc là mùa bóng 2018 với sự trưởng thành của cặp đôi Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh và bộ khung chất lượng Nguyên Mạnh, Khắc Ngọc, Đình Hoàng, Ngọc Toàn...

Mùa giải 2019 vừa qua, dù vẫn còn đó những cầu thủ chất lượng nhưng SLNA cũng không có được lực lượng như ý muốn và xếp thứ 7 chung cuộc. Một trong những nguyên nhân cho thất bại đến từ chấn thương liên miên, chiều sâu lực lượng không đảm bảo khi không thể đưa Hoàng Thịnh, Trọng Hoàng trở lại sân Vinh.

Trọng trách đặt lên vai những gương mặt như Phan Văn Đức tại V.League 2020 là rất lớn. Ảnh: Trung Kiên
Trọng trách đặt lên vai những gương mặt như Phan Văn Đức tại V.League 2020 là rất lớn. Ảnh: Trung Kiên

Giờ đây, khi những gương mặt đình đám nhất của SLNA như Nguyên Mạnh, Khắc Ngọc, Đình Hoàng, Ngọc Toàn đã lần lượt cập bến Viettel, SHB Đà Nẵng thì SLNA chắc chắn thành tích của đội bóng xứ Nghệ sẽ là một dấu hỏi lớn trong thời điểm HLV Quang Trường trở lại.

Tại V.League 2020, SLNA nhiều khả năng sẽ là đội bóng có độ tuổi trung bình trẻ nhất khi lứa sinh năm 1995, 1996 như Văn Khánh, Tuấn Tài, Văn Đức, Xuân Mạnh, Văn Hoàng làm trụ cột. Tuy nhiên, lứa cầu thủ U23 của SLNA hiện tại muốn chơi tốt khi lên chuyên nghiệp cũng cần ít nhất 2-3 năm cọ xát.

Thành tích đi xuống, sân Vinh vắng vẻ càng khiến đội bóng khó tìm được nhà tài trợ mới và lại không có nguồn kinh phí đủ mạnh. Theo đó, cũng không tìm được những ngoại binh ưng ý. Một vòng luẩn quẩn hàng chục năm nay vẫn chưa có lời giải đáp, cùng với đó là một niềm tự hào xen lẫn nỗi buồn.

Tin mới